, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 03/03/2022, 17:36

10 sáng kiến thành phố thiên nhiên thú vị trên thế giới

N.A
(theo theguardian.com)
Nhằm cải thiện thiên nhiên và duy trì đa dạng sinh học, các kiến trúc sư và các nhà hoạt động cộng đồng đã tìm cách đưa thiên nhiên và động vật hoang dã vào... đô thị. Dưới đây là 10 dự án đa dạng sinh học đô thị sáng tạo và thú vị trên thế giới đã và đang được hình thành.

Những khu rừng thẳng đứng ở Milan

Tại khu thương mại trung tâm của Milan, nơi hai tòa nhà chọc trời được bao phủ bởi cây xanh, đã hình thành một thảm thực vật tương đương với 30.000m2. Khu phức hợp Bosco Verticale bao gồm 2 tòa tháp cao 80m và 112m đã có 800 cây cổ thụ, 15.000 cây leo và 5.000 cây bụi nằm trong các bồn lớn ở ban công.

Tòa tháp được khai trương năm 2014, và thảm thực vật được cắt thiết kế, cắt tỉa để không che khuất tầm nhìn của cư dân. Theo kiến ​​trúc sư Stefano Boeri, các nhà sinh thái học đã nghiên cứu để đảm bảo cho các loài thực vật ở các tháp thẳng đứng này phù hợp với từng địa điểm và có khả năng thu hút các loại động vật khác. Hiện chúng là chỗ ở của gần 1.600 loài chim và bướm. 

Các “khu rừng thẳng đứng” này chính là cảm hứng để các kiến trúc sư thiết kế, xây dựng Thành phố Rừng đầu tiên trên thế giới ở Liễu Châu, Trung Quốc.

Thảm thực vật nảy mầm từ những khu vườn thẳng đứng ở Milan. Ảnh: Miguel Medina/AFP/Getty Images.

Những cây cầu dành cho động vật hoang dã ở Edmonton (Canada)

Hơn một chục cây cầu và lối đi dành cho động vật hoang dã đã được xây dựng ở thành phố Edmonton (Canada), nhằm tạo môi trường sống cho các loài động vật trong thành phố và “giảm xung đột” giữa chúng với con người. 

Cây cầu lớn nhất dài 30m gần Hồ Lớn ở phía tây bắc thành phố, được thiết kế có hành lang cho nai và các loài móng guốc khác. Trên cầu được phủ đầy cây lớn, cũng là nơi trú ẩn cho chúng. Những cây cầu nhỏ hơn như những đường đèo đặc biệt, dành riêng cho kỳ nhông và ếch có thể tránh đường khi di chuyển qua đầm lầy và rừng.

Những con đường dạng cầu dành cho động vật tương tự đã được xây dựng trên khắp thế giới, điển hình là ở Los Angeles. Nơi đây dành cho động vật hoang dã lớn nhất thế giới, nhằm bảo vệ môi trường sống của sư tử núi.

Một trong hàng loạt cây cầu và đường hầm được tạo ra ở Edmonton, Canada, để giúp động vật hoang dã đi lại an toàn. Ảnh: @letsgowithmiklo.

Vũ Hán - “Thành phố bọt biển”

Vũ Hán được gọi là “thành phố bọt biển” đầu tiên của Trung Quốc, vì đã được xây dựng dựa trên cách tiếp cận dựa vào thiên nhiên mà phóng chống lũ lụt. Vỉa hè thấm nước, vườn mưa, ao nhân tạo và đất ngập nước bao phủ khắp thành phố. 

Đây là những giải pháp thay thế các biện pháp phòng chống lũ truyền thống và thân thiện với môi trường. Sau trận lũ lụt năm 2016 ở Vũ Hán, sáng kiến “Thành phố bọt biển” này gồm 390 dự án riêng biệt, tiết kiệm hơn 600 triệu đô la so với việc nâng cấp hệ thống thoát nước của thành phố. Hiện nay đã có hơn 30 “thành phố bọt biển” ở Trung Quốc.

Công viên Xinyuexie, Vũ Hán. Ảnh: Obermeyer.

Sống chung với mèo hoang ở Cape Town (Nam Phi)

Caracals - còn được gọi là linh miêu sa mạc - là những sinh vật sống đơn độc, khó nắm bắt, hiếm khi được nhìn thấy nhưng lại xuất hiện trong nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, cũng như các điền trang và vườn nho ở Cape Town. Chúng là loài săn mồi lớn cuối cùng còn sót lại trên bán đảo Cape. Theo kết quả từ Dự án Urban Caracal, 70% trường hợp tử vong của loài vật này là do ô tô đâm. 

Việc đánh dấu và đeo vòng cổ theo dõi đã giúp các nhà nghiên cứu hiểu thêm về cách mà những chú mèo này di chuyển trong cảnh quan đô thị. Từ đó, họ cộng tác với các nghệ sĩ địa phương để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật (biển báo) tại những điểm nóng gây tắc đường, nhầm nâng cao nhận thức của người dân đô thị. Các biển báo Caracal đã thu hút nhiều sự chú ý xung quanh Cape Town, đã góp phần giảm tỷ lệ tử vong của loài vật này.

Một chú linh miêu sa mạc đang đi dạo trên Cape Town. Ảnh: Hilton Davies/Dự án Urban Caracal.

“Trao quyền công dân” cho ong ở ngoại ô San José

Curridabat là vùng ngoại ô của thủ đô San José (Costa Rica). Nơi đây đã “trao quyền công dân” cho các loài thụ phấn và thực vật bản địa nhằm xây dựng không gian cho động vật hoang dã trong đô thị. Ong được xem như một “công dân” của thành phố và nhiều dự án tạo “điều kiện sống” cho chúng được triển khai với ngân sách của Nhà nước.

Nhiều loài cây bản địa được trồng rộng rãi ở các vùng lân cận Curridabat. Điều này đã đảm bảo cho các loài thụ phấn có điều kiện phát triển mạnh. Bên cạnh đó, không gian xanh được coi là cơ sở hạ tầng và được đưa vào quy hoạch đô thị. 

Từ năm 2016, nhiều sáng kiến về thiên nhiên đô thị ra đời như cải thiện sức khỏe đất, trồng các loài bản địa, quản lý nước tốt hơn, cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông… Ngày nay,  Curridabat từ một vùng ngoại ô không mấy nổi bật đã được gọi là “Ciudad Dulce” (Thành phố ngọt ngào), nơi tiên phong trong việc xây dựng “thiên đường” cho động vật hoang dã ở đô thị.

Curridabat đã được biến đổi từ một vùng ngoại ô không mấy nổi bật của thủ đô San José của Costa Rica, trở thành thiên đường cho động vật hoang dã đô thị. Ảnh: Thành phố Curridabat.

Những trang trại bỏ túi ở Sydney

Năm 2016, một bãi cỏ của một câu lạc bộ bowling, cách khu thương mại trung tâm của Sydney 5km, đã được nhóm Pocket City Farms chuyển đổi thành một trang trại nội đô. Khu vườn rộng 1.200m2. Trong đó, mỗi 16m2 được sử dụng để trồng thực phẩm hữu cơ địa phương và tổ chức các chương trình hướng dẫn người dân về cách ăn uống lành mạnh. Trang trại còn có tổ ong và nhà kính trồng cây giống.

Ngoài ra, ở Úc còn có nhiều trang trại cộng đồng ở đô thị như Trang trại Thành phố Sydney, Trang trại đô thị Green Connect ở Wollongong, và Popes Produce ở Illawarra.

Trang trại cộng đồng đô thị tại Camperdown. Ảnh: Karstu Photography / Alamy

Nước xám ở Dodoma (Tanzania)

Nước xám là nước tương đối sạch, có thể sử dụng trong các thiết bị nhà bếp như máy giặt và bồn rửa, nhưng không đủ sạch để uống. Việc tái chế nguồn nước thường bị lãng phí đã biến Quảng trường Nyerere, trung tâm Thủ đô Dodoma của Tanzania thành một công viên đô thị thiên nhiên.

Thủ đô Dodoma vốn là thành phố khô cằn, nóng bức, thiếu nước trầm trọng. Nhưng nhờ vào dự án tưới bằng “nước xám” mà thành phố đã được phủ xanh. Nhiều thảm thực vật được xây dựng đã trở thành nơi sinh sống của các loài thụ phấn. 

Quảng trường Julius Nyerere (tên vị Tổng thống đầu tiên của Tanzania độc lập) được phủ xanh. Ảnh: Joerg Boethling/Alamy.

Đồng cỏ hoa ở Berlin

Đức được biết đến là nhà của 580 loài ong hoang dã, 300 loài trong số đó được tìm thấy ở Berlin, nhưng hơn một nửa trong số đó đang bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Với chi phí hơn 1,5 triệu euro, Berlin đã nỗ lực rất lớn để tạo ra hơn 50 khu vườn hoang dã trong thành phố nhằm tăng cường đa dạng sinh học cho đất nước của mình.

Từ mô hình ở Berlin, hơn 100 đồng cỏ hoa dại đã được trồng trên khắp các thành phố lớn của Đức trong ba năm, sau bản kiến ​​nghị “cứu những con ong” ở Bavaria năm 2019.

Trong số 300 loài ong hoang dã được tìm thấy ở Berlin, hơn một nửa là loài có nguy cơ tuyệt chủng hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Ảnh: Christian Jungeblodt/The Guardian.

Khu vườn cộng đồng ở Los Angeles

Hội đồng Vườn cộng đồng Los Angeles đang quản lý 42 khu vườn cộng đồng, tổ chức các buổi tư vấn, hội thảo và phục vụ hơn 6.000 gia đình. Mục đích của dự án là liên kết mọi người và tạo ra cộng đồng bền vững, khuyến khích người dân ăn thực phẩm tươi, lành mạnh.

Nếu ở những khu vườn truyền thống, người dân thuê một khoảnh đất để tự trồng lấy thức ăn, thì trong khu vườn cộng đồng, hội đồng sẽ hướng dẫn mọi người các phương pháp làm vườn và ăn uống lành mạnh. Ngoài ra, ở các nông trại thành thị này, tình nguyện viên sẽ trồng rau, củ để bán ra chợ và cho người dân.

'Khu vườn cộng đồng' ở LA. Ảnh: Được phép của Ron Finley Project.

Những chú chim ưng Peregrine ở London

Năm 2003, chú chim ưng Peregrine đầu tiên đã cố gắng sinh sản ở London. Hiện nay đã có 30 đôi chim ưng trong toàn thành phố. Điều này là nhờ vào các tòa nhà cao tầng của thành phố, nơi mà chúng có thể làm tổ, dễ tìm nguồn thức ăn và tương đối “tự do” với con người.  

Các loài chim này được pháp luật bảo vệ. Chúng được chăm sóc, bảo dưỡng liên tục từ tháng 8 đến tháng 1, thời gian nằm ngoài nhịp sinh sản của chúng.

Một con chim ưng Peregrine bay gần Nhà thờ St Paul. Ảnh: David Tipling/Getty Images

Một trong những địa điểm làm tổ của Peregrine đầu tiên ở London là trên nhà máy điện Battersea. Với chi phí hơn 100.000 bảng Anh, một hộp tổ thay thế đã được xây dựng trên đỉnh tháp như một phần của quá trình tái phát triển. 

Ngoài ra, trên nóc nhiều ngôi nhà cao tầng khác cũng đang được quy hoạch và xây dựng tổ cho đàn chim như Tate Modern, Nhà Quốc hội và Bệnh viện Charing Cross.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Nổi bật
Được quan tâm


Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất