, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 08/09/2020, 14:57

3 thế hệ giữ lửa đúc đồng xứ Huế

LÊ PHI

Theo gia phả của dòng họ Nguyễn ở xóm Kinh Nhơn (phường Phường Đúc - Huế), nghề đúc đồng có nguồn gốc từ Bắc Ninh đã được truyền bá về Huế nhờ Tổ nghề là cụ Nguyễn Văn Lương, quê làng Đồng Xá, huyện Siêu Loại (Bắc Ninh), khi cụ đến Thuận Hóa vào đầu thế kỷ 17. Nghệ nhân Nguyễn Văn Sính là hậu duệ đời thứ 11 của dòng họ Nguyễn - Kinh Nhơn, ông được xem là “báu vật của nghề” vì kho tàng kiến thức mà ông có được sau hơn 60 năm bền bỉ theo nghề. 

 

Nghệ nhân dân gian Nguyễn Văn Sính đang chỉ huy tốp thợ rót đồng đúc chuông.
Nghệ nhân dân gian Nguyễn Văn Sính đang chỉ huy tốp thợ rót đồng đúc chuông.

Bền bỉ cội tre già...

Một đời gắn bó với nghề đúc đồng truyền thống, đến nay tuổi đã 83 nhưng cái tên Nguyễn Văn Sính vẫn là một thương hiệu uy tín để khách hàng trong và ngoài nước gửi gắm khi muốn có một tác phẩm đúc đồng giá trị. Tuy không trực tiếp đúc khuôn, đổ đồng được nữa, nhưng ông Sính chính là người tư vấn, hướng dẫn các thợ cả, thợ chính làm việc. Mỗi khi lò đúc đỏ lửa, ông cụ ở tuổi “xưa nay hiếm” lại có mặt bên cạnh các học trò gồm thợ mới theo ông để trau dồi thêm tay nghề, và cả những người thợ giỏi đã “bám trụ” cùng ông hàng chục năm.

Theo các nghệ nhân thâm niên thì trong nghề đúc đồng, “ăn thua” là ở khâu đổ đồng vào khuôn. Có những khoảng trống trong khuôn không nhìn thấy được, nên định lượng và cảm quan của người chỉ huy rất quan trọng. “Có thể nói việc đúc thành công một sản phẩm phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm trong nghề. Cho nên muốn giỏi nghề phải biết tích lũy kinh nghiệm”. - Ông Sính chia sẻ.

Sau hơn 60 năm bền bỉ cùng nghề đúc đồng, ông Sính đã đào tạo được hơn 100 người thợ. Cả Phường Đúc hiện có khoảng trên 60 cơ sở đúc đồng đang làm nghề thì có tới 26 người mở lò đúc vốn là học trò của ông Sính. Họ theo ông học nghề, học cả lòng yêu nghề của ông nên mở lò đúc ngay tại phường để duy trì nghề truyền thống.

Trong số các học trò của ông Sính, có cả hai con trai của ông là Nguyễn Phùng Sơn (53 tuổi) và Nguyễn Trường Sơn (52 tuổi). Để giữ cho lò đúc của gia đình luôn đỏ lửa, ông Sính đã truyền đam mê nghề đúc đồng cho các con từ bé và khuyến khích con theo học đại học chuyên ngành phù hợp để phục vụ cho nghề đúc đồng. Không phụ lòng cha, anh Nguyễn Phùng Sơn đã chọn theo Khoa Cơ khí của trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Với kiến thức hàn lâm, những thành tựu khoa học kỹ thuật mới của ngành cơ khí cùng bí quyết được cha truyền thụ, anh Phùng Sơn đã xây dựng cơ sở đúc đồng mới tại Long Thành - Đồng Nai, tạo dựng thương hiệu tại khu vực miền Nam. Còn anh Nguyễn Trường Sơn thì vào học Khoa Nhiệt luyện của trường Ðại học Bách Khoa Hà Nội, sau khi tốt nghiệp đại học đã trở lại Huế và tiếp nối nghề truyền thống của gia đình.

Mạnh mẽ tầng tre mới

Trên gác chuông của chùa Bái Đính mới (đại công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) có một đại hồng chung nặng 36 tấn, đường kính 3,5m, cao 5,5m, được xếp kỷ lục lớn nhất Đông Nam Á. Và nơi làm ra tạo phẩm “để đời” này chính là cơ sở đúc đồng của ông Nguyễn Văn Sính. Ông Sính cho biết từ lúc bắt đầu làm khuôn đúc cho đến lúc hoàn chỉnh phần thô tác phẩm đại hồng chung khổng lồ này, cơ sở ông Sính phải mất đến 5 tháng, huy động 3.000 công thợ, hơn 44 tấn đồng. “Nhận công trình này, giống như tôi đem hết vốn liếng, kinh nghiệm đúc đồng của tổ tiên gần 500 năm qua ra “đặt cược” vậy. Nhưng phải nói là nhờ có thêm những tìm tòi, sáng tạo của con trai, tôi mới đúc thành công được những chiếc đại hồng chung kỷ lục thế này”. - Ông Sính chia sẻ.

Nói về việc tiếp nối truyền thống gia đình, anh Trường Sơn cho biết: “Tôi cũng như anh trai, đều mong muốn hoàn thành tâm nguyện của cha, là kế thừa và làm cho nghề đúc đồng Huế tiếp tục tỏa sáng bằng bí quyết, kinh nghiệm của cha ông và những kiến thức, kỹ thuật mới mà chúng tôi học được sau này”.

 

Với những đóng góp của mình cho nghề đúc đồng, ông Nguyễn Văn Sính được phong tặng là Nghệ nhân Dân gian đầu tiên của Huế. Đặc biệt, cả ông và hai con trai đều được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân đúc đồng bởi những giá trị mà họ mang lại cho làng nghề.

 

Bình luận

Xem nhiều




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất