
Khả năng tiếp cận
Ông Bùi Văn Kịp, Cố vấn cấp cao của Công ty Bayer Việt Nam cho biết, xuất phát từ đặc thù ngành nông nghiệp Việt Nam manh mún và nhỏ lẻ, do đó để hướng đến phát triển bền vững cũng như khả năng mở rộng trong tương lai, bất kỳ giải pháp nông nghiệp nào cũng cần đảm bảo khả năng tiếp cận của chúng đến với nông dân cũng như kết nối được các mắc xích trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Đồng thời, đó phải là giải pháp mà hầu hết nông dân có thể áp dụng và dễ dàng tiếp cận, áp dụng được cho quy mô đồng ruộng nhỏ, thiếu tập trung.
Tính minh bạch
Tính minh bạch là một trong những điểm mà nông nghiệp Việt Nam cần quan tâm, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao và hoạt động quản lý nông nghiệp ngày càng tiên tiến đòi hỏi nhà nông cần phải đẩy mạnh khả năng quản lý thông tin và dữ liệu canh tác. Từ đó gia tăng khả năng kiểm soát chất lượng canh tác. Một giải pháp tiếp cận theo hướng thu thập và ứng dụng dữ liệu là cần thiết để giúp cải thiện tính minh bạch trong quá trình sản xuất. Đồng thời, nếu một giải pháp nông nghiệp có khả năng cung cấp các thông tin thị trường sẽ giúp người nông dân chủ động hơn trong việc quản lý hoạt động canh tác của mình.
Số hóa
Số hóa là một xu hướng tất yếu không chỉ riêng trong lĩnh vực nông nghiệp mà của nhiều lĩnh vực khác. Giải pháp nông nghiệp hiện nay ngoài việc hiệu quả thì tính tinh gọn, dễ quản lý cũng là một yếu tố cần được cân nhắc. Trong đó số hóa là một cách tiếp cận hiệu quả và có thể mở rộng ở quy mô lớn, đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau góp phần gia tăng chuỗi giá trị và gia tăng hiệu quả quản lý theo thời gian thực mọi lúc, mọi nơi.
"Sau khi nghiên cứu những thách thức của thị trường, tiềm năng và cơ hội cùng với những khó khăn của người nông dân. Chúng tôi nhận thấy rằng máy bay không người lái (drone) ứng dụng trong nông nghiệp là một điểm sáng có thể giúp người nông dân cải thiện quy trình canh tác một cách hiệu quả. Đồng thời, nền tảng công nghệ kỹ thuật số sẽ giúp drone đáp ứng được các tiêu chí cần có của một giải pháp nông nghiệp hiệu quả và bền vững”, ông Kịp nhấn mạnh.

Tại hội thảo lần này, công ty Bayer Việt Nam đã trình bày về giải pháp Airfarm, một ứng dụng kỹ thuật số được Bayer phát triển với mục đích ban đầu kết nối nông dân với hệ thống nhà cung cấp dịch vụ phun thuốc bằng drone, đặc biệt tại một số tỉnh trồng lúa trọng điểm như Đồng Tháp, An Giang, Long An và Kiên Giang, nhằm tận dụng tối đa lợi thế về mạng lưới nhà phun độc lập đang không ngừng mở rộng tại những địa bàn trên. Bước đầu Airfarm đã đạt được nhiều thành công đáng ghi nhận khi đã kết nối hàng trăm nông dân với các nhà phun uy tín tại địa phương, giúp nông dân cập nhật kiến thức nông nghiệp và lợi ích của drone thông qua các hoạt động hỗ trợ tại địa bàn và các buổi chia sẻ kiến thức trực tuyến thu hút hàng ngàn nông dân tham dự.
Bên cạnh đó, giải pháp Airfarm còn đang được nghiên cứu phát triển khả năng thu nhận thông tin, ghi nhận lịch sử canh tác nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu, từ đó phân tích và đưa ra dự đoán và dự báo sâu bệnh, dư lượng thuốc, nhằm giúp nhà nông có thể xây dựng biện pháp quản lý đồng ruộng, kiểm soát dư lượng thuốc cũng như đưa ra giải pháp phòng trừ dịch hại hiệu quả, đảm bảo năng suất và tiêu chuẩn chất lượng nông sản đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu như châu Âu và Nhật Bản.
“Trong quá trình xây dựng và phát triển giải pháp Airfarm, chúng tôi nhận thấy ứng dụng này còn rất nhiều tiềm năng có thể khai thác nhằm mang đến nhiều giá trị cộng thêm cho nhà nông, và tầm nhìn của chúng tôi là đưa Airfarm trở thành một nền tảng kết nối các đối tác trong cả chuỗi giá trị nông nghiệp”, ông Kịp chia sẻ thêm.