, //, :: GTM+7

4.000 dân hết khát nhờ Hồ chứa nước ngọt ở vùng U Minh Thượng

ĐÀO TRUNG CHÁNH - TRỌNG LINH
(nongnghiep.vn)

Hồ chứa nước ngọt hàng trăm ngàn mét khối đã giúp giải cơn khát cho các hộ dân bị xâm nhập mặn ở vùng U Minh Thượng, Kiên Giang.

Hồ chứa nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt khu vực huyện An Minh, có sức chứa 600 ngàn mét khối, vừa được đầu tư hoàn thành, đang tích nước từ nguồn nước mưa. Ảnh: Trung Chánh.

Hồ chứa nước ngọt lớn nhất vùng

Mở van vòi nước, ông Tư Dưng (Phạm Văn Dưng, ấp Phong Lưu, xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh, Kiên Giang) lấy hai tay hứng từng vốc nước rửa mặt, khoan khoái cảm nhận cái ngọt, cái mát của dòng nước máy tuôn trào. Xong ông xả nước ra thau cho mấy đứa cháu xối tắm. Mấy chục năm sống ở vùng ven biển bị xâm nhập mặn, không ai ở đây dám nghĩ đến này ngày mở van ra là có nước sạch để sử dụng.

Đối diện nhà ông Tư Dưng, phía bên kia của kênh Mười Thân đầy nước mặn là công trình hồ chứa nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt khu vực huyện An Minh, vừa được đầu tư hoàn thành, đang tích nước từ nguồn nước mưa. Hồ rộng mênh mông, mực nước đã lên quá nửa chiều cao bờ hồ, mặt nước trong xanh dập dềnh theo từng cơn gió thổi. Đây là hồ chứa nước ngọt nhân tạo lớn nhất vùng U Minh Thượng, do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Kiên Giang (trực thuộc Sở NN-PTNT Kiên Giang) đầu tư, khai thác sử dụng.

Bà Trang Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Kiên Giang cho biết, hồ có sức chứa nước thô 600.000 mét khối và các hạng mục nhà máy, đường ống. Công trình có tổng vốn đầu tư dự kiến là 123 tỷ đồng, từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ mục tiêu và ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện từ năm 2016-2021.

Vùng U Minh Thượng, thuộc tỉnh Kiên Giang gồm các huyện: An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận. Trước đây, khu vực này là vùng ngọt hóa, được cung cấp từ nguồn nước mưa hàng năm, người dân sống bằng nghề trồng lúa mùa và khai thác cá đồng tự nhiên.

Nhưng khoảng hơn 20 năm trở lại đây, người dân đã chuyển dịch dần sang mô hình luân canh một vụ lúa, một vụ tôm nước lợ (mô hình lúa – tôm). Hiện nay, đây là vùng quy hoạch phát triển nghề sản xuất lúa – tôm, nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến chính của tỉnh Kiên Giang, với diện tích lên đến khoảng 100 ngàn ha.

Vì vậy, vào mùa nắng, các cửa sông đổ ra biển được mở để dẫn nước mặn nhập điền, phục vụ nuôi tôm. Hầu hết các con kênh trong vùng đều trở nên mặn, nước ngọt khá khan hiếm. Cả vùng, chỉ còn vườn quốc gia U Minh Thượng (thuộc huyện U Minh Thượng) là túi chứa nước ngọt tự nhiên. Vì vậy, cần phải đầu tư xây dựng hồ nhân tạo chứa nước ngọt để phục vụ nhân dân, nhất là vào mùa khô hạn.

Theo bà Trang Ngọc Ánh, nguồn cung cấp cho hồ nước khu vực An Minh là nước mặt kênh Mười Thân, thuộc hệ thống kênh Chống Mỹ ngay khu vực xây dựng nhà máy nước. Tuy nhiên, chỉ có thể lấy được nước mặt khi vào mùa mưa, trời mưa nhiều, nước mặn bị đẩy hết ra biển. Vì vậy, vẫn phải trông chờ chính vào nguồn nước mưa để tích nước trong hồ.

“Khi có nguồn nước máy, chỉ mở vòi là có nước sạch để sử dụng, đảm bảo cho sức khỏe, giá lại rẻ hơn rất nhiều so với đổi nước sông trước đây, gia đình nào cũng vui mừng phấn khởi. Hàng ngàn hộ dân ven biển của huyện đã thoát cảnh khát nước ngọt khi được đấu nối vào đồng hồ cấp nước của nhà máy”

-  Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Minh

Giải cơn khát nước ngọt cho hàng ngàn hộ dân

Theo đuổi nghề sản xuất luân canh lúa – tôm, người dân nơi đây đành phải chấp sống chung với nước mặn, nhất là khi vào cao điểm mùa khô, độ mặn lên rất cao. Tác động của biến đổi khí hậu khiến thời tiết mưa, nắng thất thường, mặn xâm nhập ngày càng nhiều. Nguồn nước ngầm thì nhiễm phèn và mặn, không thể khoan giếng nước. Thiếu nước ngọt để phục vụ sinh hoạt hàng ngày là nỗi trăn trở của người dân mấy chục năm qua.

Bên cạnh hồ chứa nước nhân tạo dung tích 600 ngàn mét khối, đã được xây dựng nhà máy cấp nước sạch tập trung 125 mét khối/giờ, công nghệ hiện đại, hoạt động gần như tự động hoàn toàn. Ảnh: Trung Chánh.

Để có nước sử dụng, hầu hết các hộ dân nơi đây đều phải mua lu hứng nước mưa dự trữ. Nhưng không phải nhà nào cũng có điều kiện để mua sắm nhiều lu chứa nước quanh nhà. Khi hết nước mưa thì phải đổi nước từ các ghe chở nước sông chưa qua xử lý từ vùng ngọt đến, với giá khá đắt đỏ.

Vui mừng khi có nguồn nước máy sử dụng, ông Tư Dưng cũng như nhiều hộ dân khác trong vùng không thể quên những năm tháng phải đổi từng lu nước ngọt. Dẫn chúng tôi đi quanh nhà, ông Tư Dưng chỉ cho thấy gần chục cái lu xi măng lớn nhỏ được kê ngay ngắn quanh nhà. Ông Tư Dưng bảo: “Vào mùa mưa, các lu đều được chứa đầy nước để vượt qua những tháng khô hạn. Cứ cái nào hết nước mưa thì đổi nước ngọt từ các ghe bơm vào. Giá trung bình một lu nhỏ là 45 ngàn đồng, lu lớn (chưa tới 1 mét khối) 60 ngàn đồng. Vào những tháng khô hạn, gia đình 4 người sử dụng hết 3-4 lu/tuần. Tính ra một tháng hết khoảng 400 ngàn tiền đổi nước. Một khoản chi tương đối lớn với người dân nông thôn nghèo”.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT An Minh cho biết, huyện có 51 ngàn ha đất nông nghiệp, chủ yếu là sản xuất theo mô hình lúa - tôm và chuyên nuôi trồng thủy sản. Trong đó, đất quy hoạch lúa – tôm là 39 ngàn ha nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 25 ngàn ha là có thể luân canh lại vụ lúa, do nhiễm mặn ngày càng cao.

Theo ông Tùng, nhiều năm qua, những hộ nông dân các xã ven biển của huyện đều gặp khó khăn về nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, nhất là những tháng cao điểm mùa khô. Người dân phải đổi nước ngọt từ các ghe chở nước, với giá từ 30-35 ngàn đồng/lu. Những hộ ở xa các kênh chính thì chi phí đổi nước càng cao. Vì vậy, khi được đầu tư xây dựng hồ chứa nước ngọt, nhà máy cung cấp nước sinh hoạt tập trung, người dân ai cũng vui mừng.

Phó trưởng hệ thống cấp nước khu vực 12, anh Nguyễn Văn Lý Ngân cho biết, bên cạnh hồ chứa nước nhân tạo dung tích 600 ngàn mét khối, đã được xây dựng nhà máy cấp nước sạch tập trung 125 mét khối/giờ, công nghệ hiện đại, hoạt động gần như tự động hoàn toàn. Hiện đã thực hiện xong đường ống cấp nước với tổng chiều dài hơn 167 km và đấu nối gần 4.000 đồng hồ nước vào nhà các hộ dân. Giá nước theo quy định từ 6.400 – 7.800 đồng, được tính cho mỗi bậc là 10 mét khối. Từ mét khối 31 trở đi thì giá cố định là 9.000 đồng. Nguồn nước sạch đảm bảo sức khỏe người dân, góp phần cùng địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Hơn 4 ngàn hộ dân ven biển thoát cảnh khát nước sạch
“Công trình hồ chứa nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt khu vực huyện An Minh có sức chứa nước thô 600.000 mét khối và các hạng mục nhà máy nước sạch công suất 125 mét khối/giờ. Phạm vi phục vụ cấp nước liên xã thuộc vùng ven biển dọc kênh Chống Mỹ, gồm xã Vân Khánh, Vân Khánh Đông, Vân Khánh Tây, Đông Hưng A và một phần thị trấn Thứ Mười Một của huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Nhà máy đã đi vào hoạt động, phục vụ cấp nước từ tháng 3/2021, với trên 4.000 hộ dân có nước sạch sử dụng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ kéo dài thêm đường ống, mở rộng phạm vi cấp nước, để tất cả các hộ dân ven biển trong vùng không còn cảnh khát nước sạch”, bà Trang Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Kiên Giang.
Tags

Bình luận

Xem nhiều




Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.

Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất