, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 14/03/2021, 12:50

5 năm "gỡ rào" kiến tạo

CẨM HÀ

Mặc dù chưa chính thức trình ra Quốc hội, nhưng Báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thường kỳ tháng 2 và nhận được sự đồng tình từ cơ quan thường trực của Quốc hội. 

Đó là một báo cáo dày tới 60 trang, với nhận định khái quát cho rằng Chính phủ nhiệm kỳ này đã tích cực đổi mới, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động theo tinh thần kiến tạo, phục vụ, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì một phiên họp thường kỳ Chính phủ. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì một phiên họp thường kỳ Chính phủ. Ảnh: VGP

Từ hoàn thiện pháp luật

Nhìn lại công tác xây dựng pháp luật, hơn 5.000 cuộc họp với các bộ, cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học... đã được tổ chức để tham vấn, hoạch định chính sách, pháp luật và chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, bất cập, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong suốt nhiệm kỳ 5 năm qua. 107 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chính phủ cũng đã ban hành 752 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 234 quyết định quy phạm pháp luật để hướng dẫn thực thi.

Đây là những con số thực sự ấn tượng, cho thấy một khối lượng công việc khổng lồ. Nhưng quan trọng hơn, về chất lượng, như nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 53, phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã thể hiện rõ nét trên nhiều khía cạnh. Đó là cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành; xây dựng và vận hành các hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử, đổi mới lề lối làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước; tiếp nhận, xử lý, trả lời nhanh chóng, kịp thời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp thông qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ…

Tất nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhìn nhận, việc đề xuất xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý trong một số lĩnh vực còn có bất cập, chưa kịp thời hoặc chưa đáp ứng chất lượng. Đơn cử là Luật Dân số; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; Luật Máu và tế bào gốc; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng… Tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết tuy có cải thiện, nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để. Chẳng hạn như Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 đã được Quốc hội thông qua ngày 17/06/2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Tuy nhiên, đến ngày 31/12/2020, Chính phủ vẫn chưa ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư năm 2020… Số lượng văn bản xin điều chỉnh tiến độ thực hiện (nôm na là đưa vào, rút ra khỏi Chương trình xây dựng pháp luật) trong nhiệm kỳ này giảm về số lượng, nhưng tăng về tỷ lệ so với tổng số văn bản trình Quốc hội (từ 17,71% trong nhiệm kỳ 2011 - 2015 lên 19,49% trong nhiệm kỳ 2016 - 2021).

…đến thực thi

Từng nắm giữ trọng trách trong cả lĩnh vực hành pháp và lập pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn nhận định khái quát, nhiệm kỳ qua của Chính phủ là một nhiệm kỳ rất thành công. “Nhưng tôi không nói “tốt nhất. Một số việc có thể làm tốt hơn, mà chính là trong khâu tổ chức, thực thi pháp luật chứ không phải do chưa có pháp luật hoặc quy định bất hợp lý”, bà nói. Ví dụ điển hình là nhược điểm “xử lý tồn tại cũ còn chậm, thúc đẩy cái mới chưa nhanh”, biểu hiện rất rõ qua việc giải quyết 12 dự án thua lỗ tồn đọng, và triển khai các dự án trọng điểm quốc gia.

Bên cạnh đó, cũng không thể phủ nhận là trong quá trình điều hành, việc tháo gỡ những điểm nghẽn cho hoạt động sản xuất kinh doanh còn chưa kịp thời, thậm chí rất chậm. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng kể, khi được giao làm Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng rà soát việc bãi bỏ, cắt giảm điều kiện kinh doanh, mới hiểu được doanh nghiệp khổ thế nào. “Một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm từ ca cao cho chúng tôi biết, họ phải xin tới 13 loại giấy phép các loại”, ông nói. Thực tế đáng buồn này, cộng với những khó khăn khách quan, đặc biệt là trong hơn một năm xảy ra dịch bệnh Covid-19, đã bào mòn sức khỏe của doanh nghiệp - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhận định. Ông Giàu nhấn mạnh yêu cầu đánh giá đúng tình trạng sức khoẻ, sức chịu đựng của nền kinh tế, doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng do đại dịch kéo dài, mà theo ông là rất đáng lo ngại.

Một nguyên nhân quan trọng cũng đã được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra là do tâm lý sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trước nhiều sai phạm bị thanh tra, kiểm tra, xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự. Yếu tố “cuối nhiệm kỳ” cũng có tác động không nhỏ. Lẽ ra, nếu làm tốt thì tăng trưởng kinh tế có thể cao hơn.

Đáng lưu ý, công tác phối hợp triển khai chính sách, pháp luật vẫn được coi là khâu cần củng cố. Trong nhiều trường hợp, công tác quản lý, điều hành một số lĩnh vực chưa hiệu quả, rõ nét nhất là việc triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp để vượt qua khó khăn thời dịch bệnh. Những thủ tục phức tạp, bất hợp lý, sự lúng túng trong thực thi đã dẫn đến tình cảnh có tiền mà không tiêu được; người cần, lúc cần thì không thể tiếp cận nguồn lực…

Một nhiệm kỳ 5 năm đã sắp khép lại với màu sắc tươi sáng là chủ đạo. Thế nhưng chặng đường phía trước của bộ máy Nhà nước sau cuộc bầu cử tới đây cũng còn không ít gian nan.

Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, về môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam tăng 20 bậc (xếp thứ 70/190 quốc gia). Về năng lực cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam tăng 10 bậc trong giai đoạn 2018 - 2020 (xếp thứ 67/141 quốc gia). Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam tăng 3 bậc so với năm 2016, xếp thứ 86/193 quốc gia, xếp thứ 6 trong ASEAN.

Bình luận

Xem nhiều


Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Chnam Thmay diễn ra từ 13-16/4.



Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất