, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 22/11/2023, 14:30

Con số biết nói: 560.000 tỷ đồng

TRẦN TRỌNG THỨC
Một thông tin rất đáng quan tâm vào cuối năm. Báo cáo trước Quốc Hội ngày 23/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết những năm qua mặc dù khó khăn trong đại dịch Covid-19, Chính phủ đã đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560.000 tỷ đồng bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương khu vực công trong ba năm 2024 đến 2026. Khoản tiền này tương đương 23 tỉ USD trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp của chúng ta.

Theo đó từ năm 2025 trở đi, sẽ tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng 1 của khu vực doanh nghiệp (khung thu nhập cao nhất).

Số liệu từ Bộ tài chính cho biết Chính phủ dự toán sẽ sử dụng 470 nghìn tỉ đồng để tăng lương, 11,1 nghìn tỷ đồng để điều chỉnh lương hưu và 18 nghìn tỷ đồng để trợ cấp ưu đãi người có công.

Có ý kiến cho rằng thông tin này mang lại niềm vui mừng cho những người hưởng lương nhà nước. Tất nhiên vui là vì dù sao trong chi tiêu khiêm tốn của mình cũng có thêm chút tiền rủng rỉnh. Nhưng mừng thì chưa chắc, vì như ai cũng biết đồng lương thực tế hàng chục năm qua không giải quyết đời sống bình thường của một gia đình khi giá cả ngày càng cao và chi phí bất thường ngày càng lớn.

Được biết mức lương cơ sở ở khu vực công từ ngày 1/7/2023 đã được điều chỉnh tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Con số này sẽ được nhân với hệ số lương để ra mức lương cụ thể của từng người. Về nguyên tắc, hiện nay một công chức mới bắt đầu đi làm sẽ có hệ số 2,34 sau khi nhân với mức lương cơ sở sẽ được lãnh lương 4,21 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 170 đô la Mỹ. Đây là mức lương thấp nhất và tất nhiên không đủ sống nếu không có phụ cấp hay những khoản thu nhập khác từ bên ngoài. Hệ số lương sẽ tăng theo thâm niên và chức vụ. Chẳng hạn như mức lương của Chủ tịch nước với hệ số lương 13 sẽ là 23,4 triệu đồng/tháng tức chưa đến 1.000 USD.

Bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia uy tín có nhiều nhận định chính xác về kinh tế - chính trị lâu nay nói rằng: bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ công chức, viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước thì con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm khoảng 8,3% dân số cả nước. Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy.

Bà dẫn chứng: “Nước Mỹ có diện tích lớn gấp 30 lần Việt Nam, dân số gấp bốn lần, nhưng bộ máy công chức của họ chỉ có 2,1 triệu người. Còn Trung Quốc thì đội ngũ công chức của họ cũng chỉ chiếm 2,8% dân số. Như vậy chúng ta thấy rằng 160 người dân Mỹ nuôi một công chức trong khi đó 40 người dân Việt Nam phải nuôi một công chức. Đó là chưa kể người dân chúng ta phải gánh chịu tình trạng quan liêu sách nhiễu, vòi vĩnh, tham nhũng của một bộ phận không nhỏ trong số 2,8 triệu người công chức này”.

Ngân sách của chúng ta còn gánh trên vai một trách nhiệm rất nặng nề là chi lương cho các tổ chức chính trị xã hội như Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Liên hiệp Nghệ thuật, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Tổng Liên đoàn Lao động... Đó là chưa kể phần chi cho các hội đoàn, đoàn thể mang tính đặc thù chẳng hạn như Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Hội Đông y, Khuyến học, Hội Người cao tuổi, Hội Người mù và rất nhiều hội đoàn khác. Hầu hết các hội đoàn trong đó đặc biệt là các tổ chức chính trị - xã hội, được tổ chức theo mô hình hành chính có biên chế, nhà cửa, trụ sở, xe cộ, với hệ thống tổ chức hành chính và mô hình hoạt động không hề thay đổi từ thời bao cấp đến nay.

Gánh nặng này đặt ra một bài toán hóc búa về cải cách hành chính mà mấy chục năm qua vẫn không giải quyết được, làm sao để ngân sách nhẹ gánh chi tiêu, tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng đã có đề nghị bỏ biên chế nhà nước với hệ thống tổ chức lề mề, thay vào đó là chế độ hợp đồng công chức có thời hạn để hợp lý hoá và nâng cao chất lượng bộ máy hành chính. Trong khi đó đối với các hội đoàn nên khuyến khích và tạo điều kiện để họ tự tìm nguồn thu như sinh hoạt hội đoàn các nước. Chỉ khi đó bài toán ngân sách quốc gia mới được giải quyết. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất