, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 28/05/2023, 16:00

5G đưa nông dân vào nông nghiệp thông minh

PHẠM HỒNG PHƯỚC
Ngay đến thời điểm gần giữa năm 2023 rồi mà nói tới chuyện sử dụng mạng di động 5G tại vùng nông thôn ở Việt Nam thì dễ bị càm ràm là “tào lao bí đao”. Ở tại trung tâm các thành phố lớn đến giờ mạng 5G còn chưa rộng khắp nữa là.

Mấy ông nông dân chính hiệu gia truyền dễ trề môi nhá ra cái điện thoại cục gạch có niên đại từ thế kỷ 20 mà rằng: “Tụi qua chỉ gọi điện, nhắn tin, xài mạng 2G, chưa lên tới 3G, 4G thì nói chi mơ tới 5G”. Mạng 2G là công nghệ di động có mặt ở Việt Nam từ tận năm 1993. Cho đến nay, dù mạng 2G đã rất lạc hậu, chiếm tài nguyên băng tần, nhưng vẫn còn không ít người dùng. Theo số liệu vào năm 2022, Việt Nam vẫn còn có hơn 26,1 triệu thuê bao di động 2G, chiếm 20% trên tổng số 126 triệu thuê bao di động cả nước.

Nhưng dù muốn hay không, ngày Nghỉ hưu của mạng 2G, tiếp đó là của 3G, sắp tới rồi. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã định hướng các doanh nghiệp di động phải có kế hoạch và lộ trình dừng 2G, triển khai các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi thuê bao sang sử dụng mạng di động 4G, 5G; phấn đấu đạt mục tiêu đến cuối năm 2023 chỉ còn dưới 5% thuê bao 2G (tương đương khoảng 6 triệu thuê bao), tiến tới tắt hoàn toàn mạng 2G vào năm 2024. Hồi cuối tháng 12-2020, Bộ TT-TT cũng đã ban hành Thông tư 43/2020/TT-BTTTT quy định tất cả điện thoại di động được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ tháng 7/2021 phải tích hợp công nghệ 4G.

Với sự quyết liệt hơn của “nhạc trưởng” là Bộ TT-TT, bản nhạc giao hưởng 5G ở Việt Nam đã bắt đầu những nốt mở đầu. Ngày 19/4/2023 đã hết hạn nộp hồ sơ đấu giá băng tần 4G và 5G, với mức khởi điểm đấu giá là 5.798 tỷ đồng cho 15 năm sử dụng. Một trong những nút thắt nghẽn mạch của tiến trình triển khai 5G ở Việt Nam chính là mạng 5G ở Việt Nam đến nay (cuối tháng 4/2023) vẫn chưa được cấp băng tần chính thức. Việt Nam vốn được công nhận là một trong những nước tham gia cuộc chơi 5G từ sớm. Chuyên gia quốc tế nhận định đó nghen. Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, hãng Thụy Điển cung cấp hạ tầng 5G và đồng hành với Việt Nam từ đầu, cho biết Việt Nam được đánh giá cao là một trong những quốc gia bắt đầu sớm với 5G. (Vào tháng 5/2019, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên thử nghiệm thành công cuộc gọi điện thoại bằng công nghệ 5G).

Trong tháng 11/2020, sau thời gian thử nghiệm kỹ thuật từ cuối năm 2019, ba nhà mạng lớn Viettel, MobiFone và VinaPhone đã lần lượt công bố kế hoạch thử nghiệm thương mại và triển khai mạng 5G tại Việt Nam, nhất là ở 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM. Theo số liệu của Bộ TT-TT, đến tháng 6/2022, ba nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone đã thử nghiệm dịch vụ 5G tại 40 tỉnh thành. Và việc đầu tư triển khai mạng và dịch vụ 5G ở Việt Nam được tiến hành theo nguyên tắc hạ tầng mạng lưới phải đi trước một bước. Có lẽ rút kinh nghiệm từ các công nghệ trước đây, hạ tầng mạng phải đủ mạnh mới tạo nền tảng tốt cho việc ứng dụng các công nghệ mới mà 5G mang lại.

Dù với bất cứ lý do nào, tốc độ triển khai mạng 5G ở Việt Nam thực tế tới giờ như chững lại. Sau 18 tháng thử nghiệm thương mại, tỷ trọng thuê bao 5G chỉ đạt 0,54% (khoảng hơn 360.000 thuê bao) trong tổng số hơn 71 triệu thuê bao băng rộng di động (3G, 4G, 5G) ở Việt Nam.

Trong khi đó, theo Ookla 5G Map, tính đến ngày 30/11/2022, trên thế giới đã có 127.509 điểm triển khai 5G (thương mại và thử nghiệm) ở 128 nước và vùng lãnh thổ (tăng so với 85.602 điểm 5G tại 112 nước trước đó một năm). Còn Báo cáo Kinh tế Di động 2022 (The Mobile Economy 2022) của Hiệp hội Các nhà khai thác Thông tin di động toàn cầu (GSMA) ghi nhận thế giới đã có 209 nhà khai thác triển khai 5G thương mại tại 83 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với những đặc thù công nghệ của mình, 5G là một sự thay đổi cho một kỷ nguyên mới về kết nối di động. Sự nổi trội của 5G so với 4G được nhận biết trước tiên dĩ nhiên là tốc độ. 5G có tốc độ download tiềm năng lên đến 20Gbps (so với 1Gbps của 4G). Còn theo Tech Target, điều khác biệt lớn nhất giữa 5G và 4G là độ trễ (latency). Trong khi 4G có độ trễ 60 - 98 ms (millisecond) thì 5G chỉ ở dưới 5ms, thậm chí được coi như bằng 0. Chính ưu thế độ trễ cực thấp như vậy, gần như real-time, nên 5G có khả năng phục vụ cho nhiều ứng dụng thông minh.

Thật vậy, với thế mạnh về độ trễ cực thấp cùng với tốc độ cực nhanh, 5G lý tưởng cho các ứng dụng nhà thông minh và thành phố thông minh được kết nối, nhà máy thông minh, Internet vạn vật (IoT), các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo VR, xe tự hành, các tác vụ điều khiển từ xa…

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Viễn thông, Bộ TT-TT, nói rằng: “So với các thế hệ mạng trước đây, 5G được thiết kế để tạo ra một nền tảng thuận lợi giúp thúc đẩy đổi mới và phát triển nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau như giải trí, giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, năng lượng, nông nghiệp, thành phố thông minh…”

Tất nhiên, 5G cho vùng nông thôn không phải với mục đích chính là tăng tốc độ phục vụ livestream, lên mạng xã hội, xem phim, chơi game… Các nhu cầu đó chỉ cần 4G là đủ rồi. Còn với 5G, với các đặc tính và thế mạnh của mình là để phục vụ chủ yếu cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối các ứng dụng và công cụ sản xuất cũng như quản lý cho nông nghiệp số, nông nghiệp công nghệ cao.

Tốc độ nhanh, băng thông rộng và độ trễ gần như bằng 0 của 5G quả là cực kỳ lợi hại cho các tác vụ điều khiển và quản lý từ xa. Chẳng hạn, các hệ thống giám sát, theo dõi tình trạng cây trồng, vật nuôi dựa trên nền tảng IoT sẽ “mượt mà” và “ngay lập tức” hơn hẳn. Không phải chỉ ở các nước công nghiệp phát triển mà ngay tại những nước nông nghiệp cũng đã nhận ra “chân giá trị” của mạng 5G.

Chẳng cần đi đâu xa, ngay ở Thái Lan gần bên Việt Nam, Chính phủ và các doanh nghiệp đã triển khai những dự án thí điểm nông nghiệp số dựa trên công nghệ 5G và IoT. Cụ thể như dự án sử dụng công nghệ 5G trên hệ thống đám mây trung tâm của chính phủ (GDCC) tại tỉnh Chiang Rai. Người ta đã ứng dụng 5G và IoT để kiểm soát quá trình canh tác tự động. Hệ thống tưới nước được phát triển và quản lý bằng công nghệ 5G, bộ điều khiển và cảm biến IoT…

Báo Hans India (Ấn Độ) trong bài “Cách 5G sẽ thay đổi tương lai sản xuất nông nghiệp” viết: “Ấn Độ là nước sản xuất lúa mì và gạo lớn thứ hai thế giới, những mặt hàng lương thực chính của thế giới… Tác động thực sự của 5G đối với người bình thường sẽ là chuyển đổi kỹ thuật số các ngành nông nghiệp và y tế. Công nghệ 5G sẽ làm thay đổi hoàn toàn ngành nông nghiệp, mang lại lợi ích cho đại chúng”. Cụ thể, sản xuất nông nghiệp thông minh ở Ấn Độ đang sử dụng nhiều thiết bị, ứng dụng IoT. Với sự trợ giúp của các thiết bị IoT hỗ trợ 5G, dữ liệu từ nhiều nguồn được thu thập, cập nhật thường xuyên và gửi lên đám mây theo thời gian thực. Trên đám mây, dữ liệu được phân tích bằng thuật toán AI/ML để trình bày thông tin chi tiết hữu ích cho người nông dân. Các nguồn có thể là độ ẩm của đất, thời tiết, di truyền hạt giống, điều kiện cây trồng, sức khỏe cây trồng, năng suất lịch sử, độ pH của đất, giá cây trồng được thu thập từ thị trường…

Ngay từ tháng 2/2020, tạp chí kinh doanh nổi tiếng thế giới Fortune (Mỹ) đã chạy một bài lớn với tựa đề “Cách 5G hứa hẹn cách mạng hóa sản xuất nông nghiệp”. Ông Leo Gergs, nhà phân tích của hãng tình báo công nghệ toàn cầu ABI Research (Mỹ), nhận định: “5G có khả năng có tác động biến đổi đối với nền kinh tế toàn cầu thông qua một số ngành khác nhau và nông nghiệp chắc chắn là một trong những ngành nổi bật nhất để xem xét”. Ông cho biết: “5G sẽ thay đổi bản chất của công việc trong canh tác và nông nghiệp. Đến năm 2035 (ở Mỹ), số lượng việc làm nông nghiệp dự kiến sẽ giảm xuống còn 1,78 triệu; đồng thời các trang trại sẽ sử dụng trung bình chỉ 27 lao động.” Cùng quan điểm, ông Simon Forrest, nhà phân tích tại hãng tư vấn Futuresource Consulting (Anh), cho rằng: “Công nghệ phải được áp dụng vào lĩnh vực nông nghiệp. Kết nối là điều cần thiết và do đó ứng dụng 5G trong nông nghiệp là điều không thể tránh khỏi”.

Vì vậy, tiền đề cho “nông nghiệp thông minh” là nông dân và nông thôn thông minh biết đón đầu, chuẩn bị cho mình được sẵn sàng để có thể khai thác công nghệ 5G ngay từ ban đầu khi sóng 5G bắt đầu phủ xuống nông thôn Việt Nam.

Bình luận

Xem nhiều




Đến Rạch Cái Sơn (thành phố hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) vào những ngày này, du khách sẽ bị mê hoặc bởi hàng chục chiếc bè trồng sen đang khoe sắc rực rỡ, làm cho dòng kênh thơ mộng hơn bao giờ hết.

Nổi bật
Được quan tâm


Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất