, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 10/12/2022, 10:15

80% nông sản Việt xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu

TUẤN ANH
Ngày 9/12, tại TP.HCM, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tổ chức Hội thảo “Giải pháp chuyển đổi số và phát triển thương hiệu cho ngành trái cây Việt Nam”.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn và chất lượng chuỗi giá trị xoài tại ĐBSCL" - một dự án nằm trong Chương trình Tiêu chuẩn và Chất lượng Toàn cầu (GQSP) Việt Nam thuộc Chương trình Hợp tác Phát triển Kinh tế của chính phủ Thụy Sĩ tại Việt Nam, do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ thực hiện. 

Nâng cao năng lực chuyển đổi số

Theo các chuyên gia, bối cảnh hiện nay đòi hỏi các ngành sản xuất và mô hình quản lý truyền thống phải có sự thay đổi mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến để tiếp tục tồn tại và phát triển. 

Bà Lê Thị Thanh Thảo - Đại diện Quốc gia UNIDO Việt Nam cho rằng, đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình này. Các giải pháp số hóa, truy xuất nguồn gốc, tiếp thị số, sàn thương mại điện tử… đã được ứng dụng ngày càng mạnh mẽ hơn. Nhưng tại nhiều địa phương, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những rào cản để khai thác hết tiềm năng của công nghệ. 

“Đó là lý do tại sao UNIDO đang phối hợp với Bộ NN&PTNT và các đối tác liên quan ở Việt Nam để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật toàn diện cho doanh nghiệp và thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu nhằm thúc đẩy thương mại và nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp này”, bà Thảo chia sẻ.

Bà Lê Thị Thanh Thảo cho biết UNIDO quan tâm hỗ trợ các nước đang phát triển chuyển đổi số.

Đồng quan điểm, ông Karl Trần - Chuyên gia về truy xuất nguồn gốc UNIDO khẳng định: “Chuyển đổi số sẽ góp phần giúp giảm thiểu chí phí, giảm thiểu trung gian, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, theo ông Kari Trần, việc xây dựng các quy trình chuyển đổi số gặp rất nhiều khó khăn do tình hình sản xuất thực tế của ngành nông nghiệp Việt Nam. Đa số người dân sản xuất ở quy mô nông hộ, manh mún, nhỏ lẻ, thiếu cơ chế hỗ trợ tài chính để đầu tư tiếp cận công nghệ mới. 

Ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng việc xây dựng phầm mềm dùng chung sẽ giúp các doanh nghiệp và chính quyền tiếp cận chuyển đổi số tốt hơn.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, hiện nay các doanh nghiệp phải “tự thân” huy động các nguồn lực tài chính và nhân lực để phát triển khoa học, công nghệ. Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ về cơ chế, chính sách và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận có mức độ các hạn mức tín dụng dành cho lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ. 

Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cũng chưa thực sự “nhận diện” và triển khai có hiệu quả các giải pháp chuyển đổi số. 

“Chúng ta đều biết, việc xây dựng cơ sở dữ liệu là then chốt, việc phát triển các phầm mềm để kết nối, chia sẻ các dự liệu này là rất sức cần thiết. Tuy nhiên, việc có rất nhiều nhà phát triển phầm mềm, mỗi phầm mềm chưa có sự tích hợp, kết nối với nhau dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp rơi vào “ma hồn trận”, không biết lựa chọn phần mềm nào để sử dụng và bắt đầu từ đâu”, ông Toản chia sẻ. 

Bà Sibylle Bachmann chia sẻ sản phẩm nông sản Việt Nam khó “xâm nhập” Thụy Sĩ và EU vì yêu cầu đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng rất cao.

Còn theo bà Bà Sibylle Bachmann, Phó trưởng Cơ quan Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam: “Mức độ phức tạp của chuỗi giá trị toàn cầu đã tăng lên trong những năm qua, số hóa đã trở thành một lợi thế cạnh tranh quan trọng. Tuy nhiên, để làm đúng, người dân cần phải được trau dồi năng lực, các hệ thống cần được tích hợp, các quy trình cần phải đi vào vận hành. Đặc biệt, dữ liệu cần được truy cập dễ dàng và chia sẻ với tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị".

Chưa xây dựng được thương hiệu toàn cầu

Nông sản là ngành chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn của Việt Nam với kim ngạch mỗi năm gần 49 tỷ USD. Trong đó, rau quả là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Rau quả của Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn, trong đó có các thị trường yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc... Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 3,55 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2020, 11 tháng đầu năm 2022 đạt 3,09 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Các sản phẩm nông sản Việt Nam còn nhiều dư địa cho xuất khẩu.

Tuy nhiên, "nông sản Việt Nam vẫn chưa có một thương hiệu mạnh được người tiêu dùng biết đến rộng rãi”, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản nhấn mạnh.  

Theo ông Toản, khoảng 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp Việt Nam. 

Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa quan tâm đến việc xây dựng, phát triển thương hiệu. Thiếu các tổ chức ngành hàng (nghiệp đoàn, hiệp hội…) dẫn dắt, thúc đẩy thương hiệu nông sản Việt Nam.

Ông Đặng Phúc Giang (Trung tâm Phát triển Nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp phát triển nông thôn) cho biết hiện nay mới chỉ có 20/124 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản đạt thương hiệu quốc gia. Số lượng doanh nghiệp có thương hiệu đã ít mà chính sách bảo hộ thương hiệu Việt tại nước ngoài còn bất cập. Nhiều thương hiệu Việt Nam như ST25, nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột… vẫn bị xâm phạm.

Bên cạnh đó, nông sản Việt Nam chưa được định vị ở phân khúc giá trị cao do liên quan đến năng lực chế biến, bảo quản và logictisc. Khoảng 90% nông sản Việt Nam xuất khẩu vẫn dưới dạng thô, giá trị xuất khẩu thấp. 

Theo ông Giang, cần phải có chiến lược xây dựng và định vị thương hiệu, nâng tầm nông sản Việt vì hiện nay, năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp còn yếu.

Tại Hội thảo, các chuyên gia và đối tác của chương trình đã giới thiệu những giải pháp cụ thể trong số hóa và xây dựng thương hiệu mà chương trình đã phát triển và đang được thực hiện, bao gồm: giải pháp số hóa trong truy xuất nguồn gốc, nhật ký đồng ruộng, và trong quản lý chuỗi giá trị trái cây nói chung, đào tạo trực tuyến với các quy trình thao tác chuẩn (SOPs), đăng ký và bảo hộ thương hiệu trái cây tại thị trường nước ngoài.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất