, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 28/09/2022, 12:38

8x khởi nghiệp từ xơ mướp

KIỀU TRINH
Tận dụng những thứ tưởng chừng đã bỏ đi, hai chị em 8x quyết tâm phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường, mỗi tháng thu về gần 500 triệu đồng.
Mướp khô khi được hái về, chuẩn bị giũ hạt, lột vỏ.

Năm 2013, sau khi trải qua nhiều công việc như trang trí nội thất, môi giới kinh doanh, Mạc Như Nhân (SN 1980, quê Gia Lai) bắt tay vào tìm tòi cách tận dụng xơ mướp để làm thành nhiều sản phẩm hữu ích.

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề, anh bày tỏ: “Chỉ vì muốn tặng vợ một món quà nhưng tìm mãi không ưng được món nào nên mình về nhà tự tìm tòi rồi làm chiếc ví bằng xơ mướp. Không ngờ vợ mình rất thích thú với nó. Cô ấy hỏi mình tại sao không thử khởi nghiệp bằng ví xơ mướp này…”.

Thật ra, từ khi còn nhỏ, Nhân đã làm quen với xơ mướp vì anh thường phụ mẹ cắt xơ mướp làm đồ cọ nồi. Thấy những sợi xơ mướp đan vào nhau rất đẹp, anh liền nảy ra ý tưởng làm kẹp tóc bằng xơ mướp. Ban đầu, anh chỉ đem tặng những người thân quen. Về sau, nhiều người tỏ ra thích thú với chiếc kẹp lạ lùng này nên đặt anh làm...

Xơ mướp từ các nơi khác chuyển về, làm sạch và sấy khô.

Nhưng đó là chuyện trò chơi ngày nhỏ. Bước vào hành trình khởi nghiệp lại là chuyện khác. Kinh nghiệm chưa nhiều, tài liệu tham khảo không có, mọi người xung quanh không ủng hộ, Nhân gặp phải nhiều khó khăn: “Thật ra, đây là nghề mình nghĩ ra, các mặt hàng mẫu mã đều do mình chọn nên không có công cụ máy móc hỗ trợ, động vào cái gì cũng khó. Mình mới bắt đầu sản xuất nên sản phẩm chưa nhiều, mà làm ít thì đến cái tem nhãn họ cũng không chịu sản xuất cho mình. Phải năn nỉ, thuyết phục bằng mọi cách…”

Các sản phẩm hoàn thiện và được đưa ra thị trường bán.

Để có được nguồn nguyên liệu, Nhân thu mua xơ mướp từ tất cả mọi nơi ở miền Tây, Đà Lạt, Tây Nguyên… nhưng địa điểm chính vẫn là trên quê hương của mình, mảnh đất Gia Lai. “Tìm kiếm nguyên liệu là công đoạn khó nhất bởi một năm chỉ có một lần, lại là nguyên liệu tự nhiên nên rất khó kiểm soát”, Nhân chia sẻ.

Xơ mướp sau khi thu mua về sẽ được lột vỏ, giũ hạt và phân loại phù hợp với từng loại sản phẩm, sau đó ép ra, làm sạch, định hình và bắt đầu xử lí. Các công đoạn sản xuất đều được Nhân kiểm tra cẩn thận. Tùy vào mỗi sản phẩm mà thời gian làm cũng sẽ khác nhau.“Thường thì các mẫu ví như ví dài, ví cầm tay sẽ mất nhiều thời gian nhất, sau đó là các loại nhỏ như miếng rửa bát… Nhiều sản phẩm nhìn đơn giản nhưng thực ra lại đòi hỏi nhiều thời gian và kỹ thuật hơn mà chỉ có bắt tay vào làm rồi mới biết”, Nhân nói.

Vợ chồng anh Nhân - chủ cơ sở xơ mướp Vi Lâm.

Trước đây, cơ sở của Nhân sản xuất 100% sản phẩm thủ công mỹ nghệ nhưng hiện tại, do sản phẩm thủ công khá kén khách trong khi muốn làm ra, thợ phải có tay nghề cao, nguyên liệu phải tuyển kỹ nên Nhân chuyển sang sản xuất các đồ dùng phổ thông đa dụng bằng máy móc để giải quyết bài toán kinh tế trước mắt.

Thời gian qua, để có chi phí duy trì cơ sở sản xuất xơ mướp, Nhân phải làm thêm đủ nghề, từ thợ sơn, thợ mộc, thợ hàn, có khi là cả bán phở… Vất vả làm việc cả ngày, đêm về, nhiều hôm Nhân thức đến 2 - 3 giờ sáng để tìm hiểu thêm về xơ muớp nhằm phát triển sản xuất.

Xuyên suốt hành trình tìm kiếm đầu ra, Nhân luôn tích cực tham gia các phiên hội chợ và đi nhiều nơi để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. “Mình tham gia nhiều hội chợ, không phải lúc nào cũng bán được hàng nhưng mình không nản, cứ cố gắng mang sản phẩm giới thiệu cho khách hàng biết đến mình”, Nhân cho biết.

Trải qua nhiều khó khăn, sau gần 10 năm hoạt động, hiện tại, mỗi tháng Nhân bán ra khoảng 50.000 sản phẩm các loại với doanh thu ngót nghét 500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 15 lao động với mức lương từ 6 - 9 triệu đồng/người/tháng. Dù đã có những thành công nhất định nhưng chặng đường tìm tòi, sáng tạo để tiếp tục chinh phục thị trường, với Nhân, vẫn còn rất dài và rất nhiều khó khăn phía trước…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất