, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 06/10/2021, 15:28

9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 35,5 tỉ USD

Quốc Khánh
(kinhtemoitruong.vn)
Mặc dù còn nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng trong 9 tháng đầu năm, các mặt hàng nông lâm thủy sản (NLTS) vẫn tăng cả về lượng và giá trị xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 35,5 tỉ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu nông sản đạt được kết quả đáng mừng giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Thông tin vừa được chia sẻ tại buổi Họp báo thường kỳ quý III năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ngày 5/10.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Việt- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch của Bộ cho biết, dù còn nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành nông nghiệp vẫn có nhiều điểm sáng, đặc biệt là xuất khẩu.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) ước đạt 35,5 tỉ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt trên 15,8 tỉ USD, tăng 14,4%; lâm sản chính ước đạt 11,97 tỉ USD, tăng 31,6%; thủy sản đạt gần 6,2 tỉ USD, tăng 2,4%; chăn nuôi ước đạt 345 triệu USD, tăng 17,5%; nhóm đầu vào sản xuất ước đạt 1,3 tỉ USD, tăng 31,6%.

Mỹ là nước đứng đầu về nhập khẩu nông sản của Việt Nam với 10.2 tỉ USD; đứng thứ 2 là Trung Quốc với 6.8 tỉ USD; thứ 3 là Nhật Bản với 2.4 tỉ USD và đứng thứ 4 là Hàn Quốc với 1.6 tỉ USD.

Một trong những điểm mới trong sản xuất nông nghiệp là sự linh hoạt trong mở rộng thị trường và kết nối tiêu thụ nông sản. Bộ NN&PTNT đã xây dựng trang web bán nông sản với sản lượng tiêu thụ bình quân đạt 300 – 400 tấn/ngày.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã đẩy mạnh các hoạt động tháo gỡ khó khăn, loại bỏ rào cản kỹ thuật để mở rộng thị trường, thúc đẩy thương mại nông sản với các quốc gia như Peru, Úc, Brazil, Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, Nga, Séc…

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các loại nông sản như vải, nhãn, xoài, khoai lang, ớt đảm bảo tiêu chuẩn, đủ điều kiện xuất khẩu ra các nước EU, Anh và Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Việt cũng khẳng định: “Xuất khẩu chắc chắn tự tin năm nay đạt 44 tỉ USD. Năm 2020, 3 tháng cuối năm xuất khẩu đạt 12 tỉ USD. Nếu tính năm nay giảm 20% so với cùng kỳ năm trước thì 3 tháng cuối năm nay đạt 10 tỉ USD, cả năm nay chắc chắn đạt được 44 tỉ USD”.

Để đạt được mục tiêu này,trước mắt, chúng ta cần mở rộng thị trường với các nước như Peru, Australia, Brazil, Trung Quốc, Hoa Kỳ, ASEAN, Nga, Séc… trong khuôn khổ hợp tác về nông nghiệp. Hỗ trợ, đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu trong bối cảnh Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Ngoài ra, Bộ cũng lưu ý về việc hướng dẫn thực thi Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc thay đổi biện pháp quản lý an toàn thực phẩm và thủ tục đăng ký kinh doanh sản xuất thực phẩm xuất sang Trung Quốc.

Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định việc đạt được mức tăng trưởng dương 1,04% trong quý III năm nay là một thành tích đáng khích lệ. Phấn đấu từ nay đến cuối năm 2021, sản lượng lúa gạo đạt 43,3 triệu tấn (còn hơn 10 triệu tấn); 18,5 triệu tấn rau; 8,5 triệu tấn quả; 6,2 – 6,3 triệu tấn thịt các loại; 16 nghìn quả trứng và 1,2 triệu tấn sữa, thì dư địa tăng trưởng vẫn còn 4,53%.

“Xuất khẩu NLTS vẫn còn gần 10 tỉ USD trước mắt cần phấn đấu vẫn là một bài toán và yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải tiếp tục quyết tâm cao hơn nữa. Kết quả đạt được trong 9 tháng qua là đáng tự hào, tuy nhiên chúng ta cần phải xây dựng kế hoạch hành động ngay lập tức để vượt qua khó khăn đạt được các mục tiêu đề ra trong cả năm 2021”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Về định hướng phát triển năm 2022, toàn ngành sẽ tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Ngành nông nghiệp đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu như: tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 2,8 – 3%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 45,5 tỉ USD; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 73%; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định ở mức 42%.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất