, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 04/03/2022, 12:37

9X và thông điệp "biến thức ăn thành thuốc"

PHÚC LẬP - ĐÌNH TÚ
(nongnghiep.vn)
Trong khi mục tiêu của đa số các bạn trẻ là ra thành phố, thoát cảnh chân lấm tay bùn, thì chàng trai sinh năm 1994 này lại nung nấu ước mơ làm… nông dân.

Đó là Nguyễn Vũ Linh, quê ở xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Trải qua bao gian truân trên bước đường quay về quê làm nông dân, bây giờ anh bắt đầu thu trái ngọt khi sở hữu một nông trại sinh thái hữu cơ 15ha mang tên An Mộc farm ở quê nhà.

Gian nan con đường thực hiện ước mơ

Năm 2019, Nguyễn Vũ Linh thành lập công ty TNHH An Mộc Farm, chuyên trồng cây dược liệu. Mặc dù đã có hàng chục công nhân viên, nhưng khi chúng tôi đến, Linh đang dầm mình dưới con kênh để vớt rong, rêu.

“Giám đốc mà còn lội kênh, nghịch nước như con nít vậy sao?”, chúng tôi cười. Linh cũng cười: “Giám đốc gì anh ơi. Giờ còn cả đống việc phải chuẩn bị, lu bu lắm. Sao ngồi chơi được. Với lại xưa giờ tôi thích lội ruộng”. Linh đang vớt rong, bèo để ủ phân hữu cơ.

Mặc dù đã là giám đốc công ty, nhưng Nguyễn Vũ Linh vẫn xắn quần ra ruộng làm việc, lội kênh vớt bèo về làm phân hữu cơ. Ảnh: Đình Tú.
Mặc dù đã là giám đốc công ty, nhưng Nguyễn Vũ Linh vẫn xắn quần ra ruộng làm việc, lội kênh vớt bèo về làm phân hữu cơ. Ảnh: Đình Tú.

Linh kể, từ khi còn học phổ thông, anh đã nghĩ đến việc mai mốt sẽ làm nông dân ở quê. Vì thế, khi vừa tốt nghiệp cấp II, anh bỏ học, trốn nhà lên Sài Gòn tìm việc làm, định kiếm chút vốn rồi về quê làm trang trại. Nơi đầu tiên anh làm việc là một cơ sở cung cấp thực phẩm đóng gói cho siêu thị. Tại đây, thấy Linh siêng năng chịu khó, bà chủ tốt bụng khuyên anh nên vừa làm vừa học lên cấp 3.

Sau khi học xong cấp 3, Linh tiếp tục thi đại học và cùng lúc đậu hai trường là Đại học Xây dựng và Đại học Điện lực TP.HCM. Nhưng anh lại không hứng thú học, nên đăng ký đi nghĩa vụ quân sự để rèn luyện.

Đầu năm 2015, Linh xuất ngũ và bắt đầu những năm tháng làm nông dân thực thụ. Anh về Trà Vinh xin vào làm ở một nông trại. Tại đây, anh đã học hỏi được nhiều, từ chiến lược kinh doanh, tiếp cận thị trường, quy trình đóng gói, bảo quản... Tiếp sau đó, Linh xin nghỉ, về Long An xin vào làm tại một trang trại trồng nguyên liệu để tích lũy kinh nghiệm, kiến thức về vi sinh.

Nụ cười của giám đốc nông dân Nguyễn Vũ Linh. Ảnh: Đình Tú.
Nụ cười của giám đốc nông dân Nguyễn Vũ Linh. Ảnh: Đình Tú.

Năm 2017, Linh trở về quê nhà Kiên Giang, bắt đầu gây dựng An Mộc Farm từ 3 công đất của gia đình. Để có vốn xoay xở ban đầu, anh làm các sản phẩm thủ công để bán như quai treo bằng cây thủy trúc, ống hút cây sậy, chén gáo dừa… Đặc biệt, có 500 chiếc chén, muỗng bằng gáo dừa được xuất sang Singapore. Sau khi ổn định, anh tiếp tục đầu tư, thuê thêm đất để mở rộng An Mộc Farm.

Nghe đến đây, tôi nói: “Như vậy con đường khởi nghiệp của Linh cũng đâu có khó khăn nhiều?”.

Linh trầm ngâm giây lát rồi nói tiếp: “Giờ mới gặp sóng gió nè anh. Năm 2019, tôi thành lập công ty chưa bao lâu thì dính cơn bão số 3. Bão lớn, lại đúng mùa nước nổi, mưa tầm tã, 10ha cây nguyên liệu của trang trại ngập úng, gần như mất trắng, thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng. Tôi phải vay mượn khắp nơi để khôi phục lại, nhưng cũng chỉ được 2/3 diện tích”.

Năm 2020, sau khi đã khôi phục kha khá, An Mộc Farm đã có hợp đồng xuất khẩu nguyên liệu dược phẩm với Ấn Độ, Hàn Quốc. Mọi việc tưởng suôn sẻ, ai ngờ dịch Covid-19 ập đến. Hợp đồng xuất nguyên liệu đi Ấn Độ vì thế cũng không thể thực hiện.

“Lúc đó tụi tôi phải xoay đủ cách, người tìm đối tác Thái Lan, người tìm các doanh nghiệp, cơ sở dược liệu, bệnh viện... Nhưng cũng chẳng tiêu thụ được bao nhiêu, phải mang vào kho bảo quản lạnh. Thiệt hại từ 2 “cơn bão” quá lớn, nên nhiều cổ đông đã phải nói lời chia tay An Mộc Farm”, Linh kể tiếp.

Đúng lúc bế tắc, tưởng phải buông xuôi thì may mắn được “quý nhân” giúp đỡ. “Quý nhân đó là giám đốc một công ty sơn. Chị gọi điện thoại nói rất khâm phục ý chí của các em, giờ chị có thể giúp cho vay vốn không lấy lãi. Nhờ vậy mà tụi tôi có vốn đầu tư tiếp”, Linh kể.

Linh đang kiểm tra hoa đậu biếc sấy. Ảnh: Đình Tú.
Linh đang kiểm tra hoa đậu biếc sấy. Ảnh: Đình Tú.

Hiện nay,  An Mộc Farm ở Hòn Đất có diện tích 15ha, trong đó có 10ha sâm Bố chính, 1,5ha hoa đậu biếc, còn lại là hoa hồng, lài, sen, nhàu, bạc hà, cỏ ngọt Stevia, chùm ngây và các loại trái cây khác. Linh đang tiếp tục mở rộng diện tích thêm 15ha nữa ở U Minh Thượng (Kiên Giang) và Cù Lao Dung (Sóc Trăng).

Mặc dù còn khá trẻ, đến tháng 6 năm nay Linh mới tròn 28 tuổi, nhưng suy nghĩ của anh thì rất “chuyên gia”: “Quê tui đất canh tác còn nhiều, nhưng bỏ hoang nhiều lắm. Vì người trẻ đi lên thành phố làm thuê hết rồi. Còn lại ở quê toàn người già, trẻ em, người mất sức lao động. Tui chỉ mong sau dịch Covid-19, làng quê sẽ bớt vắng vẻ, ruộng vườn không bỏ hoang, phần nữa là giảm áp lực cho các đô thị. Tôi nghĩ có thể làm giàu trên chính quê hương mình chứ chẳng cần đi đâu xa. Nếu xa quê để làm giàu thì không nói, còn lên thành phố làm thuê, làm công nhân đơn thuần thì tại sao không nghĩ cách mưu sinh ngay tại quê hương mình? Sao phải đi tha phương? Nhưng tôi nghĩ, cần có sự hỗ trợ của nhà nước, ví dụ nếu người nông dân được trang bị, tích lũy thêm nhiều tri thức hơn, thì chắc chắn họ sẽ biết cách làm giàu ngay trên thửa ruộng của họ. Đó là đòn bẩy giúp nền nông nghiệp phát triển”.

Thông điệp “biến thức ăn thành thuốc”

Hiện nay, phần lớn các sản phẩm của An Mộc Farm như sâm Bố chính, hoa đậu biếc và các sản phẩm hoa, cây, lá khác, đều có đối tác thu mua. Tuy nhiên, Linh và các cộng sự cũng có khá nhiều sản phẩm độc đáo từ các loại cây, củ, hoa, lá trồng tại An Mộc.

Trong đó, sâm Bố chính và hoa đậu biếc Organic được An Mộc Farm sáng chế ra nhiều món ăn, uống độc quyền như miến, bún, mì, nui… với thành phần chính là khoai tây, củ dong để tạo độ dai và một vài phụ gia. “An Mộc có nhiều thức uống, trong đó những món uống độc đáo như trà Mỹ nhân, với thành phần chính là hoa đậu biếc và các loại thảo dược như cỏ ngọt, bạc hà. Hay trà sâm Bình an cũng khá đặc biệt, được nấu từ 8 loại thảo dược, giúp tăng cường sức đề kháng, giải độc gan, thanh lọc cơ thể, trị mụn, đẹp da và chống ô-xy hoá. Rồi chè Dưỡng nhan An Mộc thanh mát, dịu ngọt, nấu từ bạch quả, táo đỏ, yến tuyết, nhựa đào, bồ mễ, cỏ ngọt Stevia, hoa sâm và hoa hồng…”, Linh nói.

Mì đậu biếc (hình trên) và mì sâm thương hiệu An Mộc Farm. Ảnh: Đình Tú.
Mì đậu biếc (hình trên) và mì sâm thương hiệu An Mộc Farm. Ảnh: Đình Tú.

“Có phải ý nghĩa của “An Mộc” là an tâm, an lành và mộc mạc, đơn giản không?”, tôi hỏi Linh. Anh cười, đáp: “Dạ đúng. Không chỉ sản phẩm “mộc” mà quy trình canh tác, chăm sóc cũng “mộc”, thuần tự nhiên luôn. Tức là làm thủ công bằng tay hết, kể cả quy trình làm phân hữu cơ vi sinh tận dụng sản vật có sẵn tại địa phương kết hợp với gốc vi sinh có tác dụng phân giải, cố định đạm. Hiện nay, rất nhiều tác động ngoại lực ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người, như ô nhiễm, biến đổi khí hậu, và đặc biệt là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cho nên, một trong những lý do tôi quyết tâm về quê làm nông dân là mong muốn tạo ra những giá trị xanh trên mảnh đất quê hương mình, kiến tạo một lối sống tốt, an toàn và khỏe mạnh hơn cho mọi người thông qua sản phẩm của mình. Thông điệp của An Mộc farm là hãy “biến thức ăn thành thuốc, đừng để thuốc thành thức ăn”. Ngay từ khi thành lập, An Mộc đã xây dựng thói quen tiêu dùng thân thiện môi trường. Đó là bảo quản, chứa hay đóng gói sản phẩm bằng các vật liệu từ tre, nứa, lá dừa, lá chuối... hoặc dùng bao bì giấy kraft thân thiện môi trường. Không sử dụng đồ nhựa, bao ni lông”.

Một số sản phẩm sấy khô, đóng hộp như sâm Bố chính, hoa Atiso, hoa đậu biếc sấy của An Mộc Farm. Ảnh: Đình Tú.
Một số sản phẩm sấy khô, đóng hộp như sâm Bố chính, hoa Atiso, hoa đậu biếc sấy của An Mộc Farm. Ảnh: Đình Tú.
Anh Bùi Vũ Linh (SN 1983) quê ở Cà mau, tình cờ quen Nguyễn Vũ Linh, thấy hợp nên đã về cộng tác, và đã hỗ trợ rất nhiều cho Nguyễn Vũ Linh từ năm 2019 đến nay. Ảnh: Đình Tú.
Anh Bùi Vũ Linh (SN 1983) quê ở Cà mau, tình cờ quen Nguyễn Vũ Linh, thấy hợp nên đã về cộng tác, và đã hỗ trợ rất nhiều cho Nguyễn Vũ Linh từ năm 2019 đến nay. Ảnh: Đình Tú.

"Sứ mệnh của An Mộc Farm là tích hợp các giống loài thực vật duy trì hệ sinh thái trong khi cung cấp lựa chọn các sản phẩm thay thế. Xác định một hệ sinh thái mới phù hợp với nhu cầu của con người bằng cách sử dụng kiến thức và kinh nghiệm từ các hệ sinh thái ở các nước phát triển. Mang đến người tiêu dùng những sản phẩm đặc sản của Kiên Giang với chứng nhận về an toàn, chất lượng và đẹp mắt, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe con người", Nguyễn Vũ Linh chia sẻ.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất