, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 01/06/2021, 10:40

À ơi... cầu ngói

CẨM HÀ

Cầu ngói là kiểu cầu có mái che lợp ngói, có khi được định nghĩa chi tiết là “thượng gia hạ kiều” (trên nhà dưới cầu) - vừa có chức năng giao thông, vừa là nơi chốn để người dân nghỉ ngơi, ngắm cảnh, giao thương, thực hành nghi lễ tín ngưỡng… Một trong những cây cầu nổi tiếng nhất loại này chính là chùa Cầu ở Hội An. Ngoài ra, còn có một số cầu ngói đẹp khác ở miền Bắc nước ta mà chỉ ít người từng biết.

Cầu ngói chợ Lương.

“Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài”

Phải nói ngay, Nam ở đây là xứ Sơn Nam xưa (vùng Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình ngày nay). Đây vốn là vùng chiêm trũng, nhiều sông ngòi, hay xảy ra lụt lội nên có rất nhiều cầu, nổi bật là cầu đá và cầu ngói. Một trong những cây cầu ngói cổ nhất xứ Nam còn lại đến ngày nay, còn “cao niên” hơn cả chùa Cầu Hội An (chùa Cầu được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17, đại trùng tu mang hình dáng cơ bản như ngày nay vào năm 1817), là cầu ngói chợ Lương. Được xây dựng từ đời Hồng Thuận nhà Lê (1509 - 1515), cầu ngói chợ Lương bắc qua sông Hoành, cùng với chùa Lương (tên chữ là chùa Phúc Lâm, nằm cách đó chỉ khoảng hơn 100m) tạo thành quần thể di tích - kiến trúc thuộc xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Cuốn thư trước cầu đề 4 chữ “Quần Phương xã kiều” (cầu xã Quần Phương) và đôi câu đối: “Hoàng lộ phong thanh quá thử kỷ đa đề trụ khách/ Giang thành dạ tĩnh du phương ứng hữu thu thư tiên”. Tạm dịch: Trên đường gió mát nhiều khách qua đây lưu lại văn thơ ca ngợi/ Đi trên cầu trong đêm vắng (sung sướng) như nhận được sách tiên.

Cầu ngói chợ Lương.

Mỗi đầu cầu có 4 nghê chầu, uy nghiêm nhưng gần gũi, thân thuộc. Cầu có 9 gian cong cong tựa cầu vồng, dựng trên 18 trụ đá vững chãi, được chạm khắc giản dị, hài hòa. Hệ thống mái cầu được lợp bằng ngói vảy rồng, có hình mũi hài âm dương, nhìn từ xa tựa hình rồng đang vươn mình bay lên. Lòng cầu rộng 2m, được ghép bằng các thanh gỗ lim. Mặt sàn cầu có những gờ gỗ ngang, tránh trơn trượt khi di chuyển lên hoặc xuống dốc, nhất là những ngày mưa. Hai bên thành cầu là dãy hành lang vững chắc - nơi khách bộ hành có thể ngồi nghỉ chân, thư thái ngắm cảnh vật sông nước. Lối kiến trúc này khiến cho cây cầu không chỉ là công trình giao thông, mà còn là không gian cộng đồng của làng xã. Cụ Dương Thị Nhuận, 70 tuổi, bán hàng xén ở ngay gần cầu cho biết, bọn trẻ con vẫn thường rủ nhau tụ tập chơi đùa hoặc thậm chí… đánh một giấc trưa ngon lành ngay trên hành lang gỗ. Nhiều đứa trẻ chợ Lương đã từng được mẹ ru à ơi, từng lớn lên với biết bao vui buồn thơ ấu nơi này.

Mùa hè, những cây hoa phượng đầu cầu khoe sắc đỏ thắm nổi bật trên nền kiến trúc cổ kính của cầu, tạo nên khung cảnh bình yên và lãng mạn. Chính khung cảnh ấy đã gợi tứ cho nhà thơ Vũ Quần Phương, một người con quê hương Nam Định, viết nên bài thơ “Đợi” (sau được nhạc sĩ Huy Thục phổ thành bài hát cùng tên): “Anh đứng trên cầu đợi em/ Dưới chân cầu nước chảy ngày đêm/ Ngày xưa đã chảy, sau còn chảy/ Nước chảy bên lòng, anh đợi em”… Nếu có duyên đến thăm nơi này vào giữa tháng 3 Âm lịch hàng năm, bạn có thể được hòa mình vào lễ hội chùa Lương, một sự kiện thu hút rất đông du khách thập phương, mà cầu ngói là địa điểm lý tưởng để ngắm toàn cảnh đoàn rước lễ.

Một cây cầu ngói cổ rất đẹp khác ở xứ Sơn Nam là cầu Phát Diệm, khá gần với nhà thờ đá Phát Diệm. Tuy nhiên, sau khi trùng tu, mặt cầu ghép bằng các thanh gỗ lim được thay thế bằng đá xanh, bền vững hơn, nhưng ít nhiều làm mất đi vẻ cổ kính và tính đồng bộ của cây cầu.

Còn chăng, cầu ngói?

Cầu ngói thuộc loại cầu có mái che (covered bridge), vốn phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, dù chất liệu và hình dáng có khác nhau. Nhiều người hẳn vẫn còn nhớ “Những cây cầu ở quận Madison” (Mỹ), bối cảnh của câu chuyện tình đẹp và buồn trong tiểu thuyết và bộ phim cùng tên. Nhiều cây cầu có mái che khác cũng rất nổi tiếng trên thế giới như cầu Thành Dương (Trung Quốc), cầu Saya (Nhật Bản), cầu Vecchio (Italia), cầu Kapellbrücke (Thụy Sỹ)…

Cầu ngói Phát Diệm trước đây có mặt cầu lát bằng gỗ lim, sau trùng tu lát đá xanh.

Ở Việt Nam, tuy đã từng khá phổ biến, nhưng ngoại trừ Chùa Cầu (Hội An), cầu Thanh Toàn (Huế) được bảo tồn khá tốt để phục vụ du lịch, còn hầu hết các cầu khác đang bị xuống cấp, bởi phần nào trở nên lạc lõng với cuộc sống hiện đại gấp gáp. Sử cũ còn ghi, Thăng Long - Hà Nội cũng đã từng có một cây cầu ngói rất nổi tiếng tên là Tô Giang (khoảng vị trí Cầu Giấy ngày nay). Theo văn bia “Trùng tu Tô Giang kiều bi ký” năm 1679 của Bùi Văn Trinh, thì cầu Tô Giang “dài 15 gian như cánh nhạn vút qua trời thu hòa cùng non cao nước biếc, như cầu vồng ôm vòng dải Ngân Hà, một gác cao tỏa chiếu ánh hồng thịnh vượng, rực rỡ, thanh thoát. Trụ cầu vững vàng giữa dòng, đi trên ván cầu như đi trên đất bằng, trên lợp mái…”. Đây có lẽ là cây cầu ngói quy mô và tráng lệ nhất, những cây cầu còn lại hiện nay không thể so sánh.

Chùa ngói Phát Diệm.

Nhưng ngay cả khi may mắn còn lại với thời gian, thì việc không được trùng tu kịp thời, hoặc công tác trùng tu cẩu thả đã làm cho nhiều cây cầu ngói biến dạng. Ở cầu ngói chợ Lương, việc tu sửa phần cửa cầu không thận trọng nên đã làm biến dạng phù điêu con nghê. Nền đường, sau 3 lần được nâng cốt, đã khiến cây cầu trở nên “thấp lùn” hơn hẳn so với nguyên bản vốn có độ dốc cong cong duyên dáng. Cầu ngói chợ Thượng thì bị thay đổi hẳn hình thức sau khi trùng tu, khiến dư luận bức xúc. Tuy nhà thầu đã cố gắng sửa sai, nhưng nét đẹp nguyên gốc của cầu đã không thể phục hồi được nữa.

Do nhu cầu cuộc sống thay đổi, các cây cầu ngói chỉ tồn tại đến ngày nay khi có những cây cầu kiên cố hơn được xây dựng song song dành cho xe cơ giới. Bên cạnh đó, chỉ khi người dân có thói quen đi bộ và đi xe đạp ven sông thì cầu ngói mới phát huy tác dụng. Gần đây, một số cây cầu ngói mới như cầu Hòa Bình, cầu Lưu Quang đã được tỉnh Ninh Bình xây dựng. Đó là tín hiệu đáng mừng cho việc bảo tồn và phát huy kiến trúc cầu ngói.

Một gợi ý thêm cho khách phương xa: về thăm cụm di tích cầu ngói – chùa Lương, bạn đừng quên ghé thăm các công trình văn hóa tôn giáo nổi tiếng khác, đặc biệt là hơn 20 nhà thờ cổ kính tuyệt đẹp theo lối kiến trúc Á - Âu kết hợp. Chính nơi đây, vào những năm 1533 – 1553 là nơi đầu tiên được các giáo sĩ Kitô người Hà Lan đến truyền đạo.
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất