, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 06/05/2024, 14:40

AI đối đầu với hạn mặn

TRUNG VIỆT
Vùng ĐBSCL đã nếm trải 3 mùa khô có mức độ hạn, mặn rất nghiêm trọng vào các năm 2015 - 2016, 2019 - 2020 và 2023 - 2024. Giới khoa học cũng đã lập ra bản đồ thiệt hại do hạn mặn tại vùng này.

Với kịch bản hiện trạng, tổng thiệt hại ở khu vực này khoảng 70.168 tỉ đồng/năm, đánh vào cây ăn quả, hoa màu, lúa và thủy sản. Đó là chưa nói đến viễn cảnh các năm 2030, 2040 và năm 2050, mức thiệt hại lần lượt sẽ là 72.385 tỉ đồng, 73.530 tỉ đồng và 76.485 tỉ đồng.

Chẳng ai có quyền nghi ngờ những con số trên, khi mọi biện pháp ngày càng loay hoay, thậm chí bế tắc; những đổ vỡ, khó khăn dân sinh, sản xuất lẫn biến động dân cư theo chiều hướng xấu càng ngày giăng dày như lưới mắc chà.

Không phải bây giờ lời kêu gọi sống chung với biến đổi khí hậu, dân gian gọi là thuận thiên mới vang lên. Nhưng nội hàm của thuận thiên, đến lúc phải thay đổi trong cái nhìn, khi kinh nghiệm dân gian đã thất thủ trước ông trời; công cụ là con đẻ của chính sách lâu nay trở nên yếu ớt. ĐBSCL đã đi từ đắp đê bao ngăn mặn, đào kênh dẫn nước, thoát nước, đến việc áp dụng mô hình xanh trong canh tác, sinh hoạt, sáng tạo nhiều hình thức sống chung với hạn mặn. Nhưng rõ ràng, với thực tế thiệt hại, thì những biện pháp cảnh báo, đối phó với nước biển dâng, hạn chế sạt lở, sụt lún chưa thực sự hiệu quả.

Khi có bất kỳ một sự tác động gây hiểm họa dân sinh cho một vùng đất, thì không riêng nơi đó bị thiệt hại. Hiệu ứng cánh bướm chưa bao giờ bị xếp qua một bên trong đánh giá. Chính vì vậy, mối quan tâm của các nhà khoa học ngoài nước đến ĐBSCL trong suốt nhiều thập kỷ qua, đã chứng tỏ mối ưu tư của họ. ĐBSCL cũng là một đối tượng nghiên cứu, bởi nước biển dâng không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà của rất nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, các nước bị tác động, với tư duy và quan điểm khoa học tiến bộ, trình độ kỹ thuật cao, đã phản ứng hiệu quả, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, mà giải pháp họ đưa ra, là kiềng ba chân. Đó là xây dựng hạ tầng đủ sức chống chọi với nước biển, chịu được sụt lún, sạt lở; tạo ra những vùng sinh thái ven bờ từ trồng rừng, giảm khí thải nhà kính, áp dụng mô hình xanh trong canh tác, hình thành cồn bãi như tự nhiên; áp dụng công nghệ trong thám sát, dự báo, phục vụ cho điều hành, ứng phó. Mà đích cuối cùng là hạn chế thiệt hại sản xuất, người dân đỡ lo âu sấp ngửa la trời vì thiếu nước uống, trôi nhà, vật nuôi cây trồng bị chết héo.

Năm 2023, cả thế giới sửng sốt và bừng bừng với sự ra đời của công nghệ AI. Và chẳng ngờ rằng, công nghệ này đã có mặt trong đội hình tìm giải pháp để thích ứng hạn mặn. Đó là kết hợp giữa các công nghệ thu thập dữ liệu đối tượng vật lý với xử lý thông tin bằng trí tuệ nhân tạo. Mọi thông tin về nước biển dâng sẽ được gửi về trung tâm thông qua mô hình hóa và mô phỏng sự xâm nhập, từ đó sẽ lên kế hoạch phòng ngừa.

Câu chuyện công nghệ 4.0 này là một trong những “con bài” đã và đang được xem xét áp dụng tại ĐBSCL, thông qua hiến kế và hành động của nhiều nhà khoa học quốc tế, mà tiên phong là các chuyên gia người Việt tại các trường đại học danh tiếng của Úc. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra phương thức mới mẻ, hiệu quả cho cuộc chiến chống hạn mặn. Như đã nói, đã đến lúc không thể lục trong trí nhớ cách chữa cháy nhà chỉ bằng tạt nước bằng gàu, mà khi đám cháy quá lớn, chỉ còn cách là dùng Drone, đi kèm hợp đồng binh chủng. Kinh nghiệm từ thế giới, hẳn sẽ không được “sao chép” rồi “dán” y chang tại Việt Nam. Bởi chính các nhà khoa học đã khuyến cáo, là tiêu chuẩn áp dụng phải thay đổi, nhưng bản chất và phương thức thì không, bởi nó đã chứng minh hiệu quả ở nhiều nơi tương tự.

Hình dung hạn mặn ở ĐBSCL như căn bệnh ung thư không đột ngột, nó vừa tấn công vừa nằm nghỉ, mà mỗi lần ra đòn, là đáng “đồng tiền bát gạo”. Rồi đây, trong và sau hạn, những dòng người từ miền Tây tiếp tục đổ về các thành phố bởi cơn khát cơm áo đang kêu đòi. Hành động ngay từ bây giờ bằng biện pháp khoa học tiên tiến, đồng bộ cùng với sự đồng thuận từ người dân - nhà khoa học - chính quyền, chính là chặn dần tiếng kêu cứu khẩn cấp từ châu thổ. Để phù sa trở lại trên đồng, để mặt người nông dân không phải héo hon như trái dừa teo trên ngọn, con cua chết queo dưới nước, mà họ tươi cười thong thả ngâm nga “gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng, về sông ăn cá, về đồng ăn cua”. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Vốn chỉ được tìm thấy bên trong thân cây cọ nhưng hiện nay, đuông cọ đã được người dân nhân giống, phát triển thành mô hình chăn nuôi mới, hiệu quả cao.


Anh Hoàng Vân là một trong những người tiên phong trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ cho cá tại Việt Nam. Hơn 10 năm nay, anh thực hiện cắt mí mắt, cắt môi, sửa vảy, mang... cho hàng trăm con cá rồng. Thu nhập mỗi tháng lên đến chục triệu đồng.
Nổi bật

Bây giờ đi đâu cũng rầm rộ xây dựng Nông thôn mới, nhưng chẳng nghe trong báo cáo nào khoe “xã tôi thôn tôi có phong trào đọc sách”.
Được quan tâm




Bọn trẻ quê chúng tôi ngày ấy, nửa buổi đến trường, nửa buổi còn lại rủ nhau đem rổ, đem thau ra đồng nhặt ốc mang về.

Sự chồng chéo trong công tác quản lý nhà nước tại bán đảo Sơn Trà đang là một trong những rào cản đối với công tác triển khai các dự án bảo tồn loài voọc chà vá chân nâu tại đây

Ngày 6/8, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an TP Đà Lạt phối hợp với Hạt Kiểm lâm Đà Lạt bắt quả tang ông Nguyễn Đình Hùng (53 tuổi, quê tỉnh Nghệ An) đã cưa hạ 13 cây thông 3 lá cao khoảng 15 mét.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất