, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 28/12/2016, 11:01

Ai thương tóc dài tóc rối

SƠN HẢI
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mẹ tôi kể, hai người bắt đầu nghề đi buôn tóc vào năm 1989, qua sự giới thiệu của một người bạn. Khi ấy, theo mẹ tôi biết cả miền Bắc mới chỉ có một người đi mua, đến bố mẹ tôi là hai. Với con xe minsk mà chị em tôi hay gọi là “minsk khờ”, bố mẹ tôi đã đi khắp các hiệu làm đầu ở miền Bắc, từ thành phố đến nông thôn, đến cả các tỉnh, xã, bản làng vùng sâu, vùng xa của Đông Bắc, Tây Bắc để tìm mua. Mẹ tôi bảo, khi thấy bố mẹ tôi vào hỏi mua, tóc dài cũng mua mà tóc rối cũng trả tiền, thì từ chủ đến nhân viên hiệu làm đầu nào cũng ngạc nhiên, thắc mắc. Họ không biết tóc được dùng để làm gì.

Giá mua bán tóc phụ thuộc vào độ dài, độ dày, độ bóng mượt, đẹp; trong đó, tóc loại 1, tức tóc từ 40 phân trở lên, đẹp, óng mượt có giá cao nhất. Giá mẹ tôi bán cho nơi thu gom là 140.000 đồng/1 lạng, mức giá sẽ lần lượt hạ xuống với tóc có độ dài từ 20-40 phân trở xuống, tóc 25-30 phân và tóc rối. Tuy nhiên, cũng vì hiếm người mua, chưa ai biết nhiều nên bố mẹ tôi mua được nhiều, giá mẹ tôi mua vào khá rẻ, giá nào cũng mua, thậm chí, có nhiều hiệu tóc họ cho không, nhờ vậy mà  tiền lãi thu được nhiều, gấp đôi, có khi gấp ba.

Tóc mua về, bố mẹ tôi sẽ phân loại, buộc và sắp xếp chúng lại cho gọn gàng, tươm tất sau đó qua cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) mang sang chợ Lũng Lịu (Trung Quốc) để bán. Tại đây, những người Trung Quốc mang những túi tiền đầy ứ để mua tóc. Họ bảo, tóc mua về được dùng để làm tóc giả, sử dụng trong những bộ phim cổ trang.

Cứ thế, cho tới năm 1993 thì bố mẹ tôi không mang tóc sang Trung Quốc bán nữa mà bán trực tiếp cho một đầu mối thu mua tên Việt ở thôn Phùng Khoang, Hà Đông, Hà Nội. Theo mẹ tôi được biết, người này không bán hàng cho Trung Quốc mà ký được một hợp đồng đưa hàng sang Hàn Quốc. Tóc cũng được dùng làm tóc giả. Những đầu mối thu mua này, thường rất giàu có, nhiều vốn.

Mẹ tôi cũng kể câu chuyện mà sau này tôi vẫn nhớ, đó là đối với loại tóc rối, ban đầu một số người thu mua Việt Nam làm khá uy tín nhưng được một thời gian thì đem trộn với than cám vào cho tăng cân. Tóc mang sang chợ Lũng Lịu, Trung Quốc các thương lái bên đó phát hiện, không lấy hàng. Thêm nữa, họ cũng không cho đổ bỏ ở đất họ, vậy là phải mang ngược hàng có trộn cám về lại Việt Nam.  

Từ năm 1993 đến năm 1996, người mua tóc nhiều hơn. Vì vậy, bố mẹ tôi phải đi nhiều hơn, đi xa hơn. Tôi nhớ, có những lần bố mẹ tôi đi cả tuần, sau mới biết là đi một chặng đường rất dài từ Hòa Bình – Hà Nội – Việt Trì – Yên Bái – Lào Cai – Điện Biên – Lai Châu – Mai Châu – Hòa Bình, đi tới những nơi hang cùng, ngõ hẻm, ngôi làng xa tít, băng đồi, vượt suối để tìm hàng. Những chuyến đi như vậy, số lượng tóc mua sẽ vào khoảng 50-70 kg, có những ngày cao điểm mua được tới 20 kg. Những chuyến ấy, mẹ tôi bảo, thường có lãi lớn, có khi tới cả 5 triệu đồng – thời mà giá vàng chỉ khoảng 180.000 đồng/chỉ. Giá tóc mẹ tôi bán cho đầu mối thu mua lúc này đã tăng lên hơn 4 lần so với năm 1989, ở mức 600.000 đồng/lạng đối với tóc loại 1, 250.000 đồng/lạng đối với tóc loại 2.

Đến năm 1998 thì bố mẹ tôi chuyển sang nghề khác, nghề buôn tóc vẫn tồn tại đến tận bây giờ với rất nhiều người thu mua, nhiều đầu mối thu gom bán cho Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào và cả Campuchia.

Một vài năm gần đây, khi tôi về quê, ra chợ chơi còn thấy cảnh một vài người mua tóc mang kéo, mang cân ra tới tận chợ, mời chào những cô, những chị, những bà có mái tóc dài cắt bán. Mẹ tôi chép miệng nói, giờ ngày càng nhiều người đi theo nghề này, tóc cũng không còn quá nhiều như xưa nên người làm nghề ngoài việc đi vào cửa hiệu làm đầu thì đã đi cả ra chợ, vào từng nhà ở trong làng, xóm để mua tóc ngay trên đầu của các cô, các chị, các bà. Người bán biết hơn nên cũng nói giá tóc cao lắm. Những người mua tóc thường không phải người dân trong xã, huyện tôi ở (Lạc Thủy, Hòa Bình) mà từ các nơi như Phú Thọ, Phủ Lý, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Tây… tới.

Giá tóc mua tại chợ, tại nhà hiện nay tăng chóng mặt, tóc dài loại 1 có khi được trả giá tới 1,2 – 1,5 triệu đồng/lạng. Theo tìm hiểu của tôi, không chỉ ở quê tôi, mà ở nhiều vùng quê ở miền Bắc, miền Trung còn hình thành nên những chợ tóc. Ví dụ như chợ ở Lập Thành – Vĩnh Phúc, chợ Dinh ở xã Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An.

Quay trở lại câu chuyện của bố mẹ tôi, tôi hẳn sẽ không thể không nhớ, những buổi sau khi bố mẹ tôi mua tóc mang về nhà trong những túi nilon, những bao tải to, nhỏ. Bố mẹ tôi đổ tóc ra nền đất sạch, phân loại chúng, loại 1 ra loại 1, loại 2, loại 3 ra loại 2, loại 3. Ban đầu tôi rất sợ. Những mái tóc đen – ngày xưa tóc ai cũng đen thì phải để dưới nền nhà gợi lên trong trí tưởng tượng tôi hình ảnh của những người đã mang nó. Những khuôn mặt do tôi tưởng tượng ra, xinh đẹp có, xấu xí có, già có, trẻ cũng có, thậm chí, có lúc tôi còn nghĩ họ là người không còn tồn tại nữa. Sau dần tôi cũng quen, bớt đi nỗi lo sợ nhưng thực tình tôi không thích mùi của chúng. Khi thì ẩm mốc, khi thì khét lẹt, hôi hôi. Tôi cảm giác nó là những bộ tóc không còn sự sống, mặc dù nó có thể đã từng ở trên đầu những cơ thể tràn đầy sinh lực.

Tôi đôi khi vẫn hỏi mẹ mình, tại sao người ta lại cắt đi những mái tóc đẹp đẽ, óng mượt dường ấy, trong khi tôi từ nhỏ tới lớn luôn mơ ước có một mái tóc dài óng ả mà không được. Mẹ tôi bảo, vì họ thích đổi kiểu tóc mới, uốn xoăn, uốn cúp, làm phồng chẳng hạn, nhất là những cô gái trẻ hiện đại ngày nay; cũng có thể họ là phụ nữ sắp sinh muốn đầu óc nhẹ nhõm, mát mẻ hơn; hay là một người sắp bước vào giai đoạn trị bệnh không thể giữ lại mái tóc thề ngày xưa. Và mẹ tôi cũng bảo, nhiều trường hợp các cô, các chị, các bà ở vùng quê, xã, bản xa tít cắt tóc vì nghèo, vì cần gấp một số tiền để trang trải bởi thực tế tóc đẹp là một món hàng có giá trị không nhỏ và tóc cắt ngắn rồi vẫn còn có thể mọc dài ra.

Bố mẹ tôi trong một vài lần cả nhà quây quần vẫn hay nhắc về khoảng thời gian làm nghề buôn tóc. Mẹ bảo, nhờ nó mà bố mẹ tôi có tiền nuôi chị em tôi ăn học, nhờ nó mà bố mẹ đã đi và gặp rất nhiều người. Tôi thì luôn trân trọng nó như một nghề lương thiện. Có đôi khi nghe một tiếng rao Ai tóc dài tóc rối ơ, thấy hình ảnh một mái tóc bị cắt xoẹt từ trên đầu thì lại rưng rưng, lại quay quắt nhớ và thương thời lam lũ, vất vả, cực nhọc của bố mẹ mình, thương những tháng ngày mấy chị em chăm nhau để bố mẹ đi khắp nơi mua tóc.

Và tôi cũng thương tóc dài, tóc rối, thương những phận người vì nghèo mà phải cắt chúng đi!

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất