, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 01/06/2021, 15:49

Ai về núi Thúy sông Vân

BẢO VÂN

Nói đến Ninh Bình, khách du lịch hẳn không còn xa lạ với Tràng An, Bái Đính, cố đô Hoa Lư, Tam Cốc Bích Động hay khu dự trữ sinh quyển Vân Long… Nhưng, ở Ninh Bình còn có một địa danh khác mà ngàn năm nay vẫn luôn là chốn cho bao thế hệ làm thơ: núi Thúy sông Vân…

Cầu Ninh Bình nhìn từ núi Dục Thúy.

Thi viện…

Dục Thúy Sơn, còn gọi là núi Non Nước, nằm trên địa bàn phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình, nghiêng nghiêng duyên dáng bên ngã ba sông Đáy và sông Vân. Từ hàng ngàn năm trước, chân núi bị sóng biển bào mòn, tạo thành vòm đá rộng che kín một góc sông Vân, trở thành địa điểm tránh mưa lý tưởng cho tàu thuyền. Tên núi Dục Thúy được đặt bởi danh sĩ Trương Hán Siêu thời Trần, quê ở Ninh Bình. Sau cuộc đời làm quan đến Nhất phẩm, lúc về hưu, danh sĩ họ Trương về, thường lui tới nơi này ngắm cảnh, đàm luận văn chương với các văn nhân tài tử đương thời. Ngay dưới chân núi Non Nước ngày nay vẫn còn đền thờ Trương Hán Siêu, được bao quanh bởi rừng cây xanh mát. Đền được thiết kế theo dáng chữ Đỉnh, bên trên có hai con rồng chầu mặt nguyệt. Hằng năm, đây thường là nơi trao giải thưởng văn hóa và khuyến học của tỉnh Ninh Bình. Dịp Tết, tại đền này thường tổ chức ngày hội khai bút và tặng chữ.

Trèo hơn trăm bậc đá gập ghềnh, bạn sẽ lên đến đỉnh núi, khá bằng phẳng, cây cối um tùm xanh mát. Từ đây, bạn có thể nhìn thấy cả hai chiếc cầu như hai chiếc lược gài trên “mái tóc” mềm sông Đáy. Mây trời in bóng nước và một góc thành phố Ninh Bình mở ra trước mắt. Trong làn gió xuân nhè nhẹ của buổi sớm mai hay hoàng hôn, ngồi ở lầu hóng gió mới thấy cụ Trương Thiếu Bảo (Trương Hán Siêu lúc sinh thời được phong hàm Thiếu Bảo, sau khi mất được thăng Thái Bảo - PV) có thú vui tao nhã làm sao!

Phương đình trên núi Thúy.

Nhưng không chỉ có cảnh đẹp, ngọn núi không quá cao bên dòng sông không quá sâu này còn đặc biệt ở chỗ sở hữu khoảng 40 bài thơ được khắc vào đá. Còn nếu kể thơ lấy cảm hứng từ núi Non Nước thì có đến hàng trăm bài. Từ các vị vua như Trần Anh Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Thiệu Trị, Tự Đức cho đến các tao nhân mặc khách như Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… đều đã từng đến đây và tức cảnh sinh tình.

Trong số những bài thơ còn lưu dấu trên núi Non Nước ngày nay có bài thơ Dục Thúy Sơn của Trương Hán Siêu (bản dịch của Nguyễn Duy): “Núi xanh xanh mượt xanh mà/ Người đi chơi tận phương xa chưa về/ Sáng ngời bóng tháp lòng khe/ Cửa hang đá mở lập lòe trên cao/ Mặc đời trôi nổi nơi nao/ Mới hay rằng cái danh nào hư danh/ Ngũ hồ trời đất rộng thênh/ Lại về câu chỗ đá ghềnh khi xưa”.

Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi cũng đã để lại những vần thơ ca ngợi vẻ đẹp non nước hữu tình và hoài nhớ người xưa: Cửa biển có núi tiên/ Năm xưa lối về quen/ Non bồng nơi cõi tục/ Mặt nước nổi đài sen/ Bóng tháp ngời trâm ngọc/ Tóc mây gợn ánh huyền/ Chạnh nhớ Trương Thiếu Bảo/ Bia rêu lốm đốm nền” (Bản dịch của nhà thơ Huy Cận).

Một bài thơ khác cũng rất nổi tiếng của Cao Bá Quát. Trong trời đất núi nọ/ Từ thời cổ chùa này/ Phong cảnh thật kỳ diệu/ Lại thêm ta đến đây/ Ta muốn lên đỉnh núi/ Hát vang gửi nước mây/ Ao ước mà không đạt/ Đời cứ thế xưa nay (Qua núi Dục Thúy, Phạm Minh Khôi dịch).

Bài thơ được khắc trên đá của vua Lê Hiến Tông.

Không như bài thơ của Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi hay Cao Bá Quát (và phần lớn những thi phẩm khác về núi Non Nước) có âm hưởng trữ tình, lãng mạn, cũng trên ngọn núi này còn lưu lại một cuộc “bút chiến” trào phúng sâu cay, giữa quan tuần phủ Từ Đạm và thi sĩ Tản Đà. Chuyện kể năm 1924, Từ Đạm, tuần phủ Ninh Bình, cho đục vào đá núi Non Nước một bài thơ Nôm: Trăng gió vui cùng hắn/ Lầm than bận kệ ai/ Ham chơi non với nước/ Có phúc được ngồi dai. Thơ đã chẳng lấy gì làm hay, năm sau, Từ Đạm lại cho đục một bàn cờ và một bên đục hai lốt bàn chân của ông ta. Thi sĩ Tản Đà thăm Dục Thúy Sơn thấy… ngứa mắt, bèn thuê thợ đá khắc một bài thơ ngay bên cạnh “tác phẩm” của Từ Đạm. Thơ rằng: Năm ngoái năm xưa đục mấy vần/ Năm nay quan lại đục hai chân/ Khen cho đá cũng bền gan thật/ Đứng mãi cho quan đục mấy lần.

…và chứng nhân lịch sử

Không hề là quá lời nếu như nói núi Non Nước không chỉ là thi viện, mà còn là một cuốn sử thi, ghi dấu những sự kiện lịch sử và chiến công oanh liệt của cha ông ta. Ngay dưới chân núi tọa lạc Chùa Non Nước - một ngôi chùa cổ, nơi đã chứng kiến Thái hậu Dương Vân Nga thực hiện nghi lễ chuyển giao vương quyền từ nhà Đinh sang cho Phó vương Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn - người đủ sức đủ tài lãnh đạo đất nước đánh tan quân xâm lược nhà Tống.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, do vị trí “chiến lược” (án ngữ ngã ba sông Đáy, sông Vân; Quốc lộ 10, đường sắt Bắc Nam và rất gần Quốc lộ 1A), Pháp đã cho xây dựng lô cốt trên núi. Năm 1929, người thanh niên cộng sản trẻ tuổi Lương Văn Tụy được trao nhiệm vụ cắm cờ búa liềm trên núi Non Nước để khích động tinh thần đấu tranh của quần chúng và kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười (Nga). Anh đã rất dũng cảm hoàn thành nhiệm vụ, và còn nhanh trí đánh lừa quân địch bằng cách đeo thêm 2 quả lựu đạn giả vào chân cột cờ, tạo mối khiếp sợ cho kẻ địch không dám đến gần. Để ghi nhớ sự kiện lịch sử này, tượng anh hùng Lương Văn Tụy được dựng trên đỉnh núi.

Hình tượng búa liềm được dựng trên nóc lô cốt cũ.

Cũng nơi đây, chiến sĩ xung kích Giáp Văn Khương làm nhiệm vụ đột kích đồn Hồi Hạc rồi leo lên đỉnh Non Nước mở đột phá khẩu. Quân Pháp phản công, Giáp Văn Khương tình nguyện ở lại chặn hậu cho đồng đội rút lui. Đến phút cuối cùng, anh nhảy từ đỉnh núi xuống sông Đáy, nương theo những tảng lục bình thoát thân.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, núi Non Nước đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích Danh thắng cấp Quốc gia năm 1962. Cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Non Nước là Di tích quốc gia đặc biệt.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất