
Hơn 8 tỷ USD đã được công bố cho các dự án như phục hồi rừng ngập mặn hút khí CO2 ra khỏi khí quyển, chuyển đổi chất thải thành khí sinh học và đẩy nhanh các sáng kiến năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, chi tiết về cách thức sử dụng số tiền này vẫn chưa được tiết lộ cụ thể.
Bộ trưởng Nirmala Sitharaman cho biết, khoản tiền 35.000 crore rupee (khoảng 4,3 tỷ USD) đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng của Ấn Độ sẽ được chuyển qua Bộ Dầu khí và Khí đốt tự nhiên để giúp Ấn Độ đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2070. Ấn Độ hiện là nước có mức phát thải cao thứ 3 thế giới.
Bà Sitharaman cũng đề xuất các ưu đãi của Chính phủ cho các hệ thống lưu trữ năng lượng ở Ấn Độ nhằm hỗ trợ việc sử dụng năng lượng tái tạo suốt ngày đêm, đồng thời công bố một khuôn khổ mới cho các hệ thống tích trữ năng lượng đối với ngành thủy điện.
Ngoài ra, bà Nirmala Sitharaman đề xuất thêm 20.700 crore rupee (khoảng 2,5 tỷ USD) để tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất năng lượng sạch mới tại vùng Ladakh thuộc dãy Himalaya - nơi cơ sở hạ tầng lưới điện vẫn là điểm mấu chốt quan trọng.

Bên cạnh lĩnh vực năng lượng, các chương trình khác nhằm khuyến khích sử dụng phân bón thay thế ít gây ô nhiễm và cắt giảm phân bón hóa học cũng đã được công bố, tuy nhiên chi tiết về ngân sách chi tiêu cho lĩnh vực này chưa được tiết lộ.
Theo bà Sitharaman, thuế nhập khẩu đối với các bộ phận cần thiết để sản xuất pin lithium-ion, một thành phần quan trọng trong nhiều loại xe điện sẽ được cắt giảm. Tuy nhiên không có miễn trừ nào được áp dụng cho thuế bảo hộ trong lĩnh vực năng lượng mặt trời.
Việc hướng tới năng lượng sạch ngày càng trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ và các Chính phủ trên thế giới khi mọi quốc gia đều đang cố gắng hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Bà Sitharaman đề cập đến sự phát triển của năng lượng sạch đối với nền kinh tế và việc làm. Việc tạo ra nguồn nhiên liệu sạch sẽ được thực hiện thông qua chương trình hydro xanh và chương trình hành động vì khí hậu quốc gia.