, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 13/03/2022, 16:00

An Giang tập trung bảo vệ rừng mùa khô

NGÔ CHUẨN
(baoangiang.com.vn)
Diện tích rừng và đất rừng của An Giang tuy không lớn so với các tỉnh, thành phố khác nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với phát triển của du lịch, bảo vệ đa dạng sinh học, phục vụ quốc phòng - an ninh vùng biên giới. Do vậy, bảo vệ rừng an toàn qua mùa khô là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Mùa khô năm 2021, hoạt động bảo vệ, chăm sóc, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) được tập trung tối đa. Toàn tỉnh đã duy trì hoạt động của 17 tổ hợp tác bảo vệ và phát triển rừng thuộc địa bàn huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, gồm 190 thành viên, có mặt tại rừng thường xuyên trong các tháng mùa khô. Đối với lực lượng sẵn sàng làm nhiệm vụ chữa cháy rừng vùng đồi núi, có 2.500 người, gồm: Quân sự, công an, kiểm lâm, ban quản lý rừng, tổ hợp tác bảo vệ rừng và hợp đồng bảo vệ rừng. Đối với lực lượng sẵn sàng làm nhiệm vụ chữa cháy rừng vùng đồng bằng, gồm 4 tổ chức có diện tích rừng lớn với lực lượng chuẩn bị 206 người.

Vào cuối mùa mưa, đầu mùa khô, các trạm quản lý rừng tiến hành đôn đốc các hộ nhận khoán phát dọn cỏ, làm giảm nguồn vật liệu cháy trong rừng 298,2ha; dọn dây leo, cây bụi bảo vệ rừng 1.883ha. Bên cạnh đó, đã tổ chức đốt chủ động diện tích 20,5ha, trong đó huyện Tịnh Biên 8ha (núi Phú Cường, núi Cấm); huyện Tri Tôn - Thoại Sơn 12,5ha (núi Dài, núi Cô Tô, núi Sập, núi Tượng, núi Ba Thê). Ngành chức năng đã xây dựng các tuyến đường băng cản lửa với diện tích 32,2ha, trong đó huyện Tịnh Biên 25,7ha (núi Cấm, núi Phú Cường); TP. Châu Đốc 2,5ha (núi Sam); rừng tràm Trà Sư 4ha.

Đối với rừng tràm vùng đồng bằng, thực hiện đốt chủ động tạo vùng đệm ngăn cách giữa rừng và đất sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, phát, dọn cỏ trên các tuyến kênh, mương thành những băng trắng chống cháy lan; thực hiện bơm nước vào rừng tràm Trà Sư trong thời gian cao điểm mùa khô.

Do chủ động triển khai công tác bảo vệ rừng và PCCCR ngay từ đầu mùa khô nên năm 2021, toàn bộ diện tích rừng của tỉnh được bảo vệ tốt. Chi cục Kiểm lâm An Giang cho biết, năm qua, đã phát hiện và cứu chữa kịp thời 10 vụ cháy với diện tích 5,6ha, hầu hết là cháy thảm thực bì, dây leo, cây bụi dưới tán rừng, giảm 3 vụ (5,2ha) so năm 2020.

Nâng cao cảnh giác

Theo đánh giá của Ủy hội năm sông Mekong quốc tế, mùa khô 2022, việc sử dụng nước tại các quốc gia thượng nguồn của vùng hạ lưu vực sông Mekong tiếp tục gia tăng. Trong đó, Lào tăng khoảng 5%, Campuchia tăng khoảng 10%, Thái Lan tăng khoảng 10% so với giá trị sử dụng nước trung bình nhiều năm (giai đoạn 2000-2018). Việc gia tăng sử dụng nước này sẽ tác động trực tiếp đến giai đoạn kiệt nhất của dòng chảy đến ĐBSCL, nhất là giai đoạn từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 4-2022. Mặt khác, du lịch đang phục hồi, lượng khách tham quan du lịch, hành hương trên các đồi núi trong tỉnh ngày càng tăng, nguy cơ cháy rừng sẽ tăng hơn.

Theo Chi cục Kiểm lâm An Giang, tổng diện tích vùng trọng điểm cháy trên địa bàn tỉnh được xác định là 7.368,6ha, chiếm 43,7% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp (16.868ha). Trong đó, huyện Tịnh Biên 2.912ha (rừng tràm Trà Sư; rừng tràm Nhơn Hưng; khu vực núi Phú Cường; cụm núi Đất; khu vực núi Nhọn; khu vực đồi Kakô, khu vực Latina - Tà Lọt, thuộc núi Cấm); TP. Châu Đốc 49,9ha (khu vực núi Sam; huyện Thoại Sơn 50ha (khu vực núi Tượng, núi Nhỏ, núi Sập).

Riêng huyện Tri Tôn, có hơn 4.406ha thuộc vùng trọng điểm cháy. Đối với 2.550ha trọng điểm cháy vùng đồi núi, khu vực có nguy cơ cháy cao là 1.850ha (chiếm 41,98%), gồm: Vùng trọng điểm cháy số 1 là Đồi 81, Vồ Cờ, Đồi 400 (núi Dài lớn), núi Tượng; trọng điểm cháy số 2 là vườn tầm vông và cây ăn quả ven chân núi Dài lớn, từ khu vực Ô Vàng đến vồ Đá Bia (Ba Chúc - Lương Phi); trọng điểm cháy số 3 là khu vực Đồi 181, vồ Đá Đen, núi Trọi; trọng điểm cháy số 4 là khu vực Sà Lôn, Ô Bà Bé, Ô Cây Chương, Bụng Ông Địa, Điện Tà Cao; trọng điểm cháy số 5 là Đồi 500, Tức Dụp, Sân Tiên, chùa Bồng Lai, đồi Sơn Rứa, khu khai thác đá An Giang (núi Cô Tô).

Trong khi đó, khu vực có khả năng cháy là 700ha (chiếm 15,88%), gồm: khu vực Bến Bà Chi (núi Dài lớn); khu vực ven chân núi Dài lớn (từ vồ Đá Bia đến chợ Lương Phi); khu vực núi Nam Quy (từ Sân Bay đến thung lũng khoảnh 01); khu vực Kẹt Cần Đước, Đa Pà Lầy, Tiếp Xiêm (núi Cô Tô). Đối với vùng đồng bằng, diện tích rừng tràm có nguy cơ cháy cao là hơn 1.856ha, gồm: Rừng tràm Bình Minh 612,1ha; rừng tràm Tân Tuyến 256ha; rừng tràm Lâm trường Tỉnh đội 975,6ha.

Chi cục Kiểm lâm (An Giang) chịu trách nhiệm hướng dẫn các chủ rừng và chủ nhận khoán rừng chấp hành đúng quy trình kỹ thuật phòng cháy rừng trên địa bàn quản lý. Đối với các diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng vùng đồi núi, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh khẩn trương thực hiện phát và đốt dọn cỏ cục bộ, làm giảm vật liệu cháy trong rừng; đốt dọn các tuyến băng trắng, vùng đệm chống cháy lan từ ngoài vào, nhất là các khu vực giáp diện tích sản xuất nông nghiệp, thời gian thực hiện phải hoàn thành trước khi vào cao điểm mùa khô.

Đối với diện tích rừng đồng bằng tập trung, như: Rừng tràm Trà Sư, Nhơn Hưng, Vĩnh Châu, Bình Minh, Lâm trường Tỉnh đội, Tân Tuyến, phải thực hiện duy trì nước dưới kênh, đốt dọn gốc rạ giáp rừng, đốt dọn cỏ trên các tuyến kênh và thực hiện vệ sinh rừng.

Năm 2022, ngành kiểm lâm cùng các lực lượng quyết tâm phòng cháy tốt, chữa cháy kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ; dụng cụ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất