, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 22/07/2022, 08:00

Anh hùng lao động Nguyễn Phong Lưu: Hùm xám Trường Sơn

Bút ký của NGUYỄN MỘT
LTS - Nhân kỷ niệm 56 năm ngày mở Đường 20 Quyết Thắng (21/1/1966 – 21/1/2022) và chào đón sự kiện khánh thành Đền tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn tại khu vực Cà Roòng - trọng điểm ATP trên Đường 20 Quyết Thắng (thuộc xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Tạp chí điện tử Nông thôn Việt xin được giới thiệu tới bạn đọc bút ký của nhà văn Nguyễn Một về cố Anh hùng lao động Nguyễn Phong Lưu (1933 – 2018) – một trong những người đã đặt lưỡi gạc đầu tiên khai phá Đường 20 Quyết Thắng. Bút ký này được nhà văn Nguyễn Một viết từ tháng 5/2000 cho cuốn sách Anh hùng Đồng Nai và hiệu đính tháng 10/2014 sau 14 năm gặp lại cố Anh hùng lao động Nguyễn Phong Lưu.

Trên gương mặt hiền lành, nở một nụ cười mãn nguyện, ông quay qua nói với con gái:

- Này con gái, chỗ bến phà Xuân Sơn mà Thủ tướng làm lễ động thổ đường Trường Sơn công nghiệp hóa, ngày xưa bố và đồng đội đã đặt lưỡi gạc đầu tiên khai phá Đường 20 Quyết Thắng...

***

Tôi gặp ông lần đầu vào một ngày giữa tháng 5 năm 2000, cái ngày mà con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại được khởi công xây dựng thành đường nhựa. Ngày hôm nay, nhiều người đi trên con đường thênh thang ấy ít người biết hàng ngàn con người đã đổ xương máu để tạo ra con đường huyền thoại ở trong suốt cuộc chiến tranh đau thương của dân tộc. Qua lời kể của người anh hùng lao động trong ngành Giao thông vận tải, tôi cố dựng lại bức tranh bi tráng của một thời:

***

1. Hù.. . h... ù.. . ầm. .. ầ.. .m

Tiếng rốc két xé gió. Từng loạt, từng loạt... Cánh rừng bên động Phong Nha. Đất Quảng Bình nóng lên hầm hập bởi được nung bằng bom đạn của Mỹ. Trong lán trại chỉ huy, tiểu đoàn trưởng cơ giới 19 tháng 8 đưa mắt nhìn quầng lửa rốc két chớp sáng lòa trong cánh rừng trước mặt, bàn tay to bè nắm chặt chiếc que chỉ huy quay lại nhìn các đồng đội, trông ai cũng có vẻ căng thẳng. Giọng Bắc nhỏ nhẹ, nhưng cương quyết anh nói:

- Bằng mọi giá, trong đêm nay chúng ta phải hạ lưỡi gạc đầu tiên, để mở lộ 20 này, các đồng chí ạ! Đây là con đường huyết mạch nối với tây Trường Sơn để quân ta chi viện cho miền Nam. Đội cơ giới chúng ta phải tiên phong. Trong cánh rừng kia các đại đội thanh niên xung phong đang chờ chúng ta ra quân. Theo nguyện vọng của các đồng chí, tôi cử đồng chí Phong Lưu và Quang Văn hai người con của miền Nam làm nhiệm vụ lịch sử này.

- Ngay đêm nay ư? - Một đồng chí lái xe ngồi cuối lán trại hỏi vọng lên.

-Vâng. Ngay đêm nay - Hoàng Hiếu cao giọng trả lời.- Chúng ta phải hoàn thành con đường này đúng vào dịp kỷ niệm 76 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu. Đồng chí Lưu có ý kiến gì không? 

- Xin tuân lệnh! - Anh lái xe ủi Nguyễn Phong Lưu dõng dạc trả lời, rồi đứng lên cùng Quang Văn đi về phía chiếc C.100 của mình. Đó là một đêm mùa khô năm 1965 các “chiến sĩ” đặt lưỡi gạc đầu tiên để mở đầu cho con đường Đường 20 Quyết Thắng. Đó là buổi lễ khởi công đặc biệt không cờ hoa, không băng rôn khẩu hiệu chỉ có trái tim nóng bỏng và tấm lòng nồng nàn yêu nước của các “chiến sĩ ngành giao thông”. Suốt đêm hôm ấy, bom đạn giặc nổ ầm ầm trên đầu. Các anh đối mặt với Vùng đất Quảng Bình, nơi được coi là "vành đai trắng” mỗi mét đường trên lộ 20 đều là cao điểm. 

Sáu đại đội thanh niên xung phong gồm: C203, C201, C208, của Hà Tĩnh cùng C456, C458, C459, C452 của Nam Hà, về sau tăng cường C4 của Ninh Bình, các đơn vị thanh niên xung phong hầu hết là thiếu nữ trong đội tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, chị em sống rất vui vẻ, hồn nhiên, nụ cười tiếng hát của họ là niềm vui duy nhất trong những tháng ngày gian khổ ấy. Cuộc chiến càng ngày càng ác liệt. Bom đạn rải thảm xuống những cánh rừng, không thể làm ban ngày được, nên các đơn vị phải làm ban đêm. Chiếc C100 do tổ lái Lưu, Lang, Bì phụ trách luôn xung phong đi đầu. Tại trọng điểm cua chữ A đã chịu hàng trăm tấn bom. Hàng đêm khu rừng sáng rực với hàng trăm quả pháo sáng. Họ đã siết chặt tay nhau hô vang khẩu hiệu "Lấy tim đường làm chiến trường- quyết chiến điểm làm trận địa - máu chúng ta có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”, C5 đã bám trụ của chữ A tranh giành từng phút thời gian quý báu giữa hai trận bom để làm nhiệm vụ thông đường. Con đường nhích dần từng mét một về phương Nam. 

Đến km 45 giặc bắt đầu đánh phá ác liệt hơn, nhưng với quyết tâm phải thông đường chào mừng ngày sinh nhật Bác, nên ban chỉ huy yêu cầu tiến sâu hơn, nhanh hơn. Tổ máy của Lưu lại xung phong nhận nhiệm vụ khó khăn này. Tối hôm đó chiếc C100 ầm ì tiến sâu vào rừng, ba anh em máy trưởng, máy phó và phụ máy phân công mỗi người một nhiệm vụ. Quá nửa đêm xe đến điểm tập kết, Lưu phân công: 

- Em chịu trách nhiệm về kỹ thuật, anh Bì lo kế hoạch mở đường, anh Lang phụ trách hậu cần nhé !

Anh Hoàng Trọng Bì vốn là cựu binh thời chống Pháp nên rất nhiều kinh nghiệm chiến trường, món chè rừng mà đội trưởng Hoàng Hiếu rất nghiện là do Bì tìm ra. Trong ba anh em, Lưu là nhỏ tuổi nhất nhưng giỏi về kỹ thuật nên được phân công làm máy trưởng. Lang và Bì rất quý cậu em giỏi giang và dũng cảm của mình.

Có lần Lưu bị sốt rét rừng quật ngã, khi lên cơn người nóng như hòn than, nhưng bên trong lạnh thấu xương, nhiều chiến sĩ trong cuộc trường chinh không chết vì bom đạn mà gục ngã trước giống ký sinh trùng quái ác này. Bì cõng Lưu về lán trại, tướng anh cao lêu khêu, khi đi đầu lại chúi về phía trước, trông anh cõng Lưu leo dốc, chị em thanh niên xung phong nghịch ngợm reo lên: "A! Lạc đà leo dốc tụi bây ơi! Thế là từ đó anh có biệt danh là Bì lạc đà.

Lang quê ở Thái Bình, tính tình vui vẻ, sôi nổi hồn nhiên, một câu nói của anh là tạo ra chuỗi cười giòn cho cả đội. Anh khéo tay, lại giỏi cải thiện đời sống cho anh em. Lúc rảnh anh vào rừng kiếm rau, câu cá cải thiện bữa ăn. Những ngày Lưu bị sốt nặng anh mang đến cho Lưu mấy cái bánh giò nóng hổi, Lưu kinh ngạc thắc mắc.

- Ở giữa rừng già anh kiếm đâu ra thứ này vậy?

Lang đùa:

- Có mấy anh em xung phong, thương cậu quá, hóa trang lội bộ ra Đồng Hới mua về đó.

- Sao còn nóng quá vậy anh?

- Thì mấy em giấu trong người! – Lang nghịch ngợm đưa tay vào ngực

Nghe anh Lang nói, Bì chêm vào:

- Mày ăn coi chừng ngọng đó!- Nói xong anh ôm bụng cười rũ rượi.

Lưu ngớ ra mới biết mình bị lừa, đây ra Đồng Hới cả trăm cây số, giặc phong tỏa rất gắt, đi lại rất khó khăn. Lưu giả bộ giận dỗi:

- Các anh lừa em rồi, không nói thật em không ăn đâu. 

Anh Lang ngồi xuống lau mồ hôi cho Lưu rồi nói:

- Anh làm đấy!

- Sao anh có bột làm bánh.

- Thì anh xay.

- Cối đâu mà xay.

Lấy nón sắt làm cối, dùng chốt máy nghiền ra, thôi chú ăn cho mau khỏe rồi ta còn ra trận kẻo "con hùm xám" nó buồn. Biết chuyện này mọi người đặt cho Lang biệt danh là bác phó cối. Cầm miếng bánh Lưu nghẹn ngào nói: "Ước gì sau chiến tranh ba anh em ta còn nguyên vẹn uống với nhau chén trà trong vườn anh nhỉ”. Tiếc thay điều ước của Lưu đã không thành hiện thực. Trong chuyến mở đường sau đó anh Lang bị thương nặng phải chuyển về hậu phương điều trị rồi không biết sự thể ra sao?

Qua bao đêm dài thức trắng, chống chọi với cơn sốt rét rừng đốt cháy cả tim gan, nằm giữa trận địa B52 tàn khốc, ba anh em vẫn bình tĩnh khéo léo điều khiển chiếc C100 lấn từng mét đường. Mặt đường vừa ủi xong lại bị bom cày loang lổ, lại phải san lấp. Hàng đêm ba anh em chỉ uống nước cầm hơi. Buổi sáng tranh thủ ăn một miếng lương khô, rồi cầm lọ thuốc đi tìm chỗ vắng vẻ để trị ghẻ và hắc lào. Gần ngầm Ta Lê ở gần đoạn km 82 trên núi có một hang đá rộng, những lúc nghỉ ngơi Lưu leo lên hang đá rồi cởi quần áo ra xức ghẻ cho dễ chịu. Lưu đã bị một phen hú vía, có một hôm đang nằm hóng mát trong tư thế "cha sinh mẹ đẻ" bỗng có một em thanh niên xung phong xuất hiện. Anh hốt hoảng chụp vội quần che vào người rồi hét tướng lên:

 - Trời, con gái mò lên chi đây?

Cô bé còn trẻ hồn nhiên giải thích:

 -Em đi xem phật sống chứ bộ!

Nói xong cô quay lưng bỏ chạy xuống núi, ném lại phía sau chuỗi cười giòn và câu mắng yêu.

 - Các anh, đồ phải gió!

Trong khi đó Lưu lúng túng mặc vội quần áo, trước những tràng cười như pháo nổ của đồng đội trong hang đá. 

          Sau mới biết cô gái đó tên Thược, là y tá vào lán chữa bệnh cho anh em, thấy cô có vẻ ngây thơ anh Bì nghịch bảo: "Trên núi có ngôi chùa của người Lào có thờ Phật sống, lên mà coi". 

Sau lần gặp dở khóc, dở cười ấy Lưu tình cờ gặp Thược đang đi lạc trong rừng, anh hết sức cảm động khi nhìn thấy gùi rau rừng trên vai Thược đã héo nhưng Thược vẫn cố giữ bên mình. Thược cho biết, cô đi kiếm rau về cải thiện bữa ăn cho thương binh bị lạc trong rừng hai ngày qua, may mà gặp anh. Thấy hai người có vẻ thân nhau hơn. Anh Bì chọc:

- Em Thược thương anh máy trưởng đẹp trai của chúng mình rồi!

Lưu cũng rất quý Thược, cô ấy luôn hy sinh hết mình cho đồng đội, nhưng anh coi Thược như cô em gái. Anh đã có vợ, phẩm chất của người chiến sĩ không cho phép anh có ý tưởng hai lòng với người vợ tần tảo ở miền Bắc.

Thời gian qua thật nhanh, không kể ngày đêm, máu xương đã đổ, con đường cũng hoàn thành như dự kiến.

Ngồi trong khe đá Lưu khẽ rùng mình khi nhớ chuyện cả đại đội thanh niên xung phong lọt vào trận địa B52 và chỉ trong một đêm – trong một đêm hàng trăm con người tan vào bụi không biết trăm năm sau và ngàn năm sau nữa có ai còn nhớ các em không? – Lưu nghĩ vẩn vơ. Những người còn lại phải nén đau thương để bám trận địa thông đường cho xe qua.

-Từ hôm mình vào đây đã gần hai năm rồi, Bì nhỉ?

- Ừ chắc giờ này ngoài nông trường bộ đang “đụng lợn” đón Tết. Tội cho con vợ mày, vớ anh lái xe ủi lại dân tập kết, tưởng "chồng cày vợ cấy" ai dè nó lại xung phong vào mở đường Trường Sơn. Thế có khổ thân không chứ!

Lưu quê gốc Hà Nam, theo cha vào Long Khánh làm cao su rồi tham gia cách mạng tập kết ra Bắc, nên anh em vẫn coi anh như một người con của miền Nam ruột thịt. Dạo ấy anh em miền Nam ra tập kết được coi là con cưng, được đi học, làm việc ở thủ đô. Lưu xung phong vào tuyến lửa nên anh em rất quý. Những tưởng đi hai năm về gặp cha, ai dè…! Ba anh em trầm ngâm, hồi tưởng về quê hương. Máy bay rút lui, bầu trời trong xanh trở lại, giây phút bình yên giữa hai trận bom, không gian yên tĩnh lạ thường. Bỗng dưng Lưu bật cười, Bì hỏi:

- Cậu cười gì thế?

- À! Em nhớ hồi mới tập kết mấy anh căng khẩu hiệu "Hoan hô cán bộ, bộ đội đồng bào miền Nam tập kết muôn năm!" Ai dè thành tiên tri, mười năm rồi các anh nhỉ?

Bì khẽ nói:

- Bác Hồ bảo: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi" thế nào cũng có ngày chúng ta sẽ giải phóng miền Nam.

Chắc chắn như thế. ánh mắt Lưu rực lên niềm tin, anh nhìn về cánh rừng trước mặt. Câu chuyện thời thơ ấu gian khổ, dưới cánh rừng cao su hiện về rõ mồn một, như cuốn phim quay chậm.

Cố AHLĐ Nguyễn Phong Lưu tại nhà riêng ở Long Khánh năm 2008. Ảnh: doanhnhansaigon.vn

Anh hùng lao động Nguyễn Phong Lưu, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, sinh năm 1933, quê quán xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông mất ngày 19/2/2018 (nhằm ngày 4/1 năm Mậu Tuất) hưởng thọ 86 tuổi tại phường Xuân Trung, TX. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Ông được phong anh hùng lao động năm 1972 khi tham gia mở đường Trường Sơn (Ban Xây dựng 67, Bộ Giao thông Vận tải).

***

2. Rừng cao su mùa thay lá, cành cây vươn lên bầu trời đầy ắp ánh trăng, như hàng ngàn đôi tay gầy khẳng khiu của những công nhân cùng khổ, đưa lên kêu trời dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Ông Doanh nhìn cậu con trai đang nằm co quắp trong căn chòi trống huơ, trống hoác, giữa rừng cao su lạnh lẽo. Gió lùa từng đợt tung lá cao su khô xào xạc, ánh trăng rọi qua mái lá loang trên mặt thằng bé. Mấy cái niêu đất chỏng chơ đựng đầy ánh trăng. Ông thấy thương con trai quá đỗi, mới từng tí tuổi đầu mà đã phải vất vả. Ngày còn ở Hà Nam, mẹ mất lúc nó mới bốn tuổi. Sưu cao thuế nặng lại bị bọn cường hào áp bức, cơm không có mà ăn, hàng ngày ông cõng nó trên lưng đi làm thuê làm mướn cho địa chủ. Trời thương thằng bé không sài đẹn gì cả, suốt ngày lê la hết bờ ruộng này đến bờ ruộng khác mà nó cui củi lớn lên. Năm 1937, Pháp về làng mộ công tra vào miền Nam làm cao su, ông đăng kí và cõng con lên đường. Pháp đưa ông về đồn điền Ông Quế, tưởng rằng cuộc đời khá hơn, nhưng ông đã lầm, đời sống của công nhân chẳng khá hơn gì so với những người dân quê ông. Ông đưa tay vuốt mái tóc rễ tre của con trai, thì thầm:

- Ngủ ngoan con nhé, cha phải đi đánh thằng Pháp đây.

Gần đến ngày giành chính quyền, không khí trong các đồn điền sôi sục hẳn lên. Ông Doanh cùng các anh em công nhân đã sẵn sàng đánh Pháp đuổi Nhật. Ông kéo chiếc chiếu đắp lên người thằng bé, rồi cầm cây tầm vông rón rén ra cửa. Lưu nằm yên, nghe lời thì thầm của cha, khi ông đưa tay sờ lên mặt cậu muốn hôn lên bàn tay chai sạn của cha, cậu cắn môi rướm máu. Mấy hôm nay cha đi vắng luôn. Đang vẩn vơ suy nghĩ, bỗng Lưu nhìn thấy bóng người khẽ dở tấm liếp. Cậu bật dậy: .

- Ai đó?

- Dì đây.

- A! Dì Nhớn mà con tưởng ai. 

- Cha con đi rồi phải không?

- Dạ, cha đi rồi.

-Dì mang cho con mấy gói cơm nóng đây, bữa nay không khéo có chuyện lớn đây.

Từ lâu dì Nhớn coi Lưu như con, dì rất quý cha con Lưu. Hai dì cháu ngồi thu lu ngóng ra rừng cao su.

Đoàng... Đo ... àn...g. Một loạt súng nổ vang phía Hàng Gòn. Cả hai cùng bật dậy, dì Nhớn ôm mặt bật khóc:

- Cha con với mấy bác bị phục kích rồi Lưu ơi!

Một lát sau, hai bóng người dìu nhau về phía căn chòi. Dì Nhớn lao ra cửa, Lưu chạy theo. Bác Lê Tri và ông Doanh người đầy máu.

- Cha! - Lưu nức nở.

- Cha không sao đâu!

Ông nắm tay dì Nhớn:

- Nếu tôi có bề gì, nhờ mình lo cho thằng Lưu.

Dì lau nước mắt khẽ gật đầu, Lưu chợt hiểu quan hệ của cha với dì Nhớn. Nhờ sự đùm bọc, chạy chữa của anh em công nhân, cha và bác Tri qua khỏi. Cha gọi Lưu và dì Nhớn đến dặn:

- Sắp đến ngày cướp chính quyền, không thể bận bịu việc thê tử được, tôi nhờ mình đưa thằng Lưu về Phước Thái lánh nạn, Lưu phải nghe lời dì.

Những ngày ở Phước Thái sống bình yên bên dì, dì bán bánh cam, bánh của dì làm rất ngon, nhìn cái vòng tròn vàng ươm với mật đường đặc sánh phủ bên ngoài không ai cầm lòng tiếc vài xu. Bánh cam ngon nên hôm nào dì bán cũng hết sớm, thời gian còn lại dì chăm Lưu và dõi đôi mắt buồn thăm thẳm ngoài ngõ.  Rồi ngày cướp chính quyền cũng đến, xóm làng rộn rịp hẳn lên. Dì Nhớn tham gia hội mẹ chiến sĩ, đi vận động hũ gạo nuôi quân. Lưu xin gia nhập Đội thiếu nhi cứu quốc, chỉ sau hai tuần sinh hoạt, thấy Lưu hoạt bát, lanh lẹ các anh trong ủy ban kháng chiến chọn Lưu làm đội trưởng, hai mẹ con bận tíu tít cả ngày. Năm Lưu được mười bốn tuổi, một buổi chiều mùa hè năm 1947, có người đàn ông cầm thư của cha đến nhà, trong thư cha viết:

"Lưu thương mến! Cha rất nhớ mẹ và con, nhưng nhiệm vụ cách mạng rất cấp bách nên cha không về thăm con được. Nghe tin con và mẹ tham gia hoạt động cha rất mừng. Nay con đã lớn, cha xin cho con tham gia làm công nhân ở xưởng vũ khí của công an Biên Hòa, được đóng góp thiết thực cho cách mạng là điều mà con mong đợi bấy lâu phải không. Hiện nay chúng ta rất cần vũ khí để kháng chiến chống Pháp lâu dài. Chúc con và mẹ luôn khỏe mạnh.

Cha của con

Nguyễn Kinh Doanh

Các bạn trong đội tổ chức liên hoan chia tay Lưu. Dì Nhớn chuẩn bị cho Lưu đủ các thứ cần thiết cho một chuyến đi xa. Đi một đoạn khá xa, dì vẫn còn nhìn theo. . .

Xưởng vũ khí nằm trong rừng, còn thiếu thốn mọi bề, lúc ấy ta chỉ mới đúc được những quả lựu đạn bằng đồng, nhưng không khí rất vui và phấn khởi. Lưu được các anh hướng dẫn tận tình, nên chẳng mấy chốc Lưu đã thành công nhân lành nghề.

Cùng trong năm đó Pháp trở lại Đông Dương, tên chà lai Suacot đem quân về càn quét vùng Đồng Nai. Với chủ trương 3 sạch "Giết sạch, đốt sạch, phá sạch" của chúng, vùng Long Thành chìm trong máu lửa. Đầu năm 1951, dì Nhớn bệnh nặng, cơ quan cho Lưu về phụng dưỡng mẹ. Là mẹ kế nhưng bà đối xử với Lưu chẳng kém gì mẹ ruột, ân tình sâu nặng, cha đi chiến đấu biền biệt, bà biết trông cậy vào ai. Gần hai năm làm rẫy nuôi mẹ, hết lòng thang thuốc nhưng bà cũng không thoát được lưỡi hái tử thần. Người mẹ kế tốt bụng đã trút hơi thở cuối cùng trong tay anh. Lưu gục khóc nức nở, kể từ lúc mẹ ruột mất đến nay cậu mới khóc nhiều như thế. Trong nước mắt, cậu khẽ kêu lên:

- Mẹ. . . mẹ ... ơi!

Tiếng gọi thiêng liêng mà dì Nhớn đã chờ đợi ở người con chồng suốt mấy năm qua.

Ba năm sau, Lưu lên tàu tập kết ra Bắc, lúc ấy cha đang ở trong bưng…

***

3. Bục. .. bục... ầm. . . ầm. . .

Hàng loạt bom nổ rền, mặt đất rùng rùng chuyển động. Đêm cuối tháng, trời tối đen như mực, bỗng rực sáng lên bởi những quầng lửa đỏ. Lưu quay về thực tại, Cự chiến sĩ được điều về phụ lái với anh và Bì thay anh Lang, Cự chồm vào tai Lưu hét lớn:

- Đêm nay, có đoàn xe của ta vào miền Nam, giặc lại đánh lớn, hỏng cả đường.

Lưu mím môi nhìn ra con đường thân yêu mà anh và đồng đội đã tốn bao xương máu đổ ra. Đoàn xe quân ta kịp thời nấp vào vách đá. Loạt bom vừa ngưng, Lưu chồm lên khởi động chiếc C100. Cự chộp Lưu: 

- Lưu, anh làm gì thế?

- Thông đường!- Lưu buông câu ngắn gọn đầy vẻ cương quyết.

- Muốn chết hả?

- Máu chúng ta có thể đổ, nhưng đường không thể tắc! - Lưu nhắc lại câu khẩu hiệu của đội TNXP 25

"Con hùm xám” tên gọi thân thương các đồng đội đặt cho chiếc C100 của anh gầm lên, lao ra đường. Đất đá đổ ngổn ngang, bom nổ chậm đen trũi nằm lổn nhổn khắp nơi. Bất chấp nguy hiểm Lưu điều khiển "con hùm xám” của mình ngoạm từng ben đất ngọt xớt. Sau ba giờ miệt mài, điều khiển xe, mồ hôi ướt đẫm cả người, con đường đã thông. Trong lúc đang quay máy tìm chỗ giấu, bất thần giặc quay trở lại trút xuống loạt bom ngay đội hình thi công, Lưu bỗng thấy mình nhẹ tênh. Bì hét lên:

-Thằng Lưu bị thương rồi!

Những bóng người ùa tới khi loạt bom vừa dứt.

- Đưa Lưu vào hầm cứu thương! - Tiếng ai đó hét lên... mơ hồ. 

- Không! - Lưu tỉnh lại và chồm lên ghì chặt tay lái lao về phía các hố bom giặc vừa đánh, tiếp tục san đường. Khi ben đất cuối cùng gạc xuống, đội nữ thanh niên xung phong C5 do Nguyễn Thị Liệu dẫn đầu, choàng dù trắng đứng làm cọc tiêu đưa đoàn xe qua trọng điểm. Mồ hôi và máu chảy ròng trên mặt, Lưu mỉm cười đưa xe vào vách đá, lúc này anh ngã vật xuống và thiếp đi. Hai giờ sáng, loạt B52 lại ập xuống, khói bom khét lẹt, đất đá ập xuống đầy cửa hầm, trên đồi cây cối cháy đỏ rực. Lưu và Cự lao ra lần thứ ba… và đường một lần nữa đã thông.

Đêm hôm ấy, cuối tháng ba năm 1967 tại trọng điểm K82 phía bắc ngầm Ta Lê, một đêm trong số 1.460 đêm bám trụ tại các trọng điểm mà anh không bao giờ quên. Cả trung đội thanh niên xung phong đã vĩnh viễn nằm lại Trường Sơn trong cái đêm kinh hoàng ấy... 

Mấy tháng trời trên cao điểm Ta Lê ác liệt anh đã vĩnh biệt bao nhiêu đồng chí thân thương cùng vào sinh ra tử. Trước mặt là dãy Trường Sơn hùng vĩ chắn tầm nhìn qua đất bạn Lào. Dưới chân núi, đồng bào dân tộc ở bản Nọng Ma và bản Tà Bôi vẫn sống giữa mưa bom của giặc, để giúp đỡ bộ đội thông đường. Những ngọi núi đá trơ trụi là chứng tích của chất độc hóa học và bom đạn quân thù. Mỗi chiều Lưu thường ra khỏi hang đá để nhìn cặp vợ chồng vượn âu yếm nhau trong khoảng rừng hiếm hoi còn sót lại. Chúng tồn tại như để chứng minh cho sức sống mãnh liệt đầy kiêu hãnh của núi rừng Trường Sơn. Anh đã nhìn thấy chúng tồn tại suốt năm mươi lăm ngày đêm trong hang đá ở ngầm Ta Lê. Một cái hang đá chắc chắn do các bạn thanh niên xung phong tìm ra. Giặc đánh phá ác liệt cả ngày lẫn đêm. Sống trong hang đá mấy tháng liền không có thì giờ cắt tóc cho nhau, trông ai cũng như người rừng. Cấp trên cử các chiến sĩ công binh về hỗ trợ cho tổ máy của Lưu để gỡ bom thông đường. Đội cơ giới của anh vấp phải bom từ trường, nên tiến độ chậm hẳn lại. Bom từ trường là loại bom chuyên phá hỏng cơ giới của ta và phá đường rất ác, khi nổ chúng tạo hố hình phễu rộng đến 6-7m. Được sự hỗ trợ của trên, anh cùng anh em đã gỡ gần trăm quả bom mỗi đêm. Trước đây anh có hề biết gì về bom đạn đâu, nhưng rồi trong chiến tranh anh cũng phải mày mò để vượt qua tất cả. Bởi trước mắt của anh chỉ có mỗi nhiệm vụ duy nhất là thông đường cho xe qua, anh không còn sự lựa chọn nào khác. Đội cơ giới của anh có nhiệm vụ phối hợp cùng C6, D25 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Giặc càng đánh phá, đường ta càng rộng thêm.

***

4. Trời mưa như "cầm chĩnh đổ", những cơn mưa Trường Sơn bao giờ cũng hung dữ, nước ầm ào đổ xuống, bầu trời tối sẫm lại, mờ mịt, hoang dã, cách nhau vài mét là không nhìn rõ mặt. Đêm nay lại nằm trong hang đá, Lưu không nhớ rõ mình đã nằm trong hang đá bao đêm. Cứ mỗi lần nằm trong hang đá những hồi ức lại hiện về. Anh nhớ những ngày thơ ấu, nhớ người vợ hiền tần tảo đang gò lưng trên đồng cà phê và cao su ở nông trường Phủ Quỳ, nhớ cha chiến đấu ở miền Nam, nhớ những đồng đội đã hy sinh trên tuyến đường đã đi qua. Nhưng tất cả những gì anh làm cho tuyến Đường 20 Quyết Thắng này anh lại không nhớ rõ. Sáng nay trong bản tin của ban 67 in ronéo trên giấy đen, được gởi từ hậu phương vào, có bài viết về anh. Những dòng chữ nhòe nước giúp cho anh biết anh cùng chiếc xe C100 đã mở hàng trăm km đường, hàng ngàn khối đất đá, kéo hơn 400 xe bị lầy. Anh cũng không nhớ nổi chiếc C100 đã cùng anh làm việc hơn năm ngàn giờ. Trước lằn ranh của sự sống chết, thời gian trở nên mơ hồ. Những điều anh làm có đáng gì so với sự hy sinh to lớn của đồng đội. Anh quên những điều ấy, nhưng anh nhớ tiếng cười giòn tan của Thược, của Liệu, của những cô gái đã vĩnh viễn nằm xuống ở tuổi hai mươi. Có người khi chết còn cầm trên tay nhánh hoa rừng. Những chiến công trên con đường này thuộc về họ, những cô gái mười bảy, mười tám từ ghế nhà trường, từ đồng ruộng bước thẳng vào chiến trường với trái tim đầy nhiệt huyết. Họ làm đường và giữ đường suốt cuộc chiến tranh. Đường 20 Quyết Thắng được mở ra trong lúc cuộc chiến thống nhất đất nước ngày càng gay go và ác liệt. Con đường đi qua những dãy núi hiểm trở, những cánh rừng trùng điệp, đương đầu với bom đạn ác liệt của kẻ thù. Tuổi hai mươi hừng hực tinh thần yêu nước đã giúp họ qua gian khổ, bệnh tật đói rét, bom đạn để chinh phục những dãy núi đá tai mèo, cắt rách thịt da...

Lưu còn nhớ sau này có một nhà báo yêu cầu anh viết những suy nghĩ của mình về thành tích cá nhân, anh đã gởi lên những dòng tâm sự như tiếng nói chung của đồng đội:

"Tám năm trước đây, tôi được vinh dự cùng đồng đội lái máy đặt lưỡi gạc đầu tiên mở ra nhánh đường trong hệ thống đường Trường Sơn mang tên Bác Hồ vĩ đại. Cùng với sự lớn mạnh của cách mạng, tập thể lái máy gạc chúng tôi càng đông, càng vững. Bom đạn, mưa nắng càng ác liệt, chúng tôi càng quyết tâm, càng thành thạo trong nghề nghiệp. Chúng tôi sung sướng đi trong niềm vui đại thắng của cách mạng, của cả dân tộc. Những con đường vào ra nối liền hậu phương, tiền tuyến thấm máu và mồ hôi của chúng tôi đã góp phần nhỏ bé vào bước đi lên của sự nghiệp cách mạng. Ở ngay công trường, chúng tôi được nhìn thấy đội ngũ trùng điệp của cách mạng và được thấy tầm vóc vĩ đại của nó. Chúng ta tự hào về Đảng ta, người đã tạo ra những chuyện thần kỳ ấy, những chiến công chói lọi ấy.

Hiểu rõ tầm quan trọng của những con đường đối với cách mạng cả nước, chúng tôi càng gắn bó với nhau hơn: càng yêu quí mỗi cỗ máy, từng giọt dầu. Tiến vào thời kỳ mới, những chuyến đường vào ra lại phải đảm nhận những nhiệm vụ nặng nề, to lớn hơn. Xe chúng ta ngược xuôi ngày càng nhiều. Muốn vận chuyển nhanh và an toàn, mặt đường phải mở rộng xây đắp chắc chắn hơn mới có thể bảo đảm thông xe các loại trong mọi hoàn cảnh, mọi thời tiết. Đội ngũ thi công cơ giới chúng tôi trước mắt và sau này vẫn giữ vai trò xung kích, đi đầu trong nhiệm vụ khôi phục, củng cố đường cũ, xây đắp đường mới. Ước mơ của chúng tôi xây được nhiều con đường mới cho Tổ quốc, làm cho đất nước ta, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta luôn luôn mạnh hơn, đẹp hơn. Chúng tôi đang cùng nhau học tập về nghề nghiệp để dùng hết công suất máy, tốn ít nhiên liệu, thành thục trong việc điều khiển thi công, chúng tôi tăng hoạt động cho các cỗ máy trong đơn vị và tăng năng suất đào đắp...

Ngày nối đêm, chúng tôi đang sống và lao động trên những con đường, chính những con đường trước mắt đang nhắc nhở chúng tôi đẩy mạnh tốc độ thi công để tiếp tục phục vụ công việc của đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh trên những tuyến đường vẻ vang này. Chúng tôi nguyện đi tới bất cứ nơi đâu cách mạng cần để làm những con đường mới..."

Những lời chân tình của anh được chọn đăng báo, đồng đội vui mừng vì anh đã nói được tâm nguyện cho họ, để thực hiện ước nguyện ấy sau khi Đường 20 Quyết Thắng hoàn thành, anh đã xung phong ở lại phục vụ chiến trường...

Mưa càng lúc càng nặng, sấm chớp đùng đùng, cây ngã rào rào...

Ầm... ầm... hang đá rung lên bần bật, một tiếng va đập chói tai. Lưu nhoài người ra khỏi hang:

- Chết rồi Bì ơi! Đá trên núi đổ xuống hư chiếc xe của mình rồi.

Trời tạnh mưa, trông chiếc xe mới thảm hại làm sao, tảng đá đập gãy nát nhiều chỗ. Hay tin, các đồng chí trong ban chỉ huy ra lệnh bỏ xe, chỉ tháo lấy máy. Suốt đêm nằm trong lán trại Lưu trăn trở không ngủ được, khi nghĩ đến cảnh xẻ thịt "con hổ xám Trường Sơn - người bạn đường - đã vào sinh ra tử với mình bao ngày đêm. Anh tính toán từng bộ phận rồi đi đến quyết định táo bạo, phải cứu cho bằng được chiếc máy này. Mờ sáng Lưu đến trại của anh Hoàng Hiếu, người chỉ huy đã dậy sớm hơn cả Lưu, anh ngồi xổm trên nền đất bên ấm trà rừng, không ngẩng lên, anh nói:

- Lưu vào đây làm chén chè cho ấm bụng.

Sau khi nhấp ngụm chè rừng đắng nghét, Lưu hắng giọng;

- Thưa anh!...

Hoàng Hiếu ngắt lời;

- Cậu tính xin mình sửa lại chiếc C100 phải không? Mình biết tính cậu mà. Mình cũng không ngủ được vì nó đấy. Bỏ nó cũng tiếc thật, hơn bảy chục ngàn chứ ít đâu, đất nước còn muôn vàn khó khăn, thôi tùy cậu, mình tin cậu. 

Nghe anh Hiếu nói như mở cờ trong bụng, Lưu vội vã băng rừng đi tìm Huân. Lưu nghĩ phải tìm cho bằng được anh thợ hàn này mới cứu được máy. Vượt 8 km đường rừng họ về trong đêm, anh và Huân hăm hở bắt tay vào việc. Một chiếc lán nhỏ che bằng phên nứa được dựng lên giữa trọng điểm. Để tránh địch phát hiện những đốm sáng từ các que hàn, Lưu mượn mấy tấm chăn về quây thành buồng tối. Thấy lạ nhiều chị em thanh niên xung phong đến chơi, họ gọi buồng tối của anh là Quán Phong Lưu.

Suốt bốn ngày đêm không nghỉ ngơi Lưu và Huân đã làm cho "con hùm xám" gầm lên trước sự khâm phục của anh em toàn đội...

Chuyện Lưu cứu máy lan đi rất nhanh, Hoàng Hiếu hết lời khen ngợi. Trong báo cáo gởi về cho cấp trên, Hoàng Hiếu đã nhận xét về anh lính lái xe ủi của mình như sau:

“Lưu luôn giúp đỡ, kèm cặp đồng chí mình cùng tiến bộ, bản thân Lưu đào tạo cho 4 đồng chí thành công nhân lái máy, nhiều lần vào sinh ra tử cứu máy, cứu người. Có lần máy của đồng đội bị hỏng, Nguyễn Phong Lưu đã không quản mệt nhọc, đêm đi làm, ngày băng dưới làn mưa bom 6, 7 km để chữa máy cho bạn. Có lần nước lớn phải lội qua suối tuy không biết bơi, nhưng anh dũng cảm vượt suối 4 lần để vác phụ tùng cứu xe. Là một Đảng viên, đồng chí hết lòng thương yêu đồng đội, luôn nhận khó khăn về mình. Những ngày thi công ở trọng điểm ác liệt, phải làm việc cạnh bom nổ chậm, anh để anh em phụ lái ở lại chỗ an toàn, một mình xông vào trận địa... Có lần trong vòng bom đạn anh vẫn lăn xả mang bằng được xác của các đồng chí mình đã hy sinh...”. Bản nhận xét của người chỉ huy được đăng trên bản tin của ban 67, Lưu luôn giữ bên mình, không phải vì những lời khen ngợi mà vì tình cảm của người chỉ huy mà anh nhất mực kính phục, con người trầm tĩnh rất kiệm lời khen, nhưng hết lòng thương yêu đồng đội. Anh giữ nó như lời động viên giúp anh vượt mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ...

***

5. Từ buổi đầu mở đường đến nay đã hơn bốn năm, rày đây mai đó, với chiếc ba lô con cóc trên vai với hai bộ quần áo bê bết dầu mỡ cùng chiếc C100 chậm chập bò lê từ đầu tuyến tới cuối tuyến, bom đạn quân thù không quật ngã được anh mà hôm nay anh phải nằm co quắp trong hang bởi những cơn ho xé ngực. Sau mỗi cơn ho đến sốt rét hành hạ. Lưu đau đớn nhận ra sức khỏe của mình ngày càng cạn kiệt. Cái chết không làm anh sợ, nhưng một người lính Trường Sơn mà lại gục ngã bởi một căn bệnh thì chẳng hay ho tí nào. Năm 1968 lợi dụng mùa mưa giặc đánh phá các cung đường Trường Sơn. Anh đang nằm giữa cao điểm có địa thế vô cùng hiểm trở, trên là núi cao, sương dày đặc. Máy bay giặc quần đảo liên tục trên bầu trời, dùng đủ loại bom phá đường cỡ lớn đánh tọa độ liên tục. Máy bay hết tốp này đến tốp khác trút bom đạn xuống từ đỉnh núi tới khe suối. Cây cối bị đào xới ngổn ngang, mưa rừng ào ạt, đồi núi sụp lở hàng vạn mét đất đá tràn xuống đường, bùn lầy nhão nhẹt. Người đi bộ không tài nào bước nổi. Mặc cho bom rơi, núi lở, đồng đội của anh đang nhích dần từng xen-ti-mét để thông đường, còn Lưu phải nằm trong hang đá. Suốt bốn năm qua anh chưa thấy mình bất lực như vầy. Còn nhớ mùa mưa năm trước tại cửa chữ A các đồng đội hy sinh vì bom bi của giặc, chính anh đã xông vào trận địa mang xác các đồng đội ra giữa trận địa mịt mù khói lửa. Khi ôm xác của Tuệ, người bạn đất Hoa Lư trong tay, anh tưởng mình không thể chịu đựng được nữa. Cái xác chỉ còn cái đầu, chứng kiến vô vàn cái chết không sao, nhưng cái đầu với đôi mắt mở trừng của người chiến sĩ trẻ cứ ám ảnh Lưu hàng đêm. Tuệ còn trẻ, trẻ nhất đội cơ giới. Những giờ nghỉ, Tuệ luôn kể về cố đô Hoa Lư xinh đẹp... Những giếng ngọc, những thành cổ loa, nàng Mỵ Châu và những cô gái Hoa Lư da trắng tóc dài do tắm nước giếng ngọc trở nên lung linh giữa cằn cỗi của cuộc chiến giúp cho Lưu và đồng đội yêu thương đất nước hùng vĩ, xinh đẹp và huyền thoại này biết. Đêm trước hy sinh, Tuệ nằm trong hang đá đưa hình người yêu chụp bên đền thờ An Dương Vương ra khoe và thủ thỉ: "Này anh Lưu, người yêu em thích ăn trái cây lắm, mai mốt hòa bình anh về miền Nam lập vườn, cưới nhau xong bọn em vào nhà anh ăn trái cây cho đã”. Vậy mà nó đã vĩnh viễn mang vào lòng đất Trường Sơn những ước mơ tuổi thanh xuân. Nhớ sự hy sinh anh dũng của đồng đội, Lưu chợt nhận ra rằng mình không thể chết. Anh cần phải sống để tiếp tục cuộc chiến đấu. Lưu cảm thấy sức sống mãnh liệt cuồn cuộn trong người, anh chồm dậy, lảo đảo đi ra cửa hang...

Lưu mở mắt nhìn thấy xung quanh anh những bóng áo màu xanh của chị em thanh niên xung phong, cô Sỹ nhìn vào mặt anh và reo lên:

- Anh Lưu tỉnh rồi, anh mò đi đâu vậy. May mà em bắt gặp anh ngoài rừng trước lúc bọn Mỹ thả bom. Lưu mỉm cười và nắm tay Sỹ:

- Cám ơn em đã cứu anh, hãy chữa bệnh cho anh, anh sẽ hết ngay mà. Em chích thẳng vào phổi anh, anh không chết vì bom đạn, lẽ nào anh lại chịu thua con vi trùng bé nhỏ này. Hãy chích đi! – Anh nhìn thẳng vào mắt cô y tá nói như ra lệnh. Như bị Lưu thôi miên Sỹ chích thật, sau khi cô ấy rút mũi kim ra anh bỗng thấy trời đất quay cuồng, sau này anh kể cho nhiều người nghe không ai tin vì sao anh có thể sống được bởi kiểu chữa bệnh vô tiền khoáng hậu ấy.

Những ngày Trường Sơn, Lưu luôn đối diện với cái chết không hiểu sao anh luôn thoát khỏi bàn tay tử thần trong đường tơ kẽ tóc. Còn nhớ có lần Lưu vào rừng bắt cua, bắt cá để cải thiện anh chỉ mang theo có mỗi lưỡi lê. Đang bì bõm dưới suối bỗng nghe mùi tanh lợm giọng, ngẩng đầu lên anh thấy con hổ to bằng con bò đang quắc mắt nhìn anh. Không còn cách nào khác, Lưu chĩa lưỡi lê lên trời thủ thế. May sao lúc ấy có con càng tôm to bằng bắp chân chạy ngang qua, con cọp gầm lên ngoạn vào cổ con càng tôm rồi phóng đi lên tới sườn đồi nó còn quay lại nhìn anh bằng đôi mắt ngạo nghễ của chúa tể sơn lâm. Lần đầu tiên anh thấy thế nào là “lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng” của con hổ trong một bài thơ mà Tuệ từng đọc cho anh nghe, anh cũng không nhớ ai là tác giả.

Sau cơn bệnh thừa sống thiếu chết ấy, Lưu xung phong lên mở đường qua đèo Yên Ngựa, đây là đoạn đường khó, đỉnh núi cao hơn ngàn mét so với mặt nước biển. Bên vách núi cheo leo là vực thẳm sâu hàng trăm mét. Chỉ huy có vẻ ngần ngại lo cho sức khỏe của Lưu, nhưng anh quyết tâm quá nên cuối cùng để anh lái máy vào cao điểm. Trong đội cơ giới đến thời điểm năm bảy mươi chỉ còn tổ lái của anh là dày dạn kinh nghiệm nhất. Lưu vào cao điểm mới trong những ngày đại quân ta tiến vào giải phóng miền Nam...

***

Tôi (người viết bài này), quen biết gia đình ông đã lâu, khi cô con gái út của ông còn mang khăn quàng đỏ, lúc ấy tôi là phụ trách đội của em và tôi dạy cho em bài hát “Đường Trường Sơn năm xưa cha ông ta đã đi qua, bao núi cao đèo sâu, bom đạn phá”. Bây giờ em đã là cô giáo, tôi không ngờ cha em - ông già nhỏ thó lọt thỏm giữa ồn ào phố thị, hàng ngày cọc cạch đạp xe đi làm rẫy kia đã từng là một anh hùng. Mãi hôm lễ khởi công xây dựng đường Trường Sơn cô gái mới đưa tôi xem mẩu tin đăng tin trên tờ Quân Đội nhân dân số ra ngày 22 tháng 5 năm 1972: "công nhân quân giới Nguyễn Phong Lưu 8 năm lái máy, 5 lần bị thương vẫn bám ở đường. Mấy ngày đêm liên tục phục vụ ở trọng điểm ác liệt”. Em cũng cho tôi coi tờ báo khác đăng toàn văn lệnh của chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký ngày 7 tháng 6 năm 1972 phong tặng danh hiệu anh Hùng Lao Động cho Nguyễn Phong Lưu 37 tuổi công nhân lái máy gạc đường Quyết Thắng, đội thanh niên xung phong, ban xây dựng 67.

Những bài báo ố vàng ông trao lại cho cô con gái cất giữ cẩn thận với tấm lòng trân trọng và tự hào về người cha mình. Trong ngôi nhà đơn sơ, giữa khu vườn yên tĩnh, cạnh đền thờ Đức Thánh Trần trên đường Nguyễn Văn Bé thị trấn Xuân Lộc, huyện Long Khánh cô đã cho tôi xem tập nhật ký của ông. Từ văn bản với những dòng chữ khó đọc, từ những mảnh báo ố vàng mà cô giáo Nguyễn Thị Thu Nga, con gái của ông trao cho tôi, tôi đã dựng nên truyện ký này. Chắc chắn một con người như tôi, thế hệ trưởng thành khi những biến cố chiến tranh đã trở thành huyền thoại, khó có thể diễn tả hết được những gian lao mất mát và cả cái được mà thế hệ cha ông đã trải qua. Tôi viết những dòng này bằng tấm lòng ngưỡng mộ của kẻ hậu sinh đối với lớp cha anh và tôi cũng ước vọng hình ảnh của ông ghi lại như một vết son chói lọi trong lịch sử ngành giao thông nước nhà.

*Chú thích: Khi báo Giao thông trao giải nhì cho bút ký này tôi về thăm lại thì ông đã qua đời, tôi đã đốt tờ giấy khen của báo bên mộ ông tại nghĩa trang Long Khánh.

N.M

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất