, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 11/05/2022, 17:00

Ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga - Ukraine: Kinh tế Sri Lanka suy sụp, châu Phi thiếu lương thực trầm trọng

LÊ KIÊN
Xung đột vũ trang Nga - Ukraine đang làm gia tăng chi phí nhiên liệu, dầu ăn và thực phẩm trên toàn thế giới, làm gián đoạn hoạt động thương mại và đứt gãy chuỗi cung ứng... Khủng hoảng mì ăn liền ở Indonesia, chè ế ẩm và chất thành đống ở Sri Lanka hay tình trạng thiếu lương thực trầm trọng ở nhiều nước châu Phi là những hệ lụy nhãn tiền từ cuộc chiến này.
Người trồng chè ở Sri Lanka lo lắng về việc xuất khẩu chè của nước này gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Bloomberg.

Chè Sri Lanka ế ẩm

Ông Palitha Kohona - Đại sứ Sri Lanka tại Bắc Kinh (Trung Quốc) - cho biết, Nga là thị trường tiêu thụ chè lớn thứ ba của Sri Lanka sau Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Từ khi nổ ra cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina, xuất khẩu chè của Sri Lanka gặp nhiều khó khăn. “Ngay cả khi bán được hàng, chúng tôi cũng không thể nhận được tiền bởi Nga hiện không còn thuộc hệ thống thanh toán SWIFT nữa”, ông Palitha Kohona nói.

Bảy ngân hàng của Nga, bao gồm ngân hàng lớn thứ hai của nước này là VTB, đã bị chặn khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Đây được xem là một phần trong các đòn trừng phạt mà Mỹ và EU đánh vào Nga nhằm gây sức ép để Moscow phải sớm chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.

Ông Palitha Kohona cho biết thêm, sự tắc nghẽn về giao dịch thương mại đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng dự trữ ngoại hối của Sri Lanka. Theo số liệu chính thức, năm ngoái, Sri Lanka xuất khẩu 287.000 tấn chè, trị giá khoảng 1,3 tỷ USD. Hơn 10% trong số này được xuất sang Nga. Trong tháng 1, Nga đã mua của Sri Lanka khối lượng chè lên tới 2.500 tấn và trở thành đối tác mua hàng lớn thứ hai trong tháng đó. Giờ đây, việc xuất khẩu chè sang Nga gián đoạn khiến nguồn thu từ xuất khẩu chè của Sri Lanka bị tổn thất nghiêm trọng.

Khủng hoảng mì ăn liền chưa từng có ở Indonesia

Nếu Nga là đối tác nhập khẩu chè lớn thứ ba của Sri Lanka thì Indonesia lại là đối tác nhập khẩu lúa mì lớn nhất của Ukraine. Do ảnh hưởng của cuộc chiến, Indonesia đang đối mặt với khủng hoảng mì ăn liền do nguyên liệu cho sản xuất sản phẩm này đang cạn kiệt. Thương hiệu mì ăn liền của Indonesia thường xuyên góp mặt trong danh sách top 10 sản phẩm hàng đầu trên thế giới, được bán ở khoảng 100 quốc gia, với hơn 15 tỷ gói được sản xuất mỗi năm. Theo một nghiên cứu từ Ghana năm 2020, mì ăn liền thương hiệu Indomie của Indonesia rất phổ biến ở châu Phi.

Indonesia đang gặp khủng hoảng về nguồn cung nguyên liệu đầu vào để sản xuất mì ăn liền. Thương hiệu mì ăn liền Indomie của Indonesia khá nổi tiếng trên nhiều quốc gia. Ảnh: Splendid Global

Nga và Ukraine là hai quốc gia chiếm hơn 1/4 sản lượng lúa mì thế giới. Các nước phụ thuộc vào nguồn lúa mì từ hai nước này đang bị ảnh hưởng nặng nề. Nguồn cung khan hiếm đẩy giá thành lên cao là những vấn đề nghiêm trọng mà các nước đang phải loay hoay tìm cách giải quyết, trong đó có Indonesia.

Khủng hoảng lượng thực nghiêm trọng ở Châu Phi

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), châu Phi đang rơi vào tình trạng khủng hoảng lương thực ở mức nghiêm trọng nhất lịch sử. Có ít nhất 14 quốc gia nhập khẩu một nửa hoặc nhiều hơn một nửa lượng lúa mì từ Nga và Ukraine. Hạn hán kéo dài cùng với chuỗi cung ứng bị gián đoạn do cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đẩy giá lương thực lên cao chưa từng có tại nhiều quốc gia châu Phi. Trong một cảnh báo mới nhất từ Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC), khoảng 346 triệu người từ vùng Mauritania ở phía Tây đến vùng Sừng châu Phi ở phía Đông châu Phi đang trong tình trạng thiếu đói ở mức báo động.

Theo Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế, Sừng châu Phi có thể là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên lục địa này. 14 triệu người ở Ethiopia, Kenya và Somalia bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp tính đã tăng lên đáng kể, ảnh hưởng đến 5,5 triệu trẻ em.

Phụ nữ và trẻ em trở về nhà sau một ngày làm việc trên cánh đồng ở làng Agatu, ngoại ô Bang Benue ở trung tâm phía Bắc Nigeria. Ảnh: AP/Chinedu Asadu.

Ở Đông Nam Phi, Zimbabwe cũng đã cảm nhận được sức ép của cuộc chiến ở Ukraine với lạm phát đang vượt quá tầm kiểm soát tại một quốc gia vốn đang phải vật lộn với nạn đói nghèo lan rộng.

Ngân hàng trung ương Zimbabwe đã tăng lãi suất cho vay từ 60% lên mức kỷ lục 80%, đây là mức cao nhất trên thế giới được ghi nhận, trong một nỗ lực để kiềm chế lạm phát. Giá dầu, khí đốt và phân bón tăng chắc chắn có tác động tiêu cực đến chi phí sản xuất và gây mất ổn định thị trường ngoại hối.

Ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch

Các điểm du lịch Sri Lanka - vốn đang hy vọng phục hồi trở lại sau các hạn chế quốc tế do đại dịch Covid-19 gây ra - lại rơi vào tình trạng tồi tệ. Du khách từ Nga và Ukraine lần lượt xếp vị trí thứ nhất và thứ ba trong tổng số khách du lịch của quốc gia này. Với cuộc chiến hiện nay, du lịch Sri Lanka tiếp tục chìm trong tuyệt vọng.

Ở Thái Lan - quốc gia chỉ mới áp dụng miễn kiểm dịch cho những du khách đã tiêm vắc-xin - du khách Nga thường chiếm số lượng lớn nhưng hiện nay, lượng du khách này rất ít và thậm chí, nếu khách Nga có thể rời khỏi đất nước thì họ cũng không thể chi trả cho các chuyến du lịch của mình. Đồng rúp bị mất giá lớn, nhiều trung tâm đổi tiền ở Thái Lan không còn chấp nhận đồng rúp. Các cổng thanh toán như Mastercard hay Visa ở Nga cũng đã bị đóng.

Cuộc khủng hoảng chính trị Nga - Ukraine không chỉ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng lương thực mà còn tác động đến ngành du lịch của nhiều nước. Ảnh: Sri Lanka Tourism.

Nhiều người còn đang lo ngại cuộc chiến Nga - Ukraine có thể làm nản lòng cả những du khách từ các khu vực khác của châu Âu. Nhiều hãng hàng không châu Âu đã hủy chuyến hoặc bỏ đường bay đến châu Á để tránh đi qua không phận của Nga và Ukraine. Đây là một tổn thất lớn cho du lịch ở châu Á vì du khách châu Âu thường có mức chi tiêu nhiều hơn so với khách châu Á. 

Ông Paul Pruangkarn - Chánh văn phòng Hiệp hội Du lịch Châu Á Thái Bình Dương - cho biết niềm tin của người tiêu dùng có thể bị tác động mạnh nếu lạm phát vẫn tiếp diễn và giá nhiên liệu tiếp tục tăng, điều này có thể khiến giá vé máy bay tăng cao hơn. “Một hoạt động xa xỉ như đi du lịch chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng khi tiền tiết kiệm cho việc đi lại của mọi người bị tiêu hao. Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và giá dầu tăng sẽ ảnh hưởng đến ví tiền của mọi người”, ông Paul Pruangkarn nói.

“Nếu họ phải chi tiêu nhiều tiền hơn cho việc mua sắm các vật dụng cần thiết như thực phẩm và quần áo, họ sẽ còn rất ít tiền tiết kiệm để có thể thực hiện những chuyến đi cùng gia đình mà họ mong muốn”, ông Paul Pruangkarn nhấn mạnh.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất