, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 12/02/2021, 09:30

Ánh lửa đêm giao thừa

PHÚ LI

Dường như để đón chào năm mới, người ta luôn muốn làm một điều gì đó đặc biệt hoặc ngồ ngộ một chút. Tìm hiểu về một vài phong tục đón năm mới trên thế giới, sẽ thấy rằng có nơi người ta đập bể những chiếc đĩa, nơi khác thì ném những món đồ cũ không dùng nữa qua cửa sổ, nơi thì sẽ ăn 12 quả nho, nơi thì ăn 7 bữa trong ngày đầu năm mới, nơi sẽ đứng trên ghế và nhảy xuống...

Chẳng rõ từ khi nào, nhiều nhà vùng tôi ở có thói quen đón năm mới âm lịch bằng một đống lửa đốt lên nơi đầu ngõ. Kể từ khi việc đốt pháo bị cấm, hẳn không ít người có cảm giác thiêu thiếu vào đêm giao thừa. Có lẽ vì vậy mà ai đó đã biến tấu, thay vì đốt pháo thì… đốt lửa.

Ánh lửa bập bùng như reo vui, như nhảy múa, thật sự có thể làm con người ta thấy thích thú. Ban đầu, chỉ vài ba nhà làm việc ấy, nhưng dần dà, ngày càng có nhiều người hưởng ứng. Ánh lửa đêm giao thừa dường như đem đến không chỉ sự thích thú cho đám trẻ con mà còn có thể thay thế phần nào cho tiếng pháo, vốn vẫn là hoài niệm của các thế hệ 7x trở về trước.

Vào 30 Tết, nếu như những người phụ nữ trong gia đình loay hoay bày mâm ngũ quả hoặc gói bánh chưng, bánh tét thì cánh đàn ông, con trai sẽ lo phần kiếm củi. Ở quê tôi, lại là vùng chuyên trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như điều, cao su, cà phê… củi rất thừa mứa. Chỉ cần ra vườn gom trong chốc lát là tha hồ vừa có để nấu bánh, vừa chất riêng được một đống nơi đầu ngõ chờ đón giao thừa. Bên cạnh củi khô, một số người còn chất kèm vào một số ống lồ ô hay tre tươi còn nguyên mắt ở hai đầu, khi cháy, chúng sẽ tạo ra những tiếng nổ lụp bụp nghe rất vui tai.

Đám trẻ con cũng rộn rã nhất trong ngày này. Chúng hết hóng nơi gói bánh thì vù chạy ra nơi đầu ngõ xem người lớn chất củi. Và rồi, hầu như đứa nào cũng ngó nghiêng sang hàng xóm và mè nheo người lớn phải chất thêm củi, sao cho đống củi nhà mình phải to hơn để cháy được lâu hơn. Đến tối, chẳng thể thức đến tận giao thừa như người lớn, nhưng trước khi đi ngủ, đứa nào cũng dặn đi dặn lại phải gọi chúng dậy khi đốt lửa. Cha mẹ nào thấy con ngủ say mà không nỡ gọi, thể nào sáng hôm sau chúng cũng dỗi và lu loa khóc bất kể kiêng cữ đầu năm.

Khi trên truyền hình vang lên lời chúc Tết của Chủ tịch nước và mâm cúng giao thừa bày ra trước sân, cũng là lúc đống củi chất ngoài ngõ được mồi lửa. Trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, những ngọn lửa như cũng hân hoan cùng niềm vui hồn nhiên đầy thích thú của đám trẻ mỗi khi nghe tiếng nổ lụp bụp của những ống tre hay lồ ô bị đốt nóng. Hơi ấm từ đầu ngõ như lan tỏa vào sân, vào nhà, vào tận trong lòng của mọi thành viên trong gia đình. Trong khoảnh khắc ấy, mỗi người như cũng được thắp lên niềm tin rằng, những gì không may mắn của năm cũ sẽ bị đốt sạch theo ngọn lửa, một năm mới đang đến, an khang và thịnh vượng.

Lửa, vốn dĩ có một vai trò hết sức quan trọng trong sự tiến hóa của nhân loại, cũng như trong đời sống hàng ngày. Thế nên, hiện còn không ít tộc người trên thế giới vẫn rất tôn sùng thần lửa. Những ngọn lửa đêm giao thừa nơi tôi ở tuy không dính dáng gì đến đức tin, tuy nhiên, nó đang dần trở thành một hoạt động khó thể thiếu trong ngày cuối năm.

Đốt lửa tống tiễn những không may trong năm vào đêm giao thừa, liệu có khi nào nó sẽ được nhìn nhận như một nét văn hóa riêng biệt của làng quê?

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất