
Chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Đăng Mạnh (sinh năm 1984), trú tại xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh để tìm hiểu về mô hình trồng dưa lưới năng suất cao mà người dân các vùng lân cận không ngừng khen ngợi.
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề trồng dưa, anh Nguyễn Đăng Mạnh kể: Năm 2003, anh vào miền Nam lập nghiệp, làm thuê đủ các nghề để mưu sinh, cuộc sống lao động vất vả nhưng vẫn không dư được đồng dư. Sau hơn 3 năm, anh quyết định quay về quê hương để lập gia đình và gầy dựng lại công việc. Những ngày đầu mới trở về vùng đất khô cằn sỏi đá Thạch Hạ, anh Mạnh bắt đầu khởi nghiệp với công việc là một thợ cơ khí. Công việc này của anh tuy thu nhập không quá cao nhưng cũng ở mức khá, đủ để trang trải cho cuộc sống gia đình.

Trải qua nhiều năm làm công việc thợ cơ khí, đến năm 2020 trong một lần nhận lắp ráp hệ thống nhà màng cho một số hộ dân trồng dưa, anh Mạnh nhận thấy mô hình trồng dưa khá hiệu quả và tiềm năng trên vùng đất bạc màu cằn cỗi vốn dĩ trước đó rất khó để trồng các loại cây khác. Nhen nhóm ý tưởng về một mô hình trồng dưa lưới, anh Mạnh đã bỏ công tìm tòi, nghiên cứu các mô hình trồng dưa của nhiều địa phương khác nhau thông qua các kênh thông tin như báo đài, truyền hình, internet, các hội nhóm nông dân, hay thậm chí là từ những hộ gia đình trồng dưa mà anh đã từng lắp ráp hệ thống nhà màng cho họ.
Đầu năm 2021, anh đầu tư lắp ráp 3.000m2 nhà màng, trồng thử nghiệm 9.000 gốc dưa lưới giống TL3. Sau 3 tháng chăm bón cẩn thận, vườn dưa lưới của anh Mạnh phát triển đồng đều và cho kết quả tốt. Anh Mạnh chia sẻ: sản lượng thu được lúc đó khoảng 18 tấn, bình quân mỗi 1kg thương lái thu mua tại thời điểm đó là 30.000 đồng. Như vậy, với lứa dưa lưới trồng thử nghiệm đầu tiên, anh Nguyễn Đăng Mạnh đã thu về gần 600 triệu đồng.

Sau thành công của lứa dưa đầu tiên, anh Mạnh đã tính xa hơn về việc sẽ phát triển một mô hình trồng dưa bền vững trên quy mô lớn. Tháng 4/2021, anh Nguyễn Đăng Mạnh quyết định thành lập “Hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả và dịch vụ tổng hợp Thạch Hạ” để “chuyên nghiệp hóa” nghề trồng rau dưa kết hợp. Ngoài ra, tận dụng nguồn đất đai bị hoang hóa, bạc màu mà nông dân vùng lân cận không canh tác, anh Mạnh đã thuê lại 20.000m2 để cải tạo thành các trang trại canh tác dưa. Anh cho biết, giá thuê đất là 01 triệu đồng/01 sào (1 sào ở Trung bộ = 500m2 - pv).
Chia sẻ với PV, anh Mạnh cười nói: “Khi biết tui sắp thuê đất hoang làm dưa lưới, hầu hết ai cũng nói đầu óc tui có vấn đề và khuyên tui nên cân nhắc lại. Nhưng tui đã suy nghĩ kỹ rồi nên vẫn quyết định làm. Tui động viên gia đình và vay mượn thêm gần 4 tỷ đồng để đầu tư thêm hơn 7.000m2 nhà màng, lắp thêm hệ thống tưới nước tự động, bón phân tự động, giám sát và chăm sóc cây thông qua điện thoại thông minh.”

Được biết, hiện tại anh Mạnh đang áp dụng trồng song song hai giống dưa lưới bao gồm giống dưa lưới TL3 với hơn 8.000m2 và dưa lê vàng Hàn Quốc với hơn 2.000m2. Ước tính bình quân mỗi năm, trang trại của anh đạt năng suất hơn khoảng 110 tấn dưa, nếu tính sơ bộ với giá thu mua sỉ hiện tại của thương lái giao động từ 35.000 - 40.000 đồng/1kg, anh Nguyễn Đăng Mạnh có thể thu về từ 3.8 tỷ - 4.4 tỷ đồng/năm.
Cũng theo anh Mạnh, giống dưa lưới TL3 và giống dưa lê vàng Hàn Quốc là những loại giống dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng đất ở khu vực cát gió miền Trung, ít sâu bệnh lại cho năng suất cao, trung bình mỗi cây có thể cho ra 6 đến 7 quả.

Ngoài ra, anh Mạnh còn áp dụng khoa học kỹ thuật vào công tác trồng dưa thông qua hệ thống kiểm soát trên điện thoại di động thông minh. Cụ thể, anh đã đầu tư hệ thống tưới nước phun sương tự động, hệ thống bón phân tự động, theo dõi độ ẩm của đất và sự phát triển của cây thông qua điện thoại. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác giúp anh tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức chăm sóc.

Anh Mạnh chia sẻ thêm, thời gian tới anh sẽ áp dụng hoạt động theo mô hình liên kết giữa người nông dân và hợp tác xã. Hợp tác xã Thạch Hạ có trách nhiệm chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Chương trình này của anh Mạnh không chỉ áp dụng tại thành phố Hà Tĩnh mà sẽ được phổ biến rộng rãi ra các vùng lân cận.