, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 14/08/2022, 07:30

Áp dụng công nghệ sinh học, nông dân trồng khoai mì tăng 400% thu nhập

NGỌC KHANH
(Theo Weforum)
Một công ty start-up đã áp dụng công nghệ sinh học vào việc bảo quản khoai mì sau khi thu hoạch, không chỉ giúp cải thiện cuộc sống của những người nông dân tại phía tây châu Phi mà còn tạo ra sản phẩm bột khoai mì thay thế cho bột mì.

Giải pháp cân bằng quyền lợi cho người nông dân và công ty sản xuất

Từ khi được những thương gia Bồ Đào Nha giới thiệu vào thế kỷ 16, ngô và khoai mì đã thay thế các cây trồng truyền thống ở châu Phi, trở thành giống cây trồng quan trọng nhất tại lục địa này. 

Vì chịu được thời tiết khắc nghiệt, có giá trị dinh dưỡng cao, hương vị ngọt nhẹ, củ khoai mì không chỉ trở thành một loại lương thực chính ở nhiều quốc gia trên thế giới mà còn là nguồn thu chính của những người nông dân ở khu vực Đông Nam Á và phía tây châu Phi. 

Khoai mì là loại cây trồng chính ở khu vực phía tây châu Phi. Ảnh: Istock Photo

Tuy nhiên những hộ nông dân trồng khoai mì này không thể nhân rộng mô hình hay tăng sản lượng do thời hạn sử dụng sau khi thu hoạch của loại củ này rất ngắn, chỉ từ 2-3 ngày. Chính vì điều này, diện tích canh tác khoai mì phụ thuộc vào sức mua tại các chợ nông sản, đồng thời giá thành cũng bị hạ vì khách hàng biết không thể bảo quản khoai mì lâu. 

Nhận thấy vấn đề, CassVita – một công ty start-up đã áp dụng công nghệ sinh học để kéo dài “hạn sử dụng” của khoai mì sau khi thu hoạch lên đến 18 tháng. Giải pháp này đem đến hy vọng thay đổi sinh kế cho người nông dân nghèo, đặc biệt là người trồng khoai mì tại các vùng nông thôn chỉ có thu nhập từ trồng trọt, khả năng giúp họ tăng 400% thu nhập so với hiện tại. 

Hiện tại công ty đã có chiến lược và quy trình đầu vào, đầu ra rõ ràng. Sau khi thu mua từ nhà vườn, khoai mì sẽ được đưa đi chế biến tại cơ sở sản xuất của công ty tại Cameroon. Sản phẩm cuối là bột mì bán cho người dân Cameroon và người châu Phi nhập cư tại Mỹ. 

CassVita sử dụng công nghệ sinh học để kéo dài thời gian bảo quản khoai mì lên đến 18 tháng. Ảnh: Unsplash

Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành CassVita - Pelkins Ajanoh cho biết công ty đang phát triển sản phẩm mới: một loại bột làm từ khoai mì có thể thay thế trực tiếp cho lúa mì. Sản phẩm thay thế này sẽ giúp công ty mở rộng thị trường sang thực phẩm tốt cho sức khỏe, được đánh giá là thị trường triệu đô và ngày càng phát triển. 

Theo ông Ajanoh mục tiêu của CassVita là tận dụng công nghệ độc quyền để tạo ra một sản phẩm thay thế lành mạnh và ngon hơn lúa mì, đồng thời mang đến sự thịnh vượng cho những người nông dân địa phương, cân bằng giữa quyền lợi cho nông dân và thị trường triệu đô cho công ty. 

Khát vọng giúp đỡ cộng đồng 

Ajanoh lớn lên trong một gia đình 6 người tại Cameroon. Sau khi cha qua đời vào năm anh 13 tuổi, mẹ Ajanoh phải sang Mỹ làm việc chu cấp cho gia đình, Ajanoh chuyển đến sống cùng bà ngoại. Cũng trong thời gian này, Ajanoh chứng kiến bà hàng ngày vất vả trồng khoai mì nhưng thu nhập thì không khi nào ổn định, lại phải luôn xoay sở tiền thuốc men.

Với thành tích học tập xuất sắc tại Cameroon, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Ajanoh có cơ hội đến Mỹ và theo học tại MIT, làm quen với những sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới và cũng chính nơi này đã hun đúc mong muốn kinh doanh của anh. 

Trong lúc hoàn thành kỳ thực tập cho năm học cuối, Ajanoh đã có thể chế tạo cũng như được cấp bằng sáng chế cho công nghệ tự lái tại General Motors. Thành công này đã giúp anh có được sự tự tin và mong muốn làm điều giá trị cho thế giới bắt đầu bằng việc giải quyết những khó khăn cho những người nông dân trong chính cộng đồng của mình. 

Các thành viên CassVita. Ảnh: CassVita

Hiện nay CassVita hợp tác với các ngân hàng phát triển, giúp nông dân vay vốn để mua khoai mì giống về trồng. Ajanoh cho biết công ty quyết định đầu tư vào thức ăn dạng bột để khởi đầu là vì người Tây Phi quen với thức ăn kiểu vậy, sẽ không phải đổ nhiều chi phí cho quảng cáo. 

Sản phẩm bột khoai mì đang được nghiên cứu sẽ nhắm vào các khách hàng muốn có lựa chọn lành mạnh hơn thay thế bột mì khi làm bánh ngọt và các loại bánh nướng. Khoai mì dù có vị ngọt nhẹ nhưng lại không chứa gluten, không chứa ngũ cốc dạng hạt, lại có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, giảm chất béo và mang lại những lợi ích tốt cho sức khỏe. 

Ajannoh cho biết phần lớn người trồng khoai mì là phụ nữ. Trên thực tế, trong số 500 nông dân đang hợp tác cùng CassVita có đến 95% là phụ nữ. Những khó khăn trong ngành trồng trọt này đã góp phần gây ra bất bình đẳng giới trong cộng đồng. Từ ảnh hưởng của việc được bà và mẹ nuôi lớn mà Ajanoh luôn cảm thấy tự hào vì những cơ hội, thuận lợi mà anh đã tạo ra cho những người phụ nữ nông dân tại đây. Đã có người sau khi cải thiện được đời sống giờ đây đã có thể cho con mình đi học.

Sáng kiến công nghệ sinh học giúp kéo dài thời gian bảo quản khoai mì có thể còn xuất hiện đúng lúc, khi cuộc chiến ở Ukraine đang làm hạn chế lượng xuất khẩu lúa mì và ngũ cốc, làm tăng giá và làm tình trạng mất an ninh lương thực ở nhiều nơi leo thang. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất