, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 01/11/2021, 11:36

ASEAN đẩy mạnh hợp tác, tăng cường đối thoại, đảm bảo hoà bình

NGỌC VÂN
(laodong.vn)
Ngày 28.10, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 và các Hội nghị Cấp cao ASEAN với các Đối tác diễn ra theo hình thức trực tuyến từ ngày 26.10 đã kết thúc với những kết quả thiết thực. Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự loạt sự kiện dày đặc này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 18 theo hình thức trực tuyến, ngày 28.10. Ảnh: TTXVN

Hợp tác để phục hồi hậu đại dịch COVID-19

Các hội nghị diễn ra trong bối cảnh 2021 là một năm đầy thách thức trên nhiều phương diện, cả sự lây lan của đại dịch COVID-19, biến động chính trị lẫn tình hình khu vực. Do vậy, chương trình nghị sự của các hội nghị tập trung vào nỗ lực chung để phục hồi thời hậu đại dịch COVID-19... Lãnh đạo các nước ASEAN nhất trí, giải pháp cấp bách hiện nay là cần nỗ lực triển khai tiêm chủng toàn dân, tăng cường hệ thống y tế công cộng, đẩy mạnh phục hồi kinh tế. Đồng thời, ASEAN cần tiếp tục nâng cao năng lực tự cường, tự chủ vaccine, đảm bảo sự tiếp cận đầy đủ và đồng đều cho người dân.

Tham dự các hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất ASEAN cần có cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ, linh hoạt về kiểm soát đại dịch COVID-19 với sự tham gia của “cả Cộng đồng”, hướng đến người dân, doanh nghiệp là trung tâm và chủ thể, tích cực tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh trên tinh thần “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”. Thủ tướng đề nghị ASEAN cần định vị chỗ đứng mới trong tương quan các mối quan hệ kinh tế-chính trị đang tái định hình của thế giới, củng cố vai trò là hạt nhân của các tiến trình đối thoại, hợp tác và liên kết kinh tế đa phương, đa tầng nấc ở khu vực.

Đẩy mạnh quan hệ ASEAN và các đối tác

Bên lề các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39, ASEAN đã tổ chức các Hội nghị Cấp cao ASEAN với các nước đối tác, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, Mỹ, Nga... 

Lãnh đạo các nước nhất trí cần đẩy mạnh hợp tác đa phương, khu vực và quốc tế trong giải quyết các thách thức nổi lên; ứng phó hiệu quả COVID-19; duy trì, thúc đẩy liên kết kinh tế, trao đổi thương mại, đầu tư...

Đáng chú ý, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 16 đã ra tuyên bố về phục hồi bền vững, trong đó cam kết chống các tác động của đại dịch COVID-19 thông qua các nỗ lực cởi mở, hòa nhập, không phân biệt đối xử và minh bạch, đề cao chủ nghĩa đa phương và tăng cường hợp tác quốc tế cũng như với các bên liên quan.

Tại các hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự trợ giúp của các nước đối tác dành cho ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Thủ tướng nhấn mạnh, các bên cần nỗ lực nối lại các dòng chảy thương mại-đầu tư bị tác động bởi dịch COVID-19, khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận trở lại thị trường của nhau, tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng khu vực, thúc đẩy hợp tác hạ tầng số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các nước ASEAN.

Đảm bảo an ninh khu vực

Một trong những điểm nhấn trong các hội nghị là việc các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác; kiềm chế để không có các hoạt động làm gia tăng căng thẳng, phức tạp tình hình, không quân sự hóa, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước UNCLOS 1982.

Phát biểu tại các hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các quốc gia đề cao tinh thần trách nhiệm, hành xử phản ánh đúng cam kết, tôn trọng lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác đa phương, thượng tôn pháp luật, duy trì quan hệ quốc tế lành mạnh, tránh làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực; duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông là lợi ích chung và cần có sự chung tay đóng góp của tất cả các nước.

Các quốc gia cần tự kiềm chế, tránh các hành động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, theo luật pháp quốc tế, dựa trên UNCLOS 1982.

Thủ tướng kêu gọi nỗ lực thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC, thúc đẩy đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, thực chất phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, khuôn khổ điều chỉnh các hành vi, hoạt động trên biển và đại dương.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất