, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 09/05/2020, 10:53

Ba chuyện nhỏ, một lời bàn

TRẦN VĂN TUẤN - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM

1.        

Trên một chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, có một người đàn ông khoảng trên 60 tuổi, gầy gò, nét mặt mệt mỏi ảm đạm, vai đeo túi xách, tay bế một đứa bé. Từ lúc lên máy bay, đứa bé đã khóc. Ông đi đứng không được vững vàng lắm, luôn miệng nói: “Ngoan nào, cháu ngoan, mình được đi máy bay rồi”. Cô tiếp viên phải hỗ trợ ông tìm ghế ở phía cuối. Ông ngồi kế bên tôi. Ông nhờ cô tiếp viên lấy trong túi du lịch loại bình dân có từ thập niên trước ra một bình sữa đã pha sẵn. Tôi nhường ông ghế bên ngoài sát lối đi. Ông cho cháu bé bú sữa, lóng ngóng vụng về. Tôi hỏi: “Mẹ cháu đâu”?. Ông buồn bã nói nhỏ: “Mẹ nó vất vả lắm. Không nuôi nổi. Tôi phải mang nó về quê nuôi. Nó mới 6 tháng tuổi. Là cháu ngoại tôi”.

Cháu bé bú sữa xong ngủ thiếp đi. Tàu bay bay chừng 15 phút, gặp vùng thời tiết xấu chuyển động lắc lư, cháu bé thức dậy khóc ré lên. Người đàn ông ôm cháu ngoại chặt hơn và rền rẫm dỗ cháu: “Cháu ơi, cháu à, ông thương cháu lắm, ông sẽ nuôi dưỡng cháu…”. Tôi nghe như lời khấn vái, cầu nguyện. Thoát khỏi vùng thời tiết xấu, ông tháo dây an toàn, bồng cháu đứng lên đi tới đi lui. Hết ẵm ngửa lại bế đứng, luôn miệng à ơi. Tiếng khóc của cháu bé khiến hết thảy mọi người đều sốt ruột lo lắng. Cũng có người bực bội khó chịu. Ông ngoại cháu vẫn kiên nhẫn đi lên, đi xuống run rẩy tay chân vỗ về cháu. Có một phụ nữ còn trẻ, mặc đầm theo phong cách thời thượng từ một hàng ghế đầu đến bên người đàn ông đầu bạc, nhỏ nhẹ nói: “Bác để con dỗ cháu”. Chị bế đứa bé, áp sát ngực mình. Lạ thay, đứa bé không khóc nữa, nằm in thin thít. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Ai đó nói: “Chắc cháu bé quen hơi mẹ, tưởng cô ấy là mẹ”.

Mọi người cũng nêu ra thắc mắc về mẹ cháu bé. Người đàn ông đầu bạc nén nhịn điều gì đó, cười gượng gạo, rời rạc nói: “Chúng nó bỏ nhau, không đứa nào chịu nuôi con bé. Tôi đau lòng lắm! Xót xa lắm! Tôi nuôi…”. Không ai hỏi han thêm về chuyện gia đình ông, cháu nhà ấy. Cháu bé lúc khóc, lúc nín. Người phụ nữ trẻ mặc đồ thời thượng và ông ngoại nó thay phiên nhau ẵm suốt chuyến bay. Máy bay hạ cánh. Người phụ nữ trẻ nói với ông đầu bạc: “Bác về đâu”?. Ông ngoại bảo: “Về Hải Dương”. “Con có xe nhà đón. Để con đưa ông cháu ra bến xe”, người phụ nữ trẻ nói rồi giúp ông bế cháu bé. Ông chỉ xách cái túi du lịch cũ kỹ. Họ đi trước tôi. Ở sảnh sân bay tôi không thấy bóng dáng họ đâu cả. Gần một năm qua đi, hình dáng người đàn ông đầu bạc, người phụ nữ trẻ mặc đầm thời thượng và nhất là tiếng khóc của đứa bé 6 tháng tuổi luôn để lại cho tôi ấn tượng về cái tốt trong thiên hạ.

Hình minh họa

2.        

Cũng vào mùa giáp Tết. Ở bến xe, mọi người xếp hàng mua vé. Nói là xếp hàng nhưng tình trạng chen lấn, chen ngang, xô qua đẩy lại diễn ra rất hỗn tạp. Trong đám đông bỗng có tiếng đàn bà thất thanh, la lối: “Chết tôi rồi, tôi bị mất cắp ví tiền…”. Đám đông đột ngột dãn ra. Người đàn bà bị mất cắp dáng vẻ lam lũ, tuổi ngoài 50 mặt tái mét, khóc lóc lu loa: “Ví tiền tôi để trong túi xách, tôi luôn đeo trên vai. Trong ví có 10 triệu. Con tôi đưa về trả nợ hàng xóm. Giời ơi là giời, tôi lấy đâu ra tiền trả nợ người ta…”.

Nhiều người xúm lại, bày tỏ sự quan tâm: “Tìm kỹ lại đi”. “Nhớ kỹ xem có mang theo không? Đánh rơi ở đâu?”. “Trong ví có giấy tờ gì không”?…

Dường như người đàn bà quê này khủng hoảng thật sự. Bà ngồi bệt trên nền gạch giãy chân, đập tay, lu loa: “Ai đó giúp tôi bắt kẻ cắp. Mười triệu đồng đấy, giời ơi là giời…”. Rồi dân phòng đến, cảnh sát cũng đến, hỏi bà đủ thứ chuyện. Có anh cảnh sát hí hoáy ghi chép lời khai. Khoảng 10 phút sau, một người đàn ông trung niên, cao lớn lực lưỡng, da ngăm đen đi tới đưa cho bà chiếc ví màu đen, hỏi: “Có phải chiếc ví này của bà không?”. Người đàn bà gần như vồ lấy, lắp bắp: “Của tôi, của tôi…”. Người đàn ông tĩnh lặng nét mặt, nhắc: “Bà kiểm tra lại xem có thiếu thứ gì không”?. Người đàn bà quê mở ví đếm tiền, nước mắt giàn giụa, nghẹn ngào lắp bắp: “Cám ơn ông, đội ơn ông! Tiền có đủ rồi…”.

Người đàn ông ngăm đen giải thích: “Khi bà xuống xe bus để rơi cái ví. Nhớ cẩn thận”. Một người mặc đồng phục bảo bệ bến xe đi tới, nói thêm: “Bác ấy chạy xe ôm ở bến xe. Cái ví do bác ấy giành lại từ tay một băng trộm cắp, không phải nhặt được đâu. Đáng tiếc chúng tôi đến không kịp để bọn trộm chạy thoát. Bác ấy là người rất tốt”.

3.        

Trên vỉa hè, gần trước cây ATM ở một đường phố đông đúc người qua lại trong khu vực trung tâm thành phố có một cái hố do sụt lún. Viên gạch lát vỉa hè bị vỡ, lộ ra một hố sâu dài rộng chừng một gang tay người lớn. Không biết cái “ổ gà” vỉa hè ấy xuất hiện từ bao giờ. Người ta chỉ biết sự hiện diện của nó khi có một cô gái trẻ váy ngắn chân dài leo xe tay ga lên vỉa hè để rút tiền. Do không để ý tới cái hố, cô gái bị trượt chân té ngã. Bàn chân phải của cô bị lọt xuống hố. Cô gái đau đớn, ôm bàn chân bị bong gân, bị tứa máu, la khóc.

Lúc đó có một bà già còm nhom, mặc đồ cũ kỹ đẩy xe mua ve chai đi qua. Trong lúc mọi người xán lại săn sóc giúp đỡ cô gái, bà ve chai cặm cụi nhặt nhạnh các thứ vật liệu bỏ đi để nhồi nhét lấp cho đầy cái hố. Sau đó bà ghép ba mảnh vỡ của viên gạch gắn lại bằng keo dán. Bà làm việc tỉ mỉ cẩn thận. Khoảng chừng nửa tiếng, bà đã hoàn thành. Cái lỗ được lấp đầy, nén chặt. Viên gạch vỡ được dán lại lắp lên trên. Bà còn dậm chân thử “độ bền”. Nhìn xa, nhìn gần, không thể nhận ra viên gạch mới được lắp ráp.

Cô gái bị thương nhẹ được người nhà đến đưa về. Mọi người đi đường tiếp tục việc đi lại. Một vài người nhìn bà già hom hem cũ kỹ, ái ngại nói: “Chẳng bền được đâu, rồi nó sẽ sụt lún thôi”. Bà già ve chai thong thả trả lời: “Được ngày nào hay ngày ấy, giúp người ta khỏi bị té ngã”. Rồi dọn đồ đạc bỏ lên chiếc xe đẩy chứa đồ ve chai, đồng nát. Bà lặng lẽ đi. Tôi nhìn theo bà…

***

Trong thiên hạ, có nhiều chuyện lớn, nhưng chuyện người dân luôn là chuyện lớn hàng đầu. Trong định hướng phát triển đất nước, Đảng ta đã chỉ rõ rằng cần phải xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Dân đứng hàng đầu. Dân có giàu, nước mới mạnh, xã hội mới dân chủ, công bằng, văn minh.

Qua ba câu chuyện nhỏ nói trên, cho thấy nội hàm của “dân giàu” nên được nhận thức sâu rộng hơn. Trong đó, sự giàu có về tình người, giàu có về tri thức, giàu có lòng nhân ái, giàu có tình cảm yêu thương gắn bó giữa người với người, giàu có niềm tin với con người, và luôn biết nghĩ cho người khác là điều quan trọng đặc biệt. Nếu chỉ giàu có về vật chất nhưng nghèo nàn, cạn kiệt về tình người, sống ích kỷ, thờ ơ lãnh cảm, chất lượng sống của người dân sẽ ra sao, xã hội có trật tự ổn định hay không?

Thực tế hôm nay cho thấy câu hỏi ấy đã và đang là vấn đề lớn của thiên hạ. Thiết nghĩ, tiếp cận và cách giải quyết vấn đề trên, chuyện tôn vinh người tốt, việc tốt cần phải coi là một chuyện lớn của thiên hạ.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất