, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 01/03/2022, 15:40

Bà Rịa - Vũng Tàu: Di dời, giải tỏa nhiều lồng bè ngoài vùng quy hoạch

HOÀNG NHỊ
(baotintuc.vn)
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện nay các địa phương trên địa bàn tỉnh đang thực hiện di dời các cơ sở nuôi lồng bè, nhà hàng kinh doanh ăn uống trái phép nằm ngoài vùng quy hoạch khoanh nuôi trên sông Chà Và, sông Dinh và sông Rạng.
Chú thích ảnh
Một cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông Mỏ Nhát, thị xã Phú Mỹ, lấn chiếm mặt nước ngay giữa luồng khiến các tàu, thuyền lưu thông gặp nhiều khó khăn.

Trên địa bàn các địa phương như thành phố Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ và huyện Long Điền có 225 cơ sở, hộ dân lấn chiếm đất mặt nước trái phép để nuôi trồng thủy sản và các nhà hàng kinh doanh ăn uống trên sông. Hiện, chính quyền các địa phương đang thực hiện cưỡng chế, di dời các cơ sở, hộ dân lấn chiếm đất mặt nước trái phép.

Việc thí điểm cưỡng chế bè nuôi ngoài vùng quy hoạch tại khu vực sông Dinh, thành phố Vũng Tàu được thực hiện từ tháng 8/2020. Đến nay, tại thành phố Vũng Tàu, chính quyền địa phương đã tổ chức giải tỏa, di dời 34 cơ sở nuôi trồng thủy sản, nhà hàng kinh doanh ăn uống số còn lại đang được thành phố xây dựng kế hoạch tiếp tục di dời, giải tỏa trong năm 2022.

Tại thị xã Phú Mỹ, chính quyền địa phương cũng đã tiến hành giải tỏa, di dời 32/41 cơ sở nuôi trồng thủy sản ngoài vùng quy hoạch nuôi. Còn huyện Long Điền có 60 cơ sở nuôi thủy sản ngoài vùng quy hoạch nhưng hiện chưa thực hiện cưỡng chế, giải tỏa được cơ sở nào.

Hiện, chính quyền địa phương liên quan đang hoàn thiện các thủ tục để tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ các hàng đăng đáy đang hiện hữu trên các tuyến sông trên địa bàn tỉnh để làm thông thoáng các luồng giao thông đường thủy và tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền lưu thông.

Để quản lý tốt hơn việc nuôi trồng thủy sản trên sông, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh triển khai một số nhiệm vụ như tổ chức cắm mốc nhận dạng các vùng nuôi, bàn giao thực địa cho các địa phương để nhận dạng và phân biệt ranh giới các tiểu khu nuôi, thuận tiện trong việc bố trí các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản theo quy định. Ngoài ra, thực hiện đăng ký nuôi theo quy định, đến nay đã có 171/399 cơ sở đã được cấp mã số đăng ký nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng giao trách nhiệm cho UBND các huyện, thị, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao quản lý toàn diện hoạt động các nhà bè kinh doanh ăn uống trên sông theo quy định…

Việc triển khai di dời, giải tỏa các cơ sở nuôi trồng thủy sản trái phép trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhằm giúp lưu thông hệ thống đường thủy trên địa bàn tỉnh được thuận lợi hơn, vì nhiều năm qua, nhiều người dân chiếm dụng mặt nước các con sông để nuôi hàu, nuôi cá lồng bè. Một số hộ dân còn đặt trụ đăng bắt cá và lồng bè ra gần giữa lòng sông, khiến cho việc lưu thông của tàu thuyền gặp khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch, sắp xếp lại lồng bè trên địa bàn tỉnh lần này nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững và thân thiện với môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, quản lý tốt sức khỏe của vật nuôi thủy sản, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, cũng như kiểm soát và phòng chống dịch bệnh.

Việc sắp xếp lại các cơ sở nuôi thủy sản lồng bè trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được triển khai thực hiện trước tình trạng nuôi trồng thủy sản lồng bè phát triển ồ ạt, vượt xa về quy hoạch của tỉnh. Cụ thể, nuôi thủy sản lồng bè trên địa bàn tỉnh bắt đầu hình thành vào năm 2007 trên sông Chà Và (xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu).

Vào thời điểm đó chỉ có khoảng 10 hộ nuôi, nhưng hiện nay, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, toàn tỉnh có đến 400 cơ sở lồng bè với 11.361 lồng nuôi, phân bổ ở 3 khu vực: sông Chà Và, sông Dinh và sông Mỏ Nhát. Như vậy, trong vòng hơn 10 năm qua, số lượng cơ sở nuôi thủy sản lồng bè đã tăng đến 40 lần. Việc phát triển ồ ạt, vượt xa quy hoạch của tỉnh đã ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái cũng như môi trường nuôi, khiến nhiều hộ nuôi bị cá, tôm, hàu bị chết hàng loạt thiệt hại lớn về kinh tế.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất