, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 24/02/2022, 08:09

Bà Rịa - Vũng Tàu thiếu hụt lao động nông nghiệp trầm trọng

HOÀNG NHỊ
(baotintuc.vn)
Thời điểm sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nông dân Bà Rịa-Vũng Tàu bước vào mùa vụ sản xuất muối, thu hoạch tiêu, đánh bắt hải sản… Tuy nhiên, nhiều người đang "đỏ mắt" tìm nhân công.

Tình trạng này đã diễn ra vài năm trở lại. Nguyên nhân là do sự chuyển dịch lao động từ ngành nông nghiệp sang các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp.

Chú thích ảnh
Nông dân xã Bình Giã, huyện Châu Đức thu hoạch vụ hồ tiêu.

Sau Tết Nguyên đán là thời điểm nông dân bước vào vụ thu hoạch tiêu. Với khoảng 1,5 ha tiêu, gần 2.000 gốc, vụ này gia đình ông Hồ Văn Thư, ở ấp Lộc Hòa, xã Bình Giã, huyện Châu Đức ước thu hoạch  hơn 7 tấn. Hiện giá bán tiêu dao động từ 85.000-90.000 đồng/kg -  tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, nên ông Thư ước tính sẽ lãi gần 200 triệu đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận của ông Thư sẽ giảm đáng kể nếu không thuê đủ nhân công thu hoạch kịp thời, dù giá thuê đã tăng từ 220.000 đồng/ngày lên 250.000 đồng/ngày.

Ông Hồ Văn Thư chia sẻ, nhân công lao động sau Tết kiếm không ra, để kịp thu hoạch, gia đình ông phải huy động hết nhân công. Với 6 công lao động hái 1,3ha tiêu của gia đình ông, hái cật lực cũng phải mất 2 tháng mới có thể xong vườn tiêu. Việc thiếu nhân công lao động sẽ kéo dài thời gian hái tiêu, khiến tiêu chín sẽ bị rụng xuống gốc gây thất thoát cho người trồng, cùng với đó là cây tiêu sẽ bị kiệt quệ do thu hoạch quá muộn.

Ngành khai thác đánh bắt hải sản cũng đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng lao động đi biển. Thông thường từ mùng 6 đến mùng 10 tháng Giêng hàng năm, các tàu đều xuất bến ra khơi đầu năm. Thế nhưng, hiện tại nhiều tàu cá vẫn nằm bờ vì thiếu lao động.

Theo các ngư dân, những chuyến đi biển gần đây hầu như không có lãi bởi giá xăng dầu tăng cao, trong khi nguồn hải sản khan hiếm, nhiều chủ tàu vẫn phải chấp nhận chịu lỗ nhằm duy trì việc đánh bắt. Nhiều chủ tàu phải cất công đến những vùng khác để tìm kiếm bạn tàu. Ngoài ra, các chủ tàu phải gửi một số tiền trước để "giữ chân" lao động. Số tiền ứng trước thường rất lớn, nhưng hiện việc khai thác trên biển ngày càng ít đi vì ngư trường cạn kiệt nên đa số các chuyến ra khơi hầu như đều thua lỗ.

Ông Huỳnh Anh Vũ, Ngư dân xã Lộc An, huyện Đất Đỏ có 7 chiếc tàu, trung bình mỗi tàu sẽ có 3 bạn và 1 tài công. Ông Vũ cho biết, sau Tết việc kiếm lao động đi biển gặp nhiều khó khăn, hầu hết lao động đều phải kiếm từ các tỉnh miền Tây. Tàu của gia đình ông Vũ đến nay mặc dù đã gần sắp hết tháng Giêng nhưng vẫn chưa thể ra khơi, chỉ vì thiếu bạn đi biển trầm trọng. Mặc dù, trước khi đi biển ông Vũ đã phải ứng trước cho lao động ít nhất 30 triệu đồng thì họ mới đồng ý làm. Nhưng đến nay họ vẫn chưa chịu quay lại đi biển.

Không riêng gì thu hoạch tiêu hay đi biển, việc tìm kiếm lao động nghề muối cũng khá khó khăn đối với các chủ ruộng muối. Hiện nay, lao động nghề muối chủ yếu là các bậc trung niên, rất ít thanh niên, trai tráng tham gia vào các công việc này.

Ông Huỳnh Văn Thuyết, ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Điền là một ví dụ, gia đình ông có 2 ha sản xuất muối trải bạt, nhưng do giá muối chỉ khoảng 1.000 đồng/kg, nên sau khi trừ các chi phí, 1 năm ông chỉ lãi 40 triệu đồng. Trong khi đó, cứ mỗi đầu vụ muối là ông phải chạy đôn, chạy đáo khắp nơi tìm kiếm lao động cào muối.

Trung bình 1 tấn muối bây giờ chỉ bán được 800 đến 1 triệu đồng, trong khi đó, để thu hoạch được số muối đó phải cần 6 công lao động, mỗi công trung bình 110.000 đồng/giờ, tính ra chi phí cho việc thuê đã hơn 1 nửa rồi, chủ ruộng muối không còn lãi là bao nữa. 

"Công tăng, kéo theo chi phí tăng lên cùng, những giá muối thì vẫn dẫm chân tại chỗ nên diêm dân như chúng tôi dù muốn duy trì, gìn giữ nghề truyền thống hàng chục năm nay cũng khó lòng bởi không bảo đảm thu nhập cho cuộc sống", ông Thuyết chia sẻ thêm.

Trước những khó khăn trên, ông Huỳnh Văn Thuyết cũng đã có ý định cho thuê ruộng muối của gia đình để Hợp tác xã Chợ Bến cải tạo thành ao nuôi tôm công nghệ cao.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu, trên địa bàn tỉnh hiện có 35 loại máy móc phục vụ cơ giới hóa sản xuất. Tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất hiện đạt 60-100%, khâu tưới bằng máy 70-85%, phun thuốc bảo vệ thực vật 75-80%, dây chuyền cung cấp thức ăn cho vật nuôi đạt 60%.

Trong khi đó, cơ giới hóa cho khâu thu hoạch gần như chưa có, ngoại trừ máy gặt đập liên hợp đối với lúa. Như vậy, gần như toàn bộ sản phẩm nông nghiệp khi đến vụ thu hoạch đều phải dựa vào sức lao động của con người..., trong khi đó, cơ cấu lao động nông nghiệp chiếm chưa tới 25% cơ cấu lao động toàn tỉnh, giảm hơn 1 nửa so với cách đây 10 năm và đa phần đã già hóa.

Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp đã và đang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và nhất là đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch, phù hợp với xu hướng lao động nông nghiệp đang ngày càng giảm.

Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhứt, huyện Long Điền là một ví dụ điển hình. Để giúp hợp tác xã đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất sản xuất lúa và năng suất lao động, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã chuyển giao máy sạ hàng, vùi phân cho hợp tác xã. Máy giúp nông dân tiết kiệm giống - ước khoảng 100 kg/ha/vụ, giảm thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm thời gian và nhân công. Đến nay, hợp tác xã đã cơ giới hóa 100% khâu làm đất, thu hoạch, giúp giảm được chi phí về nhân công lao động nhất là trong thời điểm tìm kiếm lao động nông nghiệp ngày càng khó khăn.

Đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất là một trong những giải pháp phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững. Việc cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp cũng góp phần tạo nền tảng vững chắc để nông nghiệp sản xuất theo quy mô hàng hóa gắn với xây dựng Nông thôn mới bền vững và phần nào khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động trong thời gian tới.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất