, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 15/12/2022, 08:00

Bắc Giang: Các địa phương tận dụng tiềm năng, đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP

THIỆN TÂM
(baochinhphu.vn)
Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bắc Giang đã đạt kết quả tích cực, đáng khích lệ, trở thành một phong trào sản xuất có sức lan tỏa trong khu vực nông thôn, tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp tại các huyện trên địa bàn; đồng thời tác động đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Huyện Lục Ngạn nổi tiếng với các sản phẩm mỳ chũ, trong đó có nhiều chủ thể có sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo lãnh đạo huyện Việt Yên, chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. 

Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị… góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân.

Thực hiện chương trình OCOP, sau 3 năm toàn huyện đã có 20 sản phẩm (bình quân mỗi năm có 6-7 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên), trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao và 15 sản phẩm đạt 3 sao. 

Trong thời gian tới huyện tiếp tục khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển các sản phẩm nông sản đặc trưng để phát triển thành sản phẩm OCOP. 

Từ nay đến năm 2025, huyện sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện chương trình, phấn đấu mỗi năm có thêm từ 5-7 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; đồng thời duy trì, nâng hạng sao các sản phẩm đã đạt và có tiềm năng phát triển.

Theo Hợp tác xã Nông nghiệp "xanh" Yên Thế, huyện Yên Thế, Hợp tác xã được thành lập từ năm 2017, với 7 thành viên chính thức và đến nay đã mở rộng được thêm lên 97 thành viên. 

Nhận thức được những thuận lợi của địa phương trong phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung, đặc biệt là chăn nuôi gà đồi nói riêng. Hàng năm, Hợp tác xã đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh cụ thể bám sát nhu cầu của thị trường và thực trạng sản xuất của địa phương. 

Đồng thời tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể cho định hướng phát triển sản xuất và tiêu thụ gà đồi Yên Thế; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền trong việc xác định vùng chăn nuôi có lợi thế và các hộ chăn nuôi có kinh nghiệm để làm nguồn nguyên liệu chính. Quy mô tổng đàn gà của Hợp tác xã đến thời điểm hiện tại là hơn 110 nghìn con.

Qua quá trình tham gia thực hiện chương trình OCOP, nhận thức được những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện, theo Hợp tác xã Nông nghiệp "xanh" Yên Thế, để đẩy mạnh phát triển chương trình OCOP phải coi phát huy giá trị nội sinh, phát triển cộng đồng là cốt lõi. 

Vì vậy, việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu và cộng đồng địa phương là rất quan trọng đối với các Hợp tác xã cần phát triển các sản phẩm nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng. 

Không những vậy, khi xây dựng và phát triển được các sản phẩm thế mạnh của địa phương sẽ có thêm sự phát triển cả về kinh tế hoạt động sản xuất, cả sự phát triển về thương mại dịch vụ.

Tương tự, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Lục Sơn, huyện Lục Nam cũng xác định OCOP là chương trình phát triển kinh tế trọng tâm, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. 

Theo đó, hơn 2 năm qua, Hợp tác xã đã tận dụng lợi thế về địa hình khu vực sản xuất, với diện tích sản xuất nhãn hơn 200 ha, được sự quan tâm của các cấp, các ngành của tỉnh, huyện đã vào cuộc mạnh mẽ, thúc đẩy các sản phẩm chủ lực của địa phương có bước phát triển mạnh mẽ,  người dân đồng lòng ủng hộ, hợp tác xã tích cực tham gia. 

Nhờ đó, chương trình đã đạt kết quả quan trọng bước đầu. Đến nay, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp xã Lục Sơn đã sản xuất được sản phẩm nhãn quả tươi, được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh 3 sao , với mục tiêu của giai đoạn 2020-2022,  hướng phấn đấu Hợp tác xã sản xuất và chế biến nhãn quả khô và long nhãn.

Nhiều sản phẩm OCOP được trưng bày tại Hội thảo "Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang năm 2022". Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Mặc dù đã có nhiều kết quả khả quan, đáng khích lệ nhưng thực tế quá trình triển khai thực hiện sản xuất, tiêu thụ cho thấy những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Đó là, sản phẩm đặc trưng của các địa phương chưa sản suất được nhiều, việc sản xuất chủ yếu vẫn mang tính tự phát, theo phương thức thủ công; chất lượng, quy cách mẫu mã sản phẩm hạn chế, thiếu sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, số lượng sản phẩm OCOP nhiều, nhưng đa phần mới chỉ đạt ở cấp độ 3 sao, mới ở mức trung bình.

Nhận thức của một số người trong sản xuất về việc tham gia chương trình OCOP, dù đã có những chuyển biến nhưng vẫn chưa đầy đủ. Khi sản suất còn nhiều khó khăn về mặt bằng nhà xưởng, khu bán hàng, giới thiệu sản phẩm chưa bài bản; việc quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP gặp nhiều khó khăn, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các ngành, đoàn thể chưa thật sự quyết liệt, hiệu quả. 

Bên cạnh đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên về thực hiện chương trình OCOP còn có những hạn chế nhất định, nên công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân chưa hiệu quả. Việc triển khai ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất còn chậm; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp để phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết, giá trị còn thấp.

Vì vậy, các đơn vị, địa phương tham gia chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cho rằng, để đẩy mạnh phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm đạt tiêu chuẩn của thị trường trong và ngoài nước cũng như đẩy mạnh sự phát triển của các Hợp tác xã, địa phương, chủ thể…, các các Sở, ban ngành của tỉnh Bắc Giang cũng như các huyện cần tạo điều kiện để các sản phẩm của các đơn vị, chủ thể được tham gia chương trình OCOP; xây dựng và hoàn thiện sản phẩm đáp ứng các điều kiện và tiêu chí sản phẩm OCOP.

Đồng thời quan tâm, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, khoa học kĩ thuật; giúp đỡ để tiếp cận được các hỗ trợ trong công nghệ sản xuất để giảm chi phí giá thành sản phẩm và tăng tính cạnh tranh trên thị trường. 

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến và quản lý chất lượng sản phẩm. Tiếp tục duy trì và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại - một trong những bước then chốt để tạo cơ sở, động lực thúc đẩy chương trình; ưu tiên và xây dựng mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất