, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 14/05/2022, 17:00

Bắc Giang đảm bảo chất lượng “rộng đường” tiêu thụ vải thiều

MINH LONG
(vov.vn)
Gần nửa tháng nữa sẽ bước vào vụ thu hoạch vải chín sớm của tỉnh Bắc Giang, tiếp đó vào trung tuần tháng 6 địa phương này sẽ thu hoạch vải thiều chính vụ.

Với kế hoạch sản xuất 28.300ha vải thiều, sản lượng khoảng 160.000 tấn, để “rộng đường” tiêu thụ vải trong nước và xuất khẩu, ngành nông nghiệp địa phương tập trung hướng dẫn nông dân chăm sóc vải đúng quy trình, đảm bảo chất lượng cao nhất để đáp ứng các yêu cầu của thị trường các nước nhập khẩu.

Là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh Bắc Giang xuất khẩu vải sớm còn gọi là vải “u hồng” sang thị trường Nhật Bản trong năm nay, thời điểm này, trên các triền đồi tại xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, các vườn vải trĩu chịt quả hứa hẹn vụ vải năng suất và chất lượng. Theo phản ánh của các hộ trồng vải, giá vải xuất khẩu năm nay được doanh nghiệp cam kết thu mua với giá 35.000 đồng/kg, cao hơn năm ngoái.

Theo các nông dân chia sẻ: "Chúng tôi đều làm theo quy trình khuyến nông hướng dẫn từ chăm sóc cho đến thu hái. Các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cũng được sử dụng theo hướng dẫn của khuyến nông. Phòng sâu theo định kỳ mới phun thuốc đảm bảo phòng chống sâu bệnh để quả phát triển. Trồng vải sạch thu nhập năm vừa rồi cũng đảm bảo, mong muốn năm nay được mùa và giá cao".

Năm nay, tỉnh Bắc Giang có kế hoạch sản xuất 28.300 ha vải thiều với sản lượng khoảng 160.000 tấn.
Năm nay, tỉnh Bắc Giang có kế hoạch sản xuất 28.300 ha vải thiều với sản lượng khoảng 160.000 tấn.

Ngay từ đầu vụ, các nhà vườn và hợp tác xã trồng vải ở xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên thường xuyên được cán bộ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang xuống tận nơi hướng dẫn ghi chép sổ sách và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách.

Chị Nguyễn Thị Nhung, cán bộ khuyến nông xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên chia sẻ, đây là một trong những tiêu chuẩn cần thực hiện nghiêm ngặt trong sản xuất vải thiều xuất khẩu.

"Thời điểm này lấy mẫu phân tích thăm dò dư lượng đối với các hoạt chất, thuốc bảo vệ thực vật. Quy trình thì lấy theo đường chéo 4 góc của vườn sau đó sẽ lấy ở giữa vườn. Đối với cây sẽ lấy vùng quanh tán từ cao đến thấp làm sao độ đồng đều của mẫu được cao nhất" - chị Nhung cho biết.

Đối với vải thiều xuất khẩu sang các thị trường như: Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, các vùng trồng vải thiều của tỉnh Bắc Giang đều được giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, khuyến cáo người dân sử dụng thuốc sinh học, chế phẩm vi sinh, thảo mộc như: ớt, tỏi, chè để phòng trừ sâu bệnh, bên cạnh đó, phải ghi chép nhật ký canh tác để thực hiện truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang cho biết: "Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc một số thủ tục khắt khe hơn năm trước do Trung Quốc thực hiện Lệnh 248 và 249 về an toàn thực phẩm. Các tổ hợp tác và hợp tác xã khi thu mua đóng gói sang thị trường Trung Quốc phải đảm bảo mã vùng, mã vạch để truy xuất nguồn gốc cũng như bao bì, tem truy xuất để xuất khẩu thuận lợi".

Phun thuốc sinh học phòng trừ dịch hại cho vải xuất khẩu.
Phun thuốc sinh học phòng trừ dịch hại cho vải xuất khẩu.

Năm nay, tỉnh Bắc Giang có kế hoạch sản xuất 28.300ha vải thiều với sản lượng khoảng 160.000 tấn. Trong đó vải an toàn theo tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp Tốt – Viet Gap là 15.400ha, sản lượng 113.000 tấn; vải sản xuất đạt tiêu chuẩn Global Gap với diện tích 82ha, sản lượng 1.000 tấn.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang khẳng định, đối với tiêu chuẩn vải xuất khẩu phải sản xuất theo quy trình Viet Gap, Global Gap hoặc tiêu chuẩn hữu cơ, đây là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình chăm sóc phòng trừ sâu bệnh. Ngoài việc giám sát, cán bộ bảo vệ thực vật định kỳ lấy mẫu phân tích về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Theo ông Toàn: "Phục vụ cho vải thiều xuất khẩu đến thời điểm này quan trọng nhất là tiến hành lấy mẫu phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư trên sản phẩm. Các lô hàng trước khi thu hoạch và xuất khẩu đều phải tiến hành lấy mẫu và phân tích gửi đến các đơn vị chức năng đủ điều kiện để phân tích dư lượng. Trước khi thu hoạch khoảng 1 tuần tiến hành lấy mẫu, nếu mẫu nào đạt yêu cầu về dư lượng của các thị trường xuất khẩu sẽ tiến hành thu hoạch để xuất khẩu".

Niên vụ vải năm ngoái ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về số lượng vải xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Liên minh Châu Âu (EU). Dự báo, vụ vải năm nay, sản lượng vải thiều xuất khẩu sang EU sẽ tiếp tục gia tăng khi từ đầu năm đến nay, thông qua các đại sứ quán và tham tán thương mại, Bắc Giang liên tục đón các đoàn doanh nghiệp của Mỹ, Bỉ, Hà Lan đến khảo sát, đánh giá thực tế trước khi ký hợp đồng thu mua.

Cán bộ khuyến nông lấy mẫu vải xuất khẩu kiểm dịch dư lượng hóa chất.
Cán bộ khuyến nông lấy mẫu vải xuất khẩu kiểm dịch dư lượng hóa chất.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang cho biết, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các đối tác nhập khẩu tìm kiếm các thông tin của các hợp tác xã, nhà vườn sản xuất vải thiều của tỉnh Bắc Giang bên cạnh việc chủ động làm việc với các tỉnh khu vực cửa khẩu giáp biên giới với Trung Quốc, Lào và Campuchia tạo điều kiện thuận lợi việc thông quan xuất khẩu vải thiều sang thị trường các nước, tỉnh chú trọng quảng bá giới thiệu vải thiều ở các thị trường có giá trị cao.

"Tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành, cơ quan chuyên môn sớm chủ động vào cuộc. Một trong những điểm mới năm nay là tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương làm việc trao đổi với các cơ quan thương vụ ở các nước qua đó xây dựng các kịch bản, phương án về tiêu thụ vải thiều. Đối với xuất khẩu tiếp tục quan tâm tập trung thị trường truyền thống là Trung Quốc và tăng cường mở rộng xuất khẩu tăng sản lượng xuất khẩu đến các thị trường yêu cầu cao như: Mỹ, Nhật Bản, Australia, Thái Lan và một số các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất; Liên minh Châu Âu.

Đổi mới công tác hoạt động xúc tiến vải thiều chúng tôi chú trọng vào ứng dụng chuyển đổi số, số hóa, mã hóa các tài liệu tuyên truyền giới thiệu quảng bá sản phẩm vải thiều bằng tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc gửi đến các cơ quan thương vụ phối hợp tuyên truyền, quảng bá giới thiệu, thúc đẩy xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại các thị trường nước ngoài" - ông Thọ cho biết.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý, việc tiêu thụ vải thiều nói riêng, nông sản nói chung dự báo sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu sang Trung Quốc do thị trường này tiếp tục duy trì chính sách Zero Covid. Ngoài mở rộng các kênh thúc đẩy tiêu thụ trong nước, doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều cần kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất đáp ứng các yêu cầu mới về an toàn thực phẩm từ phía Trung Quốc; tránh lây nhiễm chéo của Covid-19 trên bao bì sản phẩm và trên thành công ten nơ xuất khẩu nông sản.

Tags

Bình luận

Xem nhiều


Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Chnam Thmay diễn ra từ 13-16/4.



Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất