, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 17/06/2022, 08:03

Bạc Liêu: Tăng cường tín dụng phát triển mô hình lúa – tôm

THS TRẦN TRỌNG TRIẾT
Mô hình lúa thơm - tôm sạch đang từng bước khẳng định vai trò là nguồn thu nhập cao hơn cho nông dân ở vùng sản xuất gắn với điều kiện sinh thái ngọt - lợ của Đồng bằng sông Cửu Long.

Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành ven biển vùng ĐBSCL như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… đã tích cực triển khai chương trình vận hành và quản lý hiệu quả mô hình canh tác lúa - tôm, góp phần nâng cao lợi nhuận cho người sản xuất với thu nhập bình quân hơn 90 triệu đồng/ha.

 
 

Phát triển bên vững với lúa thơm - tôm sạch

Từ năm 2001, Bạc Liêu đã bắt đầu tổ chức sản xuất theo mô hình lúa - tôm. Hiệu quả mang lại từ mô hình này khá cao so với độc canh cây lúa nên diện tích sản xuất theo mô hình lúa - tôm tăng khá nhanh, từ 5.851 hecta ban đầu lên 39.578 hecta vào năm 2020, tăng gần 6,8 lần so với năm 2001. Đến năm 2021, diện tích mô hình này tiếp tục phát triển và mở rộng, chiếm hơn 33% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh Bạc Liêu (tốc độ tăng diện tích bình quân/năm là 5,26%).

Theo ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, mô hình canh tác lúa - tôm ở tỉnh không chỉ tăng đều qua từng năm về diện tích mà tăng cả về năng suất và giá trị gia tăng. “Đây là mô hình phát triển bền vững, lợi nhuận cao hơn 15 - 30% so với độc canh cây lúa; có nhiều doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, tạo ra các sản phẩm sạch phù hợp với quy trình GAP, giúp nông dân áp dụng các biện pháp canh tác, phòng chống dịch, ít sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…”, ông Thiều nhận xét.

Tại hội thảo “Phát triển mô hình lúa thơm -tôm sạch vùng Mekong - hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, bền vững và tích hợp đa giá trị” diễn ra vào đầu năm 2022 tại Bạc Liêu, ông Phạm Chí Mến, nông dân ngụ huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang - người đã thực hiện 5 vụ với mô hình “con tôm ôm cây lúa” - cho biết cây lúa cho thu nhập 70 triệu đồng/ha trong khi con tôm mang lại thu nhập 100 triệu đồng/ha. Vì thế hiện có khoảng 98% nông dân ở khu vực này chọn canh tác mô hình tôm - lúa ST (ST24 và ST25).

 
Mô hình tôm lúa ở Bạc Liêu.
 

Tạo điều kiện mở rộng tín dụng cho mô hình tôm - lúa

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo tinh thần Nghị quyết 09 của Chính phủ, tỉnh Bạc Liêu đã tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi sản xuất, trong đó có phát triển mô hình tôm - lúa. Góp sức vào chủ trương trên, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư nguồn vốn tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn đạt dư nợ 24.927 tỷ đồng, chiếm 72,89% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế trên địa bàn. Chỉ riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Bạc Liêu (Agirbank Bạc Liêu), dư nợ cho vay đến cuối năm 2021 đã đạt 9.052 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2020, trong đó cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn chiếm tỷ trọng cao với 88,5%/tổng dư nợ.

Để khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh từ mô hình sản xuất lúa - tôm, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch phát triển mô hình tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ áp dụng trên hệ thống canh tác tôm - lúa vùng phía Bắc Quốc lộ 1A đến năm 2025. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, diện tích tôm - lúa đạt 41.000 hecta.

Nhu cầu về vốn để thực hiện kế hoạch này là rất lớn, đặc biệt là vốn cho đầu tư nuôi tôm công nghệ cao. Tuy nhiên, vốn tín dụng cho lĩnh vực này hiện còn nhiều hạn chế vì điều kiện tài sản bảo đảm chưa đáp ứng, giá trị tài sản hình thành cho hoạt động cấp tín dụng này khá lớn nhưng hầu hết chưa được cấp quyền sở hữu, khấu hao lại nhanh, dễ hư hỏng theo thời gian. Để tháo gỡ, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bạc Liêu đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét và sớm có cơ chế, chính sách đặc thù về cho vay nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. 

Ngoài ra, nên xem xét phát triển tín dụng chính thức cho doanh nghiệp, hợp tác xã với chuỗi giá trị; ưu tiên đầu tư tín dụng cho việc phát triển hạ tầng ở vùng sâu vùng xa phục vụ cho phát triển thủy sản, nông nghiệp… như phát triển hạ tầng thủy lợi, hạ tầng thương mại (xây dựng hệ thống chợ, trung tâm đầu mối), hạ tầng logistics (cầu cảng, trung tâm kết nối vùng, giao thông kết nối vùng chuyên canh)…

Tags

Bình luận


user-avt

Triết Trần

17:08, 06/08/2022

Mô hình sản xuất tuần hoàn cần nhân rộng..

user-avt

Trâm Anh

14:06, 17/06/2022

Ngân hàng cần mạnh dạn đầu tư vốn cho nông dân phát triển, giúp nông dân làm giàu..

Xem thêm bình luận
Xem nhiều





Nổi bật

“Từ giờ trở đi, sẽ ngày càng có nhiều người lên trọng điểm Cà Roòng – ATP” - là ngôn ngữ của những người tự vác lên mình sứ mệnh mở đường, giữa Trường Sơn.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất