, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 09/07/2020, 14:26

Bắc Ninh: Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

NGUYỄN XUÂN VỮNG - Chủ tịch Hội NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh

Tại tỉnh Bắc Ninh, khi diện tích đất canh tác nông nghiệp ngày càng thu hẹp để nhường chỗ cho phát triển công nghiệp thì việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là giải pháp nhằm gia tăng giá trị nông sản, hướng đến việc phát triển nông nghiệp bền vững.

 

Bắc Ninh là tỉnh có nhiều lợi thế như: đất đai màu mỡ thích hợp với nhiều loại cây trồng; cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp được chú trọng đầu tư, trình độ sản xuất, thâm canh của người dân khá cao; nằm gần các thị trường tiêu thụ lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng… Để phát huy những thế mạnh này, tỉnh đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, tích tụ ruộng đất, xây dựng liên kết chuỗi hộ gia đình, trang trại nông - công nghiệp, đồng thời thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Ngoài ra, tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như Nghị quyết số 147/QĐ-UBND ngày 06/12/2018 của HĐND tỉnh Bắc Ninh nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất.

Theo Hội NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh, đến nay toàn tỉnh có 2.846 trang trại, gia trại; trong đó có 248 trang trại đủ tiêu chí trang trại với tổng vốn đầu tư 628,3 tỷ đồng, 148 trang trại ứng dụng công nghệ cao, điển hình là Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam với quy trình chăn nuôi khép kín từ khâu sản xuất giống, thức ăn, nuôi dưỡng đến giết mổ, chế biến, tiêu thụ. Đặc biệt, sản xuất thủy sản theo hướng hàng hóa có tốc độ phát triển khá ổn định về diện tích và tổng sản lượng. Năm 2018, toàn tỉnh có 5.192ha nuôi trồng thuỷ sản, cho sản lượng 37.210,4 tấn; trong đó có 165 vùng nuôi cá trong ao đất tập trung, 22 vùng nuôi cá lồng trên sông với 1.620 lồng, đưa giá trị nuôi trồng thủy sản tăng vượt trội.

Điểm nổi bật trong phát triển kinh tế trang trại của tỉnh là xu hướng ứng dụng công nghệ cao vào phát triển sản xuất ngày càng nhiều, chiếm từ 45 - 60% tổng số trang trại, gia trại. Các trang trại nuôi trồng thủy sản hầu hết được quản lý tự động bằng phần mềm máy tính, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý nguồn nước, thức ăn, bảo quản, hạn chế đến mức thấp nhất sức lao động của con người, đồng thời bảo đảm sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cho phép. Nhiều sản phẩm do trang trại sản xuất đã có mã truy xuất nguồn gốc (QR code) để kiểm tra xuất xứ, quy trình. Bắc Ninh hiện có 172.430m² nhà lưới, 111.000m² nhà kính để sản xuất rau, hoa cao cấp, 5.000m² sản xuất khoai tây giống nuôi cấy mô, gần 2.000m² sản xuất hoa lan nuôi cấy mô, sáu cơ sở sản xuất lúa và rau VietGAP với tổng diện tích khoảng 90ha.

Thực tiễn phát triển sản xuất nông nghiệp của Bắc Ninh những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ hình thành các trang trại, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng trồng rau xanh đạt 300 triệu đồng/ha/năm ở khu vực thị xã Từ Sơn và các huyện Tiên Du, Yên Phong, Thuận Thành; vùng hoa cây cảnh đạt hơn 500 triệu đồng/năm tại huyện Tiên Du, thị xã Từ Sơn; vùng trồng hành, tỏi đạt 150 triệu đồng/ha, trồng cà rốt đạt 120 triệu đồng/ha, trồng bí xanh, bí ngô đạt 90 - 100 triệu đồng/ha tại hai huyện Gia Bình, Lương Tài; vùng trồng khoai tây đạt từ 100 đến 120 triệu đồng/ha tại các huyện Quế Võ, Yên Phong.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều vùng sản xuất nông sản ứng dụng công nghệ cao gồm: 5 mô hình lúa theo tiêu chuẩn VietGAP (tổng diện tích 110ha cho thu nhập 90 triệu đồng/ha/năm), 8 mô hình sản xuất rau màu, cây ăn quả VietGAP (tổng diện tích 43,65ha, cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha/năm), 28 mô hình sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính (với diện tích 23ha cho thu nhập từ 300 triệu đồng đến một tỷ đồng/ha/năm)…

Trong lĩnh vực chăn nuôi, các trang trại đã ứng dụng công nghệ cao như công nghệ chuồng kín với hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn và nước uống tự động. Công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể bioga, máng tách phân, chế phẩm sinh học. Công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin đã và đang được áp dụng nhiều trong sản xuất với 42 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ứng dụng công nghệ chuồng kín, trong đó 5 cơ sở chăn nuôi thực hiện tự động hóa hoàn toàn quá trình sản xuất, 4 cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin quản lý đàn giống.

Trong lĩnh vực thủy sản đã áp dụng công nghệ cao trong sản xuất giống, thức ăn như mô hình nuôi cá lồng trên sông theo hình thức nuôi siêu thâm canh phát triển mạnh. Tỉnh hiện có 85 hộ nuôi gần 1.600 lồng cá, năng suất trung bình 4 - 6 tấn/lồng đem lại sản lượng 6.400 tấn cá/năm. Công nghệ nuôi cá “Sông trong ao” cũng đang được các chủ trang trại ứng dụng bước đầu cho thấy có triển vọng tốt.

Ngoài ra, việc sử dụng thức ăn công nghiệp, ứng dụng công nghệ đẻ vuốt và ấp trứng bằng bình vây cho cá, nuôi cá thâm canh trong ao đất có sử dụng quạt nước và chế phẩm sinh học xử lý môi trường đã và đang mở rộng ở nhiều địa phương, giúp cá sinh trưởng, phát triển tốt, khống chế hiệu quả dịch bệnh với 1.875ha nuôi cá ứng dụng công nghệ cao trong thâm canh và xử lý môi trường cho năng suất từ 8 - 10 tấn cá/ha...

Các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng cũng đã được thử nghiệm và ứng dụng đưa vào sản xuất trong các trang trại. Ðiển hình là mô hình sản xuất rau, bí đỏ tại huyện Gia Bình với quy mô 5ha, mô hình sản xuất măng tây xanh tại huyện Tiên Du quy mô 1ha và huyện Gia Bình 2ha.

Song song với sản xuất, hệ thống dịch vụ nông nghiệp phát triển cả về lượng và chất. Bên cạnh các hoạt động dịch vụ truyền thống như thủy nông, cung ứng giống, vật tư nông nghiệp... hiện nay có thêm các dịch vụ cơ giới hóa như làm đất, chăm sóc, thu hoạch... nhằm đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất ở các trang trại.

Với những chủ trương, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển của tỉnh, thời gian qua việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trang trại nói riêng đã bước đầu gặt hái được những thành công với nhiều mô hình, nhân tố điển hình như: trang trại của anh Nguyễn Văn Long xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành sản xuất 2,4ha cam đường Canh theo tiêu chuẩn VietGAP (năm 2016 xuất bán 40 tấn quả cho thu nhập 1,5 tỷ đồng, năm 2017 xuất bán khoảng 100 tấn thu gần 3 tỷ đồng). Hay gần 100ha ứng dụng công nghệ cao trong các trang trại chuyên trồng các loại rau an toàn, hoa cao cấp, đào cảnh, đào thế tại thôn Khả Lễ (TP Bắc Ninh), xã Phú Lâm (huyện Tiên Du), các chủ trang trại ở phường Tân Hồng, Đình Bảng (TX Từ Sơn) có thu nhập bình quân 350 triệu đồng/ ha/năm.

Để tiếp tục phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đề nghị một số giải pháp chủ yếu sau:

1. Đối với các trang trại: Căn cứ vào quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của từng vùng và địa phương vận động nông dân dồn điền đổi thửa, cho thuê đất và tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tăng cường hợp tác với các đơn vị, các nhà khoa học, các doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp.

Tích cực học hỏi, nâng cao trình độ, kiến thức để ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại và thực hiện nghiêm các quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhằm bảo đảm chất lượng và giá trị của nông sản, tạo bước đột phá nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế và chất lượng cuộc sống.

Hợp tác, liên kết với nhau trong sản xuất – chế biến – tiêu thụ và giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tự có, vốn vay, vốn hỗ trợ để sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

2. Đề nghị các cấp, các ngành tạo điều kiện thuận lợi về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài để các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và có điều kiện pháp lý để vay vốn của các tổ chức tín dụng.

Tiếp tục rà soát, quy hoạch các vùng sản xuất theo hướng tập trung phù hợp điều kiện lợi thế từng vùng, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất theo hướng chuyển nhượng hoặc cho thuê lâu dài tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, nhất là doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất.

Tuyên truyền rộng rãi các chính sách của trung ương, của tỉnh về khuyến khích phát triển nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường hợp tác với các đơn vị, các nhà khoa học, các doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông, lâm, thuỷ sản nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn và giá trị gia tăng cao.

Xây dựng các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn nhằm tạo điều kiện đưa cơ giới hoá vào sản xuất và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Tiếp tục mở rộng nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất thấp cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thông qua việc thực hiện bảo lãnh tín dụng, giải quyết những vấn đề khó khăn về tài sản bảo đảm, thủ tục hành chính... để các trang trại, doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn này.

NGUYỄN XUÂN VỮNG - Chủ tịch Hội NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất