Một món đặc biệt ngon của má mà tôi chưa bao giờ làm là bằm thật nhuyễn phần đầu, cổ, cánh vịt rồi cho thêm gia vị và ít bột để thịt kết dính, sau đó ép thành viên dẹp, chiên giòn. Món ngon này má thường làm sau khi đánh cho ba dĩa tiết canh và luộc phần thịt vịt để chấm mắm gừng. Mỗi khi trong nhà có ai bệnh, tiếng bằm thịt của má nhanh, vội hơn và sau đó là nồi cháo thịt bốc khói thơm lừng.
Tiếng bằm thịt của má theo tôi suốt một thời thơ ấu. Lớn lên, tôi đi học xa rồi lập gia đình, tiếng bằm thịt của má xa dần và chỉ còn trong ký ức khi má ngày càng yếu.
Má bệnh. Tôi nấu nồi cháo cũng ra chợ mua thịt nhờ người bán xay hai lần cho thật nhuyễn. Không công phu như má ngày xưa nhưng khó thể quên ánh mắt má thật vui khi tôi mang cho má tô cháo thịt (xay) còn nóng…
Tiếng chày giã chả…
Tết đến, khoảng 25, 27 tháng Chạp là má gói chả lụa. Không bao giờ tôi quên được âm thanh đồm độp của tiếng chày giã chả ngoài sân những ngày Tết tuổi thơ đó. Trời cuối năm lành lạnh, tiếng giã thịt của má đánh thức tôi. Bước ra sân, mắt nhắm mắt mở cầm đôi đũa tre khèo chận thịt trong cối đá phụ má hay giã tiêu, bóc tỏi. Xong xuôi đâu đó, còn chút thịt vét cối thế nào má cũng gói một cuốn chả nhỏ, lũ chúng tôi háo hức chờ má vớt trong nồi ra để giành nhau...
Thịt làm chả lụa phải là thịt nạc đùi, không gợn tí mỡ nào. Thịt thái nhỏ, cho vào cối đá cùng với đường, tiêu, tỏi, mắm… giã đều tay đến khi thịt chảy nhuyễn, mịn. Mỡ khổ thái hạt lựu, thêm ít tiêu hạt rồi trộn đều. Sắp lá chuối đã hơ và lau sạch trên cái tràng. Múc thịt cho vào lá và gói, không cần gói chặt tay. Đem luộc chừng 40 phút thì chả chín…
Và mùi vani
Thơm lừng gian bếp những ngày giáp Tết còn là mùi va ni. Má thường làm bánh mứt vào buổi tối, cả nhà quây quần đông đủ bên bếp than, nào là sên mứt, gói bánh… Từ đầu tháng Chạp, chỗ ngồi của má luôn ở trong bếp. Ba tôi là người trọng ơn nghĩa, đa phần bánh mứt má làm để ba tôi mang biếu. Má tôi làm nhiều thứ lắm: mứt khoai lang, mứt gừng (củ và xắt lát), mứt bí, bánh đậu xanh, bánh thuẫn…
Thời đó, nhà nào cũng có cái khuôn làm bánh thuẫn, thường được bày ra làm trong những đêm cận Tết. Chậu sành, cây đánh trứng và khuôn bánh nặng trịch là những vật dụng quen thuộc một thời tuổi nhỏ. Trứng vịt (cho bánh có màu vàng đẹp) đánh cho tới (nổi bọt) rồi thêm đường, thêm bột… Quan trọng là phải biết gia giảm lớp than dưới lò (rất ít) và than trên nắp khuôn sao cho cái bánh chín đều. Lấy cây tăm xiên vô bánh, bột không dính vào thân tăm là bánh chín.
Mùi bánh thơm ngọt ngào là một trong những mùi Tết khó quên nhất của tôi.