, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 13/10/2022, 16:00

Bài học đắt giá của "cha đẻ" gạo ST25

VƯƠNG NGỌC
(nld.com.vn)
Không rành quy định bảo hộ nhãn hiệu nên ông Hồ Quang Cua - tác giả chính của giống gạo "ngon nhất thế giới" ST25 - từng đứng trước nguy cơ bị mất quyền sở hữu chính chủ.

Đầu tháng 10/2022, tin vui đến với gia đình ông Hồ Quang Cua khi 3 nhãn hiệu "Gạo Ông Cua Viet Nam", "Gạo Ông Cua Viet Nam ST24 Rice" và "Gạo Ông Cua Viet Nam ST25 Rice" kèm logo đã được Cơ quan Quản lý Sở hữu trí tuệ Úc (IP Australia) cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu với pháp nhân là Doanh nghiệp (DN) tư nhân Hồ Quang Trí (tỉnh Sóc Trăng).

Từ buông xuôi tới quyết tâm đòi lại nhãn hiệu

Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Trí - Giám đốc DN tư nhân Hồ Quang Trí, con trai ông Hồ Quang Cua - về vụ việc lùm xùm liên quan đến nhãn hiệu gạo ST24, ST25 bị các DN ngoại đăng ký bảo hộ ở Mỹ và các thị trường trọng điểm khác hồi tháng 4/2021.

Thời điểm nhãn hiệu gạo chính chủ bị DN nước ngoài đăng ký bảo hộ, trò chuyện với phóng viên Báo Người Lao Động, không giấu được sự bất lực và buông xuôi, ông Hồ Quang Cua nói: "Tôi chỉ tập trung vào chuyên môn chọn tạo giống. Những vấn đề liên quan đến bảo hộ bản quyền, chống hàng giả rất phức tạp. Ngay tại Việt Nam, việc chống gạo ST25 giả cũng đã hết sức mệt mỏi. Còn ở thị trường Mỹ, ngay khi gạo ST25 vừa giành giải nhất cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới năm 2019", đã có nơi rao bán gạo này rồi".

Theo ông Hồ Quang Trí, sau khi nổ ra vụ việc gạo ST25 bị DN nước ngoài đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, dư luận nóng lên với nhiều ý kiến chỉ trích chủ thương hiệu không làm hết trách nhiệm với thương hiệu của chính mình. Từ đó, cha ông không còn buông xuôi mà quyết tâm theo đuổi đến cùng vụ việc. "Cha tôi quyết đòi lại thương hiệu gạo ST ở xứ người cũng như đăng ký bảo hộ tại những thị trường xuất khẩu gạo trọng điểm, dù khi đó chúng tôi chỉ cung cấp gạo cho thị trường nội địa" - ông Trí cho hay.

Đến nay, DN tư nhân Hồ Quang Trí - sở hữu nhãn hiệu "Gạo Ông Cua" - đã được cấp bảo hộ tại Liên minh châu Âu, Anh, Úc và Hồng Kông (Trung Quốc). Với những thị trường khác như Mỹ và cả Việt Nam, DN đang tiếp tục chờ được cấp bảo hộ.

Sản phẩm gạo ST25 được bày bán tại TP HCM.Ảnh: AN NA.
Nhãn hiệu “Gạo Ông Cua Viet Nam”, “Gạo Ông Cua Viet Nam ST24 Rice” và “Gạo Ông Cua Viet Nam ST25 Rice” kèm logo đã được Cơ quan Quản lý Sở hữu trí tuệ Úc cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu. (Ảnh do DNTN Hồ Quang Trí cung cấp).

Chi phí... "khá nhiều"

Ông Hồ Quang Trí kể khi thương hiệu gạo ST bị DN nước ngoài đăng ký bảo hộ, một tập đoàn lớn từng nhận lời hỗ trợ DN của ông thực hiện quy trình xin cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25 tại các thị trường quốc tế trọng điểm về xuất khẩu gạo thương hiệu, đồng thời lo toàn bộ chi phí. Tuy nhiên, tập đoàn này sau đó đã rút và gia đình ông Hồ Quang Cua tự đứng ra lo liệu các thủ tục. "Để bảo vệ thương hiệu hàng hóa ở các thị trường, DN cần sự trợ giúp của luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ. Về phía DN, chúng tôi cung cấp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhãn hiệu theo yêu cầu của luật sư ở từng giai đoạn" - ông Trí chia sẻ kinh nghiệm.

Khi hỏi về chi phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chủ DN tư nhân Hồ Quang Trí không tiết lộ con số cụ thể mà chỉ nói: "Khá nhiều!". Ông cho biết ở những thị trường mà sản phẩm chưa bị DN khác đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì quy trình đăng ký tương đối đơn giản, chỉ cần nộp hồ sơ theo yêu cầu và chờ ngày được cấp chứng nhận. Song, ở thị trường có DN khác đăng ký bảo hộ trước, cá nhân hoặc DN chính chủ phải theo đuổi việc khiếu nại vừa mất nhiều thời gian vừa tốn kém chi phí thuê luật sư. "Hành trình đòi thương hiệu ở xứ người vẫn đang tiếp tục và chúng tôi chưa ước lượng được tổng chi phí" - ông Trí cho biết thêm.

Theo giới luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ, để thương hiệu "Gạo Ông Cua" đạt được mục tiêu đăng ký bảo hộ ở những thị trường xuất khẩu trọng điểm, DN có thể phải chi đến vài tỉ đồng. Đây là con số không hề nhỏ với một công ty gia đình trong lĩnh vực lúa gạo.

Đáng nói, không phải chỉ cần bỏ ra một số tiền nhất định là DN có thể đăng ký bản quyền nhãn hiệu gạo ST trên diện rộng mà chỉ giới hạn ở thương hiệu "Gạo Ông Cua". Thực tế, ST25 là giống lúa có bản quyền thuộc DN tư nhân Hồ Quang Trí và DN này bán lúa giống ST25 ra thị trường. Do vậy, các ruộng canh tác giống lúa này đều thu hoạch gạo ST25 và cung cấp sản phẩm ra thị trường. "Hiện tại, sản lượng gạo ST25 chúng tôi bán ra thị trường chỉ khoảng 3.000 tấn/năm, cung không đủ cầu. Với lợi thế của mình, chúng tôi vẫn tập trung mảng lúa giống để cung cấp nhiều hơn giống lúa chất lượng tốt cho bà con. Cũng bởi vậy, chúng tôi chỉ có thể được bảo hộ "Gạo Ông Cua Viet Nam ST25 Rice". Những DN khác cũng có thể được bảo hộ gạo ST25 kèm tên DN và logo của họ" - ông Trí giải thích.

Ông Trí cho biết sau khi thương hiệu "Gạo Ông Cua" đăng ký bảo hộ thành công ở nước ngoài, gia đình ông nhận được nhiều lời chúc mừng và đề nghị chia sẻ kinh nghiệm. Ông cũng chỉ biết trả lời thật tình rằng: "DN muốn làm thì phải hỏi luật sư và nhớ chuẩn bị tiền để... trả phí". Bởi lẽ, quy định trong lĩnh vực này rất phức tạp, mỗi nước một khác; ngay tại thị trường Việt Nam, DN cũng cần thông qua luật sư để được tư vấn và thực hiện các thủ tục liên quan. 

Dùng công nghệ chống hàng giả

Theo chủ DN tư nhân Hồ Quang Trí, "Gạo Ông Cua" ST25 bị làm giả rất nhiều, đặc biệt ở thị trường các tỉnh phía Bắc. Thậm chí, nhiều trang mạng còn rao bán bao bì "Gạo Ông Cua" để đóng gói gạo không chính hãng. DN đã sử dụng giải pháp công nghệ cao là tem chống hàng giả có mã quét QR của Công ty CP iCheck để nhận biết hàng thật - giả, hỗ trợ quản lý hàng hóa lưu thông ngoài thị trường. Đối với người tiêu dùng, DN cũng thường xuyên đưa ra hướng dẫn mua hàng chính hãng, cảnh báo hàng giả, hàng nhái...

"Làm gạo thơm không dễ, nhất là khâu sau thu hoạch, nên DN phải hết sức tỉ mỉ trong việc kiểm soát chất lượng ở từng khâu. Không phải cứ trồng lúa ST25 thì sẽ có gạo ST25 ngon. Chúng tôi sợ người tiêu dùng mua phải "Gạo Ông Cua" ST25 giả, chất lượng kém thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu gạo ST25" - ông Hồ Quang Trí bày tỏ.

Chặn doanh nghiệp Úc đăng ký nhãn hiệu gạo ST

Ông Hồ Quang Cua cho hay trong quá trình xin cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tại thị trường Úc, DN nhận được sự chủ động hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Úc thông qua các biện pháp chặn DN khác đăng ký trước. Còn với thị trường Mỹ, do quy định khó khăn hơn nên dù DN đã theo đuổi hơn 2 năm vẫn chưa được cấp chứng nhận.

Trước đó, Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD (Úc) nhanh chân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24, ST25 "Rice; Best Rice of The World" từ tháng 4/2021. Theo dõi sát vụ việc, tháng 5-2021, Thương vụ Việt Nam tại Úc đã gửi công hàm tới IP Australia phản đối việc đăng ký thương hiệu gạo ST24 và ST25 của công ty trên.

Đến ngày 21/9 vừa qua, IP Australia đã công bố thông tin về hồ sơ đăng ký thương hiệu gạo ST24, ST25 "Rice; Best Rice of The World" của Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD với nội dung: Lapsed/Not Protected (Hết hiệu lực/Không bảo vệ). Như vậy, dù đăng ký bảo hộ trước nhưng DN này không được chấp nhận.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất