, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 15/03/2021, 14:37

Bài học từ chính sách phát triển cơ giới hóa nông nghiệp ở các nước

NGUYỄN HUY BÍCH
(Trưởng khoa Cơ khí - Công nghệ, Đại học Nông lâm TP.HCM)

Tổng kết thực tiễn trong nhiều năm tại các quốc gia khác nhau trên thế giới, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) đã chỉ ra rằng chính sách đóng vai trò rất quan trọng và có tính quyết định trong tiến trình phát triển cơ giới hóa nông nghiệp của các quốc gia đang phát triển. Từ các chính sách phát triển cơ giới hóa nông nghiệp của một số quốc gia quanh vùng và có nền sản xuất nông nghiệp khá tương đồng, chúng ta có thể rút ra được bài học gì cho Việt Nam?

Hình minh họa

Nhật Bản

Đây là nước có nền nông nghiệp được cơ giới hóa ở mức cao nhất trên thế giới và mang tính đặc thù về kích thước lô thửa canh tác nông nghiệp ở mức trung bình và nhỏ. Cấy lúa bằng máy ở Nhật Bản chiếm 99,8% diện tích, gặt đập liên hợp là 96%. Hiện nay, nông nghiệp Nhật Bản đã chuyển sang giai đoạn nông nghiệp thông minh với việc áp dụng triệt để công nghệ thông tin và điều khiển tự động. Các liên hợp máy không người lái, phun thuốc bằng thiết bị siêu nhẹ với lượng phun rất nhỏ nhưng đạt được yêu cầu bảo vệ thực vật. Công đoạn bảo quản và chế biến nông sản đã đạt đến trình độ an toàn tuyệt đối theo hướng canh tác hữu cơ.

Để có được những thành tựu đáng nể như vậy, Nhật Bản đã ban hành Luật về Cơ giới hóa nông nghiệp làm cơ sở pháp lý cho hoạt động cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Theo đó, Chính phủ khuyến khích thành lập các tổ chức tập thể mua và sử dụng chung máy móc thiết bị thông qua Hội Cơ khí Nông nghiệp Nhật Bản với 9 chi hội trên toàn quốc.

Trung Quốc

Trung Quốc luôn coi nông nghiệp là nền tảng của nền kinh tế quốc dân, trong đó cơ giới hóa đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển nông nghiệp. Vì thế, cơ giới hóa nông nghiệp đã sớm được Chính phủ Trung Quốc chú trọng và thực sự phát triển mạnh từ năm 1980. Đặc biệt, Trung Quốc đã đưa mục tiêu cơ giới hóa nông nghiệp vào 5 nhiệm vụ quan trọng nhất của cả nước trong giai đoạn 2004 - 2008. Chỉ trong một năm 2004 - năm ban hành Luật Khuyến khích Cơ giới hóa Nông nghiệp - Trung Quốc đã chi 5 tỷ USD để hỗ trợ cho việc trang bị máy nông nghiệp trong 66 huyện của 16 tỉnh. Năm 2008, Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư 13 tỷ Nhân dân tệ để hỗ trợ nông dân mua máy.

Một trong những lý do chính tạo nên sự phát triển nhanh số lượng máy nông nghiệp ứng dụng vào sản xuất của Trung Quốc, đó là đất nước này đã có chính sách phù hợp về trợ cấp cho nông dân trong việc mua máy móc nông nghiệp, cụ thể như hỗ trợ vay không lãi suất, hỗ trợ kinh phí mua máy nông nghiệp có trọng điểm theo từng giai đoạn phát triển. Bên cạnh đó, Trung Quốc chú trọng xã hội hóa hoạt động cơ khí hóa nông nghiệp, ưu tiên hỗ trợ và khuyến khích phát triển các hợp tác xã dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp thông qua chính sách thuế, đào tạo, cấp vốn và tín dụng. Mặt khác, quốc gia này đã điều chỉnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ưu tiên từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang công nghiệp hóa nông nghiệp.

Hình minh họa

Hàn Quốc

Một trong những chính sách đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp đầu tiên được thực thi tại Hàn Quốc là Luật Khuyến khích Cơ giới hóa Nông nghiệp ban hành năm 1978. Đến năm 1980, ngành nông nghiệp Hàn Quốc bắt đầu sử dụng máy gặt đập liên hợp và máy sấy. Đầu những năm 90, Hàn Quốc đã phát triển cơ giới hóa một cách đồng bộ. Trong điều kiện đất đai canh tác ít, giá công lao động cao, sản xuất nông nghiệp Hàn Quốc từ những năm 90 của thế kỷ trước đã có xu hướng chuyển sang công nghệ nông nghiệp kỹ thuật cao, sản xuất trong nhà kính với thiết bị điện tử tự động hóa.

Cơ giới hóa ở Hàn Quốc chủ yếu được áp dụng trong các trang trại nông nghiệp, trong đó hoạt động sản xuất lúa được cơ giới hóa hoàn toàn, mang tính đồng bộ cao. Hàn Quốc cũng là nước đầu tiên ở châu Á đề ra chiến lược tổng thể về cơ giới hóa nông nghiệp theo hệ cơ khí nhỏ là chủ yếu và đã thực hiện thành công. Chính phủ có chính sách hỗ trợ nông dân cơ giới hóa, khuyến khích lập các tổ cơ giới hóa nông nghiệp của nông dân, cho vay 60% và trợ cấp 40% tiền mua máy, thời hạn cho vay là 5 năm, lãi suất 6%/năm. Kể từ khi bắt đầu triển khai chính sách phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, Hàn Quốc đã tiến hành liên doanh với nước ngoài, chủ yếu là Nhật Bản để chế tạo động cơ và máy kéo nhỏ rồi tiến lên tự sản xuất ở trong nước, phần lớn là các máy móc chủ yếu cho nông nghiệp. Đến nay, điểm nổi bật về cơ khí nông nghiệp của Hàn Quốc là hầu như toàn bộ máy móc dùng trong nông nghiệp đều được sản xuất ngay tại quốc gia này, không nhập ngoại. Đây là bài học có tính nguyên lý là không một quốc gia nào thành công cơ giới hóa nông nghiệp nếu nhập máy từ nước ngoài.

Đài Loan (Trung Quốc)

Đài Loan bắt đầu triển khai thực hiện chính sách phát triển cơ giới hóa vào những năm 70, cụ thể, từ năm 1970 - 1983, cơ giới hóa cây lúa và sấy nông sản được áp dụng một cách đồng bộ và toàn diện. Đặc biệt, trong giai đoạn này phát triển mạnh các trung tâm sản xuất mạ non và sử dụng máy cấy trong cả nước. Đến năm 1986, quốc gia này đã có 1.445 trung tâm, mỗi trung tâm phục vụ từ 200 - 400 ha gieo trồng. Các trung tâm này kết hợp với hơn 600 trạm máy kéo và máy nông nghiệp để hoàn thành toàn bộ các khâu sản xuất trên đồng theo hình thức hợp đồng dịch vụ với nông dân. Đến năm 1995, Đài Loan cơ bản hoàn thành cơ giới hóa nông nghiệp, tỷ lệ cơ giới hóa các khâu đạt 95%. Để khắc phục khó khăn cho các nông hộ thiếu vốn, Chính phủ trợ cấp tín dụng để mua sắm máy móc, đặc biệt là hỗ trợ cho những nông dân trẻ tuổi đầu tư mua sắm máy nông nghiệp để làm dịch vụ cơ giới.

Hình minh họa

Thái Lan

Thái Lan là một trong những quốc gia đã thực hiện thành công chính sách cơ giới hóa nông nghiệp. Trong đó, đáng chú ý là việc ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với ngành công nghiệp chế biến nông sản sau thu hoạch như miễn thuế thu nhập cho các doanh nghiệp mới đầu tư vào nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch; giảm 5 - 10% số thuế phải nộp hàng năm đối với đầu tư vào các lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản; nâng mức lương khởi điểm của các cán bộ khoa học công nghệ trong các cơ quan nghiên cứu lên gấp 3 lần so với mức lương tối thiểu; cán bộ giảng dạy và giáo sư trong một số chuyên ngành được tiếp tục công việc của mình sau khi nghỉ hưu. Để đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, từ những năm 90 của thế kỷ XX, Chính phủ Thái Lan đã có chính sách miễn thuế nhập khẩu máy móc thiết bị và chuyển giao công nghệ của nước ngoài; giảm 5% thuế thu nhập của công ty trong 5 năm sau thời kỳ được miễn thuế. Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Mỹ, Đức đầu tư vào lĩnh vực chế biến xuất khẩu gạo. Nhờ đó các dây chuyền công nghệ thiết bị xay xát, đánh bóng gạo của Thái Lan đạt đến trình độ hiện đại, bảo đảm xuất khẩu chất lượng cao, ổn định.

Thái Lan với xuất phát điểm không có ngành cơ khí phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc; không có chính sách riêng về phát triển cơ giới hóa nông nghiệp mà nằm trong tổng thể phát triển ngành nông nghiệp, nhưng Thái Lan đã khá thành công trong phát triển cơ giới hóa nông nghiệp nhờ chiến lược hợp lý, đó là khuyến khích nhập máy và công nghệ được nhà nước miễn giảm thuế; tổ chức sản xuất trong nước và khuyến khích nông dân mua máy do cơ khí trong nước chế tạo; có cơ chế bảo hành và sửa chữa miễn phí trong vòng từ 1 đến 3 năm. Nhờ vậy mà hiện nay máy gặt đập liên hợp mang nhãn hiệu Thái Lan đã ra đời, một số loại còn được xuất khẩu.

*

Có thể thấy một số nước trong khu vực và tương đồng với Việt Nam đã đạt được trình độ cao về cơ giới hóa. Sự thành công đó có sự đóng góp rất lớn của các chính sách. Nhìn nước bạn, nghĩ về mình, có thể nhận thấy một trong những vấn đề trong cơ giới hóa nông nghiệp Việt Nam là cần có những chính sách hướng đến đầu tư cho tổ, nhóm, hợp tác xã làm dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp thay vì đầu tư trực tiếp cho từng hộ nông dân.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất