, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 05/04/2021, 11:16

Bài học từ Hợp tác xã Gò Gòn

NAM TÚ

Trên con đường dọc theo tuyến kênh nội đồng của xã Hưng Thạnh (Tân Hưng, Long An), không quá khó để bắt gặp trụ sở của HTX Gò Gòn cạnh cánh đồng lúa chạy miết đến chân trời. Về Hưng Thạnh mà nhắc đến hợp tác xã (HTX) thì ai cũng kể về “HTX Gò Gòn”.

Anh Trương Hữu Trí, Giám đốc HTX Gò Gòn.

Những bước đi đầu tiên

Khi mới thành lập vào năm 2005, HTX Gò Gòn chỉ hỗ trợ xã viên dịch vụ bơm nước, còn quy trình sản xuất thế nào thì bà con vẫn phải chủ động. Sự thiếu kinh nghiệm trong điều hành cùng với những khó khăn về vốn đã gây ra nhiều rào cản cho việc mở rộng hoạt động của HTX. Nhớ lại khoảng thời gian này, ông Trương Hữu Trí, Giám đốc HTX Gò Gòn tâm sự: “Phải thừa nhận một điều là nếu không có phương án huy động vốn tốt, việc tiếp nhận thông tin từ thị trường không đảm bảo... thì rất khó để HTX hoạt động hiệu quả”. Trầy trật suốt mấy năm, có lúc đứng trước nguy cơ phá sản và phải giải thể, nhưng bằng sự kiên trì và quyết tâm của những người đứng đầu, HTX Gò Gòn đã từng bước vượt qua những khó khăn.

Định hướng trở thành đơn vị cung cấp các dịch vụ lợi ích đầu vào và lợi ích đầu ra cho các thành viên, HTX Gò Gòn đã tiến hành liên kết với các công ty đầu vào để trở thành đại lý cấp 1, phân phối vật tư nông nghiệp cho xã viên với mức giá tốt nhất. Nhờ vậy mà bà con giảm được một phần lớn chi phí trong sản xuất.

Ban lãnh đạo HTX còn lên kế hoạch hoạt động với những mục tiêu cụ thể, thiết thực và có hẳn lộ trình bài bản theo từng giai đoạn dài hạn, trung hạn, từng năm… Nhờ vậy, HTX Gò Gòn đã tạo được sự tin tưởng đối với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và tranh thủ được các nguồn lực hỗ trợ: được chọn tham gia Dự án Cạnh tranh nông nghiệp với giá trị đầu tư trên 4 tỷ đồng, được huyện Tân Hưng xét hỗ trợ 40% giá trị đường dây điện lò sấy và trang thiết bị trạm bơm tưới; được tỉnh Long An hỗ trợ 30% vật tư, gồm lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đầu tư xây dựng mô hình sản xuất nông sản sạch theo hướng VietGap vụ hè thu năm 2015. Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh cũng hỗ trợ cho HTX vay vốn.

Từ năm 2015, HTX Gò Gòn là một trong những đơn vị tham gia dự án VnSat. Ông Trương Hữu Trí kể lúc bấy giờ khó khăn lớn nhất của HTX là không có đủ vốn đối ứng. Lúc này, Ban Giám đốc HTX lại là những người tiên phong, tự bỏ vốn ra để “làm tin”, nhằm mang các dự án hỗ trợ về với những cánh đồng của Gò Gòn.

Liên kết sản xuất

Để không ngừng phát triển HTX Gò Gòn, những người đứng đầu HTX luôn trăn trở đặt ra nhiều câu hỏi về cách làm của một HTX kiểu mới. Nếu là HTX nông nghiệp thì chủ trương như thế nào? Liên kết sản xuất ra sao để cho hiệu quả tối ưu?... Đi tìm đáp án cho các trăn trở đó, anh trương Hữu Trí nhận ra muốn HTX hoạt động tốt trong bối cảnh hiện nay thì người điều hành phải đa năng, vừa nắm chắc chính sách, vừa hiểu về sản xuất, vừa phải liên kết tốt với thị trường để mang lại lợi ích tối đa cho thành viên. Bởi vậy, HTX Gò Gòn đã triển khai mô hình Cánh đồng lớn liên kết 4 nhà (Nhà nước, Nhà Doanh nghiệp, Nhà khoa học, Nhà nông), kết hợp với thực hiện chương trình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để cải thiện tình trạng tổ chức sản xuất vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, phân tán của bà con nông dân. Ban Giám đốc HTX đã phối hợp với các cơ quan chức năng trang bị cho từng thành viên về quy trình, kiến thức và kỹ thuật để có thể thực hiện sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo quy trình VietGAP và hướng hữu cơ.

Thông qua các lớp đào tạo và cấp giấy chứng nhận chất lượng theo chương trình sản xuất 3 giảm 3 tăng (Giảm lượng giống gieo sạ - Giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh - Giảm lượng phân đạm; Tăng năng suất lúa - Tăng chất lượng lúa gạo - Tăng hiệu quả kinh tế), 1 phải 5 giảm (Phải sử dụng lúa giống xác nhận; Giảm lượng giống gieo sạ - Giảm thuốc bảo vệ thực vật - giảm lượng phân đạm - giảm lượng nước - giảm thất thoát sau thu hoạch), sản xuất theo hướng hữu cơ… thành viên của HTX đã sản xuất thống nhất theo quy hoạch và có định hướng nên năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Bên cạnh việc duy trì dịch vụ bơm tưới nông nghiệp, HTX Gò Gòn còn tự tìm tòi và đưa vào khai thác thêm một số dịch vụ phục vụ sản xuất như bổ trợ làm đất, thu hoạch, vận chuyển nông sản; sản xuất và cung ứng lúa giống… Đặt ra tiêu chí cùng mua chung, bán chung, HTX luôn chủ động tìm kiếm doanh nghiệp liên kết để cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, HTX còn tổ chức tư vấn về kỹ thuật trồng trọt, đồng hành cùng các thành viên trong việc áp dụng các mô hình mới mang lại lợi ích kinh tế cao. Nhờ phát triển đồng bộ mà HTX Gò Gòn đã hình thành được chuỗi sản xuất khép kín, quản lý được vùng nguyên liệu lớn trồng nhiều loại gạo chất lượng cao như ST24, OM4900, Đài thơm 8, OM7347... Từ đó, đảm bảo cung ứng cho các công ty xuất khẩu.

Tạo dấu ấn riêng

Năm 2018, HTX Gò Gòn đã tiến thêm một bước khi bắt tay vào xây dựng thương hiệu gạo tập thể Gò Gòn, sản xuất từ lúa giống ST24 gốc tím theo hướng hữu cơ. Kết quả trồng thử nghiệm trên 10ha cho thấy giống lúa này có năng suất khá ổn định. Cụ thể, ở vụ đông xuân, tổng sản lượng thu được trên 1ha đạt 5 tấn, vụ hè thu đạt 6 tấn. Cùng với những tín hiệu tích cực từ thị trường, năm 2020, HTX Gò Gòn đã triển khai trồng nhân rộng giống lúa này cho các thành viên. Quy trình sản xuất khép kín theo hướng hữu cơ đã giúp giảm được rất nhiều chi phí đầu vào, gia tăng giá trị sản phẩm đáng kể, mở ra hướng đi mới nhằm khẳng định thêm uy tín và thương hiệu của HTX Gò Gòn đối với thị trường.

Gạo Gốc tím - sản phẩm gạo tập thể của HTX Gò Gòn.

Nói về định hướng tham gia vào xuất khẩu để tối ưu lợi ích cho thành viên HTX, ông Trương Hữu Trí chia sẻ: “Chúng tôi vẫn còn phải học hỏi nhiều để có thể đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Trước mắt, HTX sẽ liên kết với các công ty xuất khẩu, đồng thời, chủ động trau giồi kiến thức và kinh nghiệm để hướng đến tự mình đưa các sản phẩm của HTX ra thị trường quốc tế”.

Điều kiện cho sản xuất dần đảm bảo, năng suất các vụ mùa được cải tiến, lợi nhuận tăng lên trông thấy… là những lợi ích cụ thể làm cho bà con đặt niềm tin và tham gia tích cực vào HTX. Đến nay, 100% hộ sản xuất trên địa bàn ấp Gò Gòn đã là thành viên của HTX Gò Gòn. Không những vậy, HTX Gò Gòn còn thu hút thêm sự tham gia từ các ấp lân cận và trở thành động lực cho sự ra đời của các HTX nông nghiệp khác trên địa bàn xã Hưng Thạnh.

Hiện nay, HTX Gò Gòn có 120 thành viên chính thức là các hộ sản xuất liên ấp trên địa bàn xã Hưng Thịnh, với tổng diện tích sản xuất nông nghiệp là 564ha. HTX Gò Gòn còn hỗ trợ cho sự ra đời của các HTX khác trên địa bàn xã Hưng Thạnh như HTX Hưng Tân (ấp Hưng Tân), HTX Thiên Tân (ấp Hưng Trung), HTX Tân Hưng (ấp Gò Gòn)…

Trong 5 năm liền, HTX Gò Gòn đã đạt được nhiều danh hiệu tiêu biểu như được Sở NN&PTNT – Chi cục Phát triển Nông thôn và Liên minh HTX tỉnh Long An chọn là HTX điển hình tiên tiến cấp tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp, nhận Bằng khen của Bộ NN&PTNT (2015, 2019), Bằng khen của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016), Bằng khen của UBND tỉnh Long An (2016)...

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất