, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 23/08/2022, 11:30

Bài toán không dễ cho việc giảm rác thải nhựa ở Đông Nam Á

LINH LA
(www.phunuonline.com.vn)
Lo lắng về biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, các quốc gia đang từ bỏ thói quen sản xuất và tiêu dùng tuyến tính để phát triển nền kinh tế tuần hoàn với mục tiêu “khai thác, chế tạo, sử dụng, tái sử dụng và tái chế nhiều lần”.

Kinh tế tuần hoàn là cơ hội vàng

“Khai thác, chế tạo, sử dụng, vứt bỏ” là cách tiếp cận tiêu chuẩn đối với sản xuất và tiêu dùng trong nhiều thập niên. Các công ty lấy nguyên liệu thô và biến chúng thành sản phẩm, người tiêu dùng mua, sử dụng và cuối cùng sẽ vứt bỏ, tạo ra chất thải cho các bãi rác và đại dương.

Chu trình này dẫn đến một hệ thống hoạt động kém hiệu quả, tốn kém và ngày càng làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, làm hỏng hệ sinh thái, tạo ra khí CO2 làm trái đất ấm lên. Sản phẩm phụ của mô hình tuyến tính là chất thải vật chất, chiếm không gian và có thể bao gồm các chất gây ô nhiễm. Do đó, nền kinh tế tuần hoàn và tái chế là phương thức được quan tâm nhiều nhất hiện nay. 

Một tình nguyện viên thu gom rác từ sông Pasig bị ô nhiễm nặng, ở Baseco, Manila (Philippines) - ẢNH: REUTERS
Một tình nguyện viên thu gom rác từ sông Pasig bị ô nhiễm nặng, ở Baseco, Manila (Philippines) - Ảnh: REUTERS

Hầu hết các sản phẩm trong nền kinh tế tuyến tính chỉ có thể được tái chế, nghĩa là chúng sẽ mất một phần chất lượng sau mỗi vòng đời và cuối cùng trở thành chất thải. Một nền kinh tế tuần hoàn sẽ không cần nguyên liệu đầu vào mới, qua đó giảm lượng khí thải, chất thải và cuối cùng là chi phí. Một số ngành công nghiệp đã tiến gần đến điều này.

Chẳng hạn hầu hết xe hơi đều có thể được thu hồi, tái chế, tái sử dụng. Các ngành công nghiệp khác chẳng hạn như thời trang thì còn cách mục tiêu này rất xa. Helen Burdett - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu nền kinh tế tuần hoàn tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới - giải thích: “Thứ nhất, nền kinh tế tuần hoàn bảo vệ thiên nhiên thông qua việc giảm phụ thuộc vào các vật liệu nguyên sinh. Thứ hai, nó tăng cường khả năng thu hồi lợi nhuận cho doanh nghiệp. Thứ ba, nó giúp giảm lượng khí thải đến gần một nửa”.

Tất nhiên, việc tạo ra một chu kỳ sản xuất hoàn toàn tự cung tự cấp là hầu như không thể. Bổ sung một số nguyên liệu mới đầu vào luôn là điều cần thiết và một số chất thải sẽ luôn được tạo ra. Dù vậy, các chính phủ vẫn đưa ra những cam kết xuyên biên giới và phát triển các kế hoạch hành động để thúc đẩy người tiêu dùng đến với một nền kinh tế tuần hoàn, cũng như thúc đẩy các nhà sản xuất đầu tư vào chuỗi cung ứng vòng tròn. Vào tháng Ba, 175 quốc gia đã bắt đầu đàm phán về một hiệp ước ràng buộc nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa. Các quốc gia như Canada đi đầu bằng cách cấm đồ nhựa sử dụng một lần và thúc đẩy các cửa hàng, nhà hàng đầu tư vào các giải pháp thân thiện với môi trường.

Giải quyết ô nhiễm nhựa ở Đông Nam Á 

Ước tính hiện đang có khoảng 11 triệu tấn nhựa đổ vào đại dương mỗi năm. Nếu không có hành động khẩn cấp, con số này sẽ tăng gấp 3 lần trong 2 thập niên tới. Đông Nam Á nổi lên như một điểm nóng về ô nhiễm nhựa, với tốc độ đô thị hóa nhanh, tầng lớp trung lưu tăng và cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ để quản lý chất thải. Một nửa trong số mười quốc gia hàng đầu góp phần gây rò rỉ nhựa ra sông và biển thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Nền kinh tế nhựa nói chung chỉ gồm một chu kỳ “khai thác, chế tạo và thải loại”. Tại Malaysia, Philippines và Thái Lan, hơn 75% giá trị nguyên liệu của nhựa tái chế bị bỏ qua, lãng phí tương đương 6 tỷ USD mỗi năm. Hiện các quốc gia trên khắp Đông Nam Á đã và đang chuẩn bị các kế hoạch hành động nhằm đẩy mạnh nền kinh tế tuần hoàn, ưu tiên các chính sách liên quan đến nhựa. 

ASEAN đã công bố Tuyên bố Bangkok về chống rác thải nhựa đại dương vào năm 2019. Hai năm sau, Kế hoạch hành động khu vực ASEAN nêu rõ 14 ưu tiên cho các quốc gia thành viên. Tháng Sáu vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt khoản tài trợ 20 triệu USD để hỗ trợ các hành động này. Bao gồm tăng cường và hài hòa các chính sách chi phối việc sản xuất, sử dụng nhựa trong toàn khu vực. Các quốc gia cũng áp dụng phương pháp sáng tạo để đo lường và giám sát sự rò rỉ nhựa trên đất liền, sông và biển trong khu vực. Như giám sát bằng máy bay không người lái ở Campuchia hay đánh giá cơ bản về việc thải nhựa ở Indonesia. 

Những sáng kiến thị trường và luật pháp vốn thành công trên thế giới cũng được thí điểm. Chẳng hạn đánh thuế đối với túi nhựa, cấm một số sản phẩm nhựa và chương trình hoàn lại tiền ký gửi chai lọ để đựng thay cho đồ nhựa. Đáng chú ý, khu vực tư nhân ngày càng giúp thúc đẩy các giải pháp. Các chính sách như mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất đang được nghiên cứu, giúp đảm bảo rằng các công ty đưa sản phẩm nhựa ra thị trường phải trả tiền cho việc thu gom, phân loại và tái chế sau khi sử dụng. Mối quan tâm về tác hại của rác thải nhựa của xã hội không ngừng nâng cao, với động lực tập trung vào việc thiết kế các sản phẩm để giảm thiểu chất thải, cùng với việc tái sử dụng hoặc tái chế. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất