, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 02/09/2022, 11:30

Băng tan có thể nhấn chìm những vùng đất có hàng trăm triệu người sinh sống

HOÀNG CHÂU
(baotintuc.vn)
Các nhà khoa học cho rằng mực nước biển dâng - chủ yếu do tình trạng băng tan tại Greenland và Nam Cực - sẽ vẽ lại bản đồ thế giới trong những thế kỷ tới, trong đó những vùng đất mà hàng trăm triệu người đang sinh sống có thể bị nước nhấn chìm.
Chú thích ảnh
Băng trôi trên vùng biển phía đông Greenland. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Tình trạng băng tan tại Greenland - nơi băng bao phủ 80% diện tích bề mặt  -  sẽ khiến mực nước biển tăng gấp đôi mức dự báo hiện tại, trong điều kiện ấm lên toàn cầu hiện nay chứ chưa tính mức nhiệt còn gia tăng trong tương lai. Đây là kết luận được đưa ra trong nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature Climate Change mới đây.

Lớp trên của băng thường dày lên do tuyết rơi hằng năm, song kể từ năm 1980, băng tan nhanh chóng do tác động của biến đổi khí hậu, khiến lượng tuyết rơi không thể bù đắp được lượng băng hao hụt.

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết hiện nay băng tan tại Greenland là nguyên nhân chính khiến mực nước biển dâng do nhiệt độ ở Bắc Cực đang tăng nhanh hơn so với phần còn lại của Trái Đất.

Các nhà khoa học cho rằng mực nước biển dâng - chủ yếu do tình trạng băng tan tại Greenland và Nam Cực - sẽ vẽ lại bản đồ thế giới trong những thế kỷ tới, trong đó những vùng đất mà hàng trăm triệu người đang sinh sống có thể bị nước nhấn chìm.  

Trong nghiên cứu này, các chuyên gia về băng cho biết mức nhiệt độ hiện nay sẽ khiến thể tích băng ở Greenland giảm 3,3%, đồng thời có thể khiến mực nước biển dâng 27,4cm - cao gấp đôi dự báo hiện tại. 

Tuy không đưa ra được khung thời gian chính xác cho thay đổi trên, song các nhà nghiên cứu cho rằng điều này có thể xảy ra vào năm 2100, đồng nghĩa những dự báo hiện nay của các chuyên gia về mực nước biển dâng có thể đang đánh giá thấp rủi ro thực tế. 

Một báo cáo do Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) công bố năm ngoái đã đưa ra ước tính trong kịch bản mức phát thải nghiêm trọng nhất, cho rằng tình trạng băng tan riêng tại Greenland sẽ khiến mực nước biển tăng 18cm vào năm 2100.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của ông Jason Box - chuyên gia thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Quốc gia Đan Mạch và Greenland - chỉ ra rằng những dự báo của IPCC có thể chưa sát với thực tế. Thay vì sử dụng các mô hình máy tính, ông Box và các đồng nghiệp đã sử dụng phép đo và dữ liệu quan sát tích lũy trong 2 thập kỷ để dự đoán cách thức các tảng băng ở Greenland sẽ thay đổi dựa trên tình trạng ấm lên xảy ra hiện nay

Ông Box cho biết kết quả "đáng kinh ngạc" trên chỉ là mức ước lượng thấp nhất, do chưa bao gồm yếu tố ấm lên toàn cầu trong tương lai. Ông Box cảnh báo một điều chắc chắn rằng tình trạng ấm lên sẽ tiếp diễn tại khu vực Greenland, khiến tình trạng băng tan xảy ra nhanh chóng. 

Nghiên cứu trên ước tính nếu mức độ băng tan cao ghi nhận năm 2012 trở thành hiện tượng thường niên, thì mực nước biển có thể dâng thêm 78cm, đủ để nhấn chìm các vùng bờ biển trũng thấp trong nước và khiến triều cường, lũ lụt dâng cao. 

Nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng gần 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, dẫn đến sự gia tăng về tần suất lẫn cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán hay bão. 

Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (2015), các quốc gia nhất trí hạn chế mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ C. Trong báo cáo về tác động khí hậu năm 2022, IPCC cho biết ngay cả khi mức tăng nhiệt độ trong khoảng từ 2 - 2,5 độ C, thì các đường bờ biển sẽ tiếp tục định hình lại trong nhiều thiên niên kỷ, theo đó ảnh hưởng đến ít nhất 25 siêu đô thị và nhấn chìm các khu vực trũng thấp là nơi sinh sống của khoảng 1,3 tỷ người trong năm 2010.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất