, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 01/06/2018, 10:57

Bánh gừng ở lễ hội Bà Thu Bồn

Theo XUÂN THỌ (Báo Quảng Nam)

Trong 5 loại bánh mà những người phụ nữ xã Duy Tân (huyện Duy Xuyên) trổ tài làm để dâng cúng Bà Thu Bồn nhân dịp lễ hội cùng tên vừa diễn ra trong 2 ngày 27 và 28.3 (nhằm ngày 11 và 12.2 âm lịch) vừa rồi, thì bánh gừng là một loại bánh khá lạ, tuy đã có mặt từ khá lâu trong mâm lễ vật dâng cúng vào mỗi dịp lễ như thế này hoặc gia đình có tang ma...

Bánh gừng được làm bằng một nếp với một ít đường. Được nhào nặn, tạo hình trên bề mặt lá chuối. Ảnh: XUÂN THỌ
Bánh gừng được làm bằng một nếp với một ít đường. Được nhào nặn, tạo hình trên bề mặt lá chuối. Ảnh: XUÂN THỌ

Cùng với bánh gừng, còn có 4 loại bánh khác nữa là bánh chưng, bánh ít, bánh ú và bánh vuông. Tất cả đều được làm bởi bàn tay khéo léo, đầy lòng thành kính của phụ nữ Duy Tân, cùng với têm trầu trước khi dâng cúng.

Sau đó cho vào chảo dầu đang sôi để chiên. Ảnh: XUÂN THỌ
Sau đó cho vào chảo dầu đang sôi để chiên. Ảnh: XUÂN THỌ

Về phần bánh gừng, thoạt tiên nghe cái tên, nếu không phải là người địa phương phần lớn đều nghĩ nó được làm từ củ gừng.

Bởi trên thực tế, loại bánh độc đáo này được làm từ nguyên liệu chính là bột nếp và một ít đường. Được tạo hình mô phỏng theo hình dáng củ gừng, nên được gọi là bánh gừng!

Chiên cho đến khi bánh chín ngả sang màu vàng gần giống màu củ gừng là vớt ra, để ráo dầu. Ảnh: XUÂN THỌ
Chiên cho đến khi bánh chín ngả sang màu vàng gần giống màu củ gừng là vớt ra, để ráo dầu. Ảnh: XUÂN THỌ

Bà Lê Thị Mười (64 tuổi, thôn 2, xã Duy Tân) cho biết, trước khi làm bánh gừng, thì bột nếp (cùng một ít đường) được nhào nhuyễn với nước lã vừa đủ kết dính. Sau đó nặn và tạo hình hỗn hợp rồi gắn kết với nhau thành hình củ gừng trên bề mặt lá chuối.

Tạo hình xong, để tránh bị gãy, người làm bê nguyên lá chuối ấy nhẹ nhàng bỏ vào chảo dầu đang sôi để chiên bánh. Nhiệt độ của dầu ăn nhanh chóng bóc tách bánh gừng khỏi lá chuối, người chiên  vớt lá chuối ra để khỏi bị cháy, làm đen chảo dầu. Chiên đến khi nào bánh chín vàng rực - gần giống màu củ gừng là vớt ra.

Gắn kết bánh gừng thành hình tháp trước khi dâng cúng Bà Thu Bồn. Ảnh: XUÂN THỌ
Gắn kết bánh gừng thành hình tháp trước khi dâng cúng Bà Thu Bồn. Ảnh: XUÂN THỌ

Trong những ngày diễn ra Lễ hội Bà Thu Bồn, chúng tôi cố tìm hỏi xuất xứ cái tên bánh gừng nhưng những người lớn tuổi đều nói không rõ gốc tích. “Có hỏi ông bà cha mẹ thì họ nói bánh gừng có từ lâu rồi. Thấy người lớn làm, mình làm theo mấy chục năm nay rứa đó” - bà Huỳnh Thị Ánh Tuyết (70 tuổi) - người có đến 50 năm làm bánh gừng ở Duy Tân cho hay.

Cũng theo bà Tuyết, trước giải phóng, bánh gừng chỉ những nhà khá giả về kinh tế mới có điều kiện mua nếp về xay bột để làm. Kể từ sau giải phóng, đời sống dần dần khá lên và hầu hết nhà nào cũng làm bánh gừng.

Bánh gừng là loại bánh không làm thường xuyên, mà chỉ làm vào dịp tết, lễ lạt, giỗ chạp, dâng cúng… “Đặc biệt, nếu nhà có người mất, thì mâm cúng ngày đầu tiên phải có bánh gừng” - bà Tuyết cho biết thêm.

Thành kính dâng cúng Bà Thu Bồn. Ảnh: XUÂN THỌ
Thành kính dâng cúng Bà Thu Bồn. Ảnh: XUÂN THỌ

Tìm hiểu được biết, sở dĩ lấy hình tượng bánh gừng vì đây là một loại củ dễ mọc, dễ sinh sôi phát triển dù điều kiện sống có khó khăn. Qua đó, tượng trưng cho sự vươn lên, không chịu khuất phục trước những chướng ngại vật.

Đặc biệt, với lễ hội lớn như Lễ hội Bà Thu Bồn, bánh gừng còn được ghép với nhau tạo thành hình trụ tròn hoặc hình nón, hình chóp... là thứ lễ vật khong phải ở đâu cũng có. Đó cũng là cách người dân địa phương bày tỏ lòng tôn kính của mình đối với Bà Thu Bồn.

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất