, //, :: GTM+7

Bánh phồng-Hương tết đồng quê

Bánh phồng đi vào thi ca, nghệ thuật như đặc trưng của không gian tết. trong tuồng tuyệt tình ca, soạn giả hoa phượng viết “cứ mỗi lần bông ô môi nở hường trong gió chướng, mỗi lần tiếng quết bánh phồng rộn rã đón xuân sang….”. Âm vang tiếng quết bánh dập dồn nửa đêm về sáng và sinh hoạt tương trợ của người dân thôn xóm là nét văn hóa rất riêng của tết nam bộ.

Với người miền Nam, nhất là vùng Tây Nam bộ, bánh phồng thân thuộc không chỉ vì khẩu vị, nguyên liệu đều là thứ cây nhà lá vườn mà cách làm bánh, cách nướng bánh cũng tạo ra không gian đầm ấm, đoàn kết gia đình tình làng nghĩa xóm.

Người thợ vừa lăn trở bột và cho thêm các loại gia vị
Người thợ vừa lăn trở bột và cho thêm các loại gia vị

Khác với những thức ăn khác có thể làm trong im lặng, bánh phồng là loại bánh biết nói, tiếng chày quết bánh phồng vang vang trầm ấm giữa đêm khuya về sáng trong mùa giáp Tết, nhất là sau ngày 23 tháng Chạp đã trở thành ký ức, là hoài niệm về không gian Tết của bao thế hệ người Việt từ 6x về trước.

Bánh phồng hiếm khi được quết ban ngày mà thường quết bánh vào nửa đêm về sáng. Chính nhịp chày âm vang trong gió chướng lúc nửa đêm về sáng đã pha chất thi vị cho không gian làng quê những ngày giáp Tết.

Không phải người dân cố tình tạo ra sự lãng mạn, thi vị mà điều kiện sản xuất thủ công thời đó, các công đoạn của việc làm bánh phồng buộc phải làm đêm mới bảo đảm bánh thật ngon nở phồng, thơm xốp. Các công đoạn này không được rời rạc mà phải liên tục và phối hợp nhuần nhuyễn của những bàn tay khéo léo.

Phân chia theo nguyên liệu, có hai loại bánh phồng nếp và bánh phồng mì (sắn theo miền Bắc). Dù theo loại nào cách làm bánh cũng trải qua các công đoạn xôi nếp, hấp mì; quết bột; cán bánh và phơi liên tục với nhau.

Xôi nếp phải quết khi đang nóng, bột nếp quết xong phải cán ngay nếu không sẽ bị khô, sượng, cán xong phải phơi dưới nắng trực tiếp để bánh khô đều không bị ương. Chính vì vậy, bánh phồng thường được quết từ nửa đêm về sáng để kịp đưa ra phơi nắng sớm.

Ngay với những làng nghề làm bánh phồng bán ra thị trường như Đăng Hưng Phước, Chợ Gạo Tiền Giang hay bánh tráng Sơn Đốc ở xã Hưng Nhượng, Giồng Trôm, Bến Tre, những gia đình làm bánh phải ngủ từ lúc chạng vạng để lấy sức vì trễ lắm là lúc gà gáy đợt đầu thì tiếng chày quết bánh phồng đã vang lên râm ran khắp xóm.

TÌNH NGƯỜI TRONG BÁNH

Thông thường mỗi mẻ bánh là 16 lít nếp, khi xôi chín chia thành hai cối, quết thật nhuyễn. Người không chuyên không có công cụ quết bằng chày vồ rất nặng nhọc, mất sức vì mỗi cối phải quết trên 300 chày.

Những nhà làm bánh chuyên nghiệp có chày giả đạp bằng chân, do hai ba người cùng phối hợp. Trong lúc quết có một thợ vùa, ngồi ngay bên cạnh cối để lăn trở bột và cho thêm các loại gia vị nước cốt, đường vào bột. Bánh ngon hay dở phần lớn được quyết định từ khâu này, người vùa khéo tay lăn trở đều gia vị ngấm tan đều, bột nhuyễn mịn không bị chai sượng.

Bột đã nhuyễn mịn được chuyển sang công đoạn bắt, cán gồm một người bắt bột và nhóm bảy tám người cán bánh ngồi quanh nhau trên tấm đệm hay trên sạp gỗ.

Người thợ cả bắt bột vò thành viên tròn, ném cho từng người cán dùng ống cán tre ép bột thành chiếc bánh tròn đều. Những người bắt bánh lành nghề chỉ bằng tay có thể ngắt ra những cục bột khối lượng bằng nhau chỉ chênh lệch một vài gram. Người bắt giỏi một mình có thể phân chia bột cho năm bảy người cán.

Những bàn tay cán bột khéo léo mềm mại như múa trên cục bột lại làm ra cái bánh có độ dày đều nhau tăm tắp vì nếu có chỗ dày chỗ mỏng khi phơi bánh sẽ bị nổ và khi nướng bánh không tròn đều, giòn xốp. Bánh cán xong được trải ra các tấm đệm bàng hoặc chiếu lát để kịp phơi khi trời hửng nắng.

TÌNH LÀNG NGHĨA XÓM KẾT TRONG CÁI BÁNH!

Sinh hoạt tình làng nghĩa xóm trước đây khi cái bánh chưa là hàng hóa, người dân tự làm bánh để cúng ông bà và đãi khách trong ba ngày tết.

Phơi bánh khi trời hửng sáng
Phơi bánh khi trời hửng sáng

Vì tính chất, quy củ của việc làm bánh phồng chặt chẽ như vậy, nên ngày xưa hiếm có gia đình nào tự một mình đủ sức làm bánh phồng, cũng không ai nghĩ đến chuyện thuê mướn nhân công làm bánh.

Người ta thường họp thành nhóm dần đổi công với nhau, nay làm nhà này, mai nhà khác. Đàn ông thì dần công quết bánh, vùa, vô nước bánh, phụ nữ thì dần công cán bánh. Không khí xúm xít đoàn kết này làm những ngày cận Tết thêm bận rộn nhưng cũng thêm vui. Chính vì vậy, ký ức Tết trong bánh phồng với người có tuổi càng đậm đà hơn.

Nhưng đâu chỉ có trong ngày Tết, bánh phồng xưa còn phổ biến trong đời sống hàng ngày qua món xôi đậu gói bánh phồng. Món ăn sáng bình dân, ngon miệng no lâu thích hợp với tuổi học trò.

Ngày nay, kinh tế thị trường phát triển, người ta mua bánh chợ, các cơ sở làm bánh phồng đã cơ giới hóa các khâu quết, cán ép để tăng năng suất và giảm chi phí.

Với giới trẻ ngày nay bánh phồng đơn thuần chỉ là cái bánh quê. Người có lòng nhớ thì mua bánh chợ về cúng Tết, hiếm có gia đình nào làm bánh phồng để ăn. Đám giỗ kỵ ngày nay thường vắng món bánh phồng. Giới trẻ có quá nhiều thứ sang chảnh để lựa chọn nào hot dog, fast food,… nên món xôi đậu gói bằng bánh phồng cũng không còn đất sống.

Tiếng chày quết bánh phồng đã chìm vào quá khứ. Tại sao như vậy? Phải chăng bánh phồng không ngon? Phải chăng vì vô tình chạy theo những món ăn thời thượng, người Việt quay lưng với truyền thống văn hóa ẩm thực của ông cha?

Có một điều có thể nhận ra ngay là sự tinh tế, thi vị nhưng cũng là khó khăn khi nướng bánh phồng. Muốn bánh nở đều, thơm xốp phải nướng bằng lửa rơm, hoặc bằng than thật đượm. Người nướng phải thật khéo tay lăn trở đổi mặt thật đều để bánh phồng xốp.

Với các cô gái trẻ được khen nướng bánh khéo đã là một thành tích đáng tự hào. Với trẻ con, nhìn miếng bánh nở phình trên bếp chuyển màu từng trắng sang hồng nhạt loang lỗ da beo giống như phép màu phù thủy.

Ngày nay đa số gia đình đều dùng bếp gas và không phải ai cũng có lò nướng điện nên việc nướng bánh đã thành trở ngại.

Vắng tiếng quết bánh phồng, không gian Tết đã nhạt đi. Vắng màu sắc vàng hồng của bánh trên bàn thờ gia tiên, vị Tết càng thêm nhạt. Trong cuộc hành trình trở về ký ức, mong rằng mỗi gia đình nên mang theo cho mình hương vị ngọt béo của chiếc bánh phồng trên bàn thờ Tết, bên tách trà, câu chuyện hàn huyên chờ đón giao thừa, chắc hẳn vị Tết sẽ nồng hơn.

Lê Anh

 

 

Bình luận

Xem nhiều





Đến Rạch Cái Sơn (thành phố hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) vào những ngày này, du khách sẽ bị mê hoặc bởi hàng chục chiếc bè trồng sen đang khoe sắc rực rỡ, làm cho dòng kênh thơ mộng hơn bao giờ hết.
Nổi bật
Được quan tâm


Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất