
Sụt giảm nước ngầm, gia tăng ô nhiễm
Mùa khô ở ĐBSCL thường kéo dài từ tháng 12 đến đầu tháng 5 năm sau. Thời gian này lượng mưa không đáng kể và lượng nước từ sông Mekong đổ về ĐBSCL rất thấp. Theo số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mực nước ngầm tại 13 tỉnh ĐBSCL hiện đều hạ thấp và bị xâm nhập mặn vào mùa khô, trong đó Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long… có mức hạ thấp mạnh từ 0,3 - 0,5m/năm; riêng ở Đồng Tháp, có vùng mức sụt giảm lên đến 0,92m/năm. Không chỉ suy giảm mực nước, ô nhiễm và nhiễm mặn nước ngầm, các tỉnh ĐBSCL còn phải đối mặt với nguy cơ sụt lún đất, với tốc độ lún trung bình 20 - 40mm/năm.
Theo Báo cáo Kinh tế thường niên của Fulbright 2020, nhiều năm nay, giai đoạn cao điểm mùa khô (tháng 3 - 4 hàng năm), lưu lượng trung bình của sông Mekong chỉ vào khoảng 1.500 - 1.700m3/s. Ước tính từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4, khoảng 45 - 50% diện tích vùng ĐBSCL bị nhiễm mặn. Chênh lệch mực nước ngầm trong mùa mưa và mùa khô có thể lên đến 12 - 15m. Còn theo Tổng cục Thủy lợi, mùa khô, hạn hán và xâm nhập mặn với tần suất ngày càng lớn, thời gian hạn mặn kéo dài, nguồn nước trên các hồ chứa và dòng sông suy giảm, mực nước ngầm hạ thấp không đủ nguồn nước để vận hành, thậm chí nhiều công trình cấp nước phải dừng hoạt động. Ở ĐBSCL, mùa khô 2019 - 2020 có 96.000 hộ dân bị thiếu nước và 196 công trình bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cùng với sự phát triển kinh tế và đô thị hóa, việc gia tăng các hoạt động xả nước thải sinh hoạt và sản xuất vào môi trường đang tác động tiêu cực và gây sức ép ngày càng lớn lên nguồn nước, khiến việc tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho sản xuất và sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn. PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam, cho rằng chất lượng và diện tích rừng đầu nguồn hiện nay giảm, việc trồng rừng bằng cây công nghiệp, cây keo, bạch đàn, cao su… cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng giữ nước của các lưu vực; ô nhiễm nguồn nước do hoạt động khai khoáng, sử dụng hóa chất trong công nghiệp, nông nghiệp càng làm cho vấn đề an ninh nguồn nước ở khu vực này trầm trọng thêm.
Bảo vệ nguồn nước ngầm bằng cách nào?
Diện tích đất sử dụng để sản xuất nông nghiệp tại khu vực ĐBSCL hiện nay vào khoảng 2,5 triệu hecta (chiếm khoảng 64% tổng diện tích tự nhiên của toàn vùng). Với diện tích này, theo tính toán, nước tưới tiêu cho nông nghiệp sẽ chiếm 86% lượng nước sử dụng (14% còn lại cho công nghiệp và dân dụng). Vì vậy, tiết kiệm nước tưới có ảnh hưởng rất lớn đến an ninh nguồn nước ở ĐBSCL trong tương lai.

Thời gian qua, người dân ở ĐBSCL cũng đã từng bước ứng dụng các nghiên cứu khoa học - công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, tiết kiệm nước tưới tiêu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng ngay cả khi ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt thì cũng không tiết kiệm chi phí bằng một cơn mưa, bởi một cơn mưa không chỉ giúp người nông dân đỡ vất vả hơn trên đồng ruộng mà việc giữ nguồn nước mưa để bổ sung vào nước ngầm thay vì để nó trôi ra sông, ra suối lại có ý nghĩa lớn lao hơn rất nhiều.
Theo TS Phan Hiếu Hiền (nguyên giảng viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM), người nông dân có thể bổ sung nguồn nước ngầm cho đất bằng cách dùng San Lazer (sử dụng lazer để san phẳng đồng ruộng theo một độ nghiêng đồng nhất để thuận tiện canh tác, tưới tiêu, giảm tốc độ rửa trôi hoa màu và tốc độ chảy của nước mưa ra sông, suối, qua đó tạo điều kiện cho đất có đủ thời gian thẩm thấu nước). ThS Ngô Đức Thọ, chuyên gia về cỏ Vetiver, thì đề xuất trồng cỏ này (một loại cỏ có rễ mọc đứng, đâm sâu, hấp thụ nước tốt để đưa nước mưa xuống các tầng nước ngầm và giữ chúng ở đó) để tăng cường độ thẩm thấu của nước mưa xuống các tầng đất bên dưới.
Tuy nhiên, các mô hình ứng phó BĐKH trong sản xuất nông nghiệp hiện nay ở ĐBSCL hầu hết đều mang tính tự phát do người dân nghĩ ra và sáng tạo cho phù hợp với điều kiện biến động thời tiết, nguồn nước và các yếu tố khác như vốn đầu tư, lao động, thị trường… Báo cáo Kinh tế thường niên của Fubright 2020 cũng cho rằng hầu hết các mô hình hiện tại ở ĐBSCL chỉ mang tính đối phó và phù hợp với các mục tiêu ngắn, trung hạn. Điều quan trọng là phải có một giải pháp vĩ mô, với sự tham gia của cộng đồng các nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nước để giải quyết vấn đề lâu dài.
Trong nghiên cứu mang tên “Việt Nam - Hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn”, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng để bảo vệ an ninh nguồn nước nói chung và nước ngầm nói riêng, Việt Nam cần tổ chức quản lý có hiệu quả tài nguyên nước, bao gồm phân bổ nguồn nước, bảo vệ tài nguyên nước và khai thác nước hợp lý. WB cũng nhấn mạnh đến việc “nâng cao giá trị các hoạt động có sử dụng nước trong lĩnh vực nông nghiệp”, “phân bổ tỷ lệ tài nguyên nước cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước”; xây dựng được hệ thống “giám sát tài nguyên nước, giám sát khai thác, sử dụng nước” và “kiểm soát tình trạng ô nhiễm”. Việc ưu tiên cao kiểm soát ô nhiễm là cấp bách bởi ở Việt Nam chỉ có 12,5% nước thải đô thị và 71% nước thải công nghiệp được xử lý, các chất thải độc hại này sẽ theo nước mưa ngấm vào lòng đất, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Ở khía cạnh kinh tế, tác động của ô nhiễm liên quan đến nguồn nước đối với sức khỏe con người có thể làm giảm 3,5% GDP vào năm 2035 nếu như Việt Nam không có kế hoạch và phương pháp tiếp cận thích hợp để bảo vệ nguồn nước.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam, các thành phố lớn ở khu vực ĐBSCL có thể bắt đầu với việc từng bước giảm lưu lượng khai thác nước ngầm và tiến tới sử dụng nguồn nước mặt thay thế; nghiên cứu các giải pháp bổ sung nguồn nước ngầm, hướng tới tạo nguồn nước dự phòng chiến lược trong trường hợp xảy ra các sự cố về nguồn nước mặt, về hệ thống cấp nước, biến đổi khí hậu. Việc đánh giá số lượng, chất lượng nguồn nước, hiện trạng khai thác và sử dụng tài nguyên nước, dự báo xu thế biến động dòng chảy cũng như mực nước của các tầng chứa nước và nhu cầu sử dụng nước sẽ giúp cơ quan quản lý ở tầm vĩ mô “phân vùng chức năng của nguồn nước” để đưa ra các chiến lược phù hợp.
Tại TP.HCM, UBND TP vừa ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình Cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước ngầm TP.HCM. Theo đó, trong năm 2021, TP.HCM sẽ giảm khai thác nước dưới đất 16.650m3/ngày, trong đó, lượng khai thác nước dưới đất hộ gia đình giảm 8.000m3/ngày; trong khu chế xuất - khu công nghiệp giảm 1.650m3/ngày; bên ngoài khu chế xuất - khu công nghiệp giảm 3.000m3 /ngày; lượng khai thác nước dưới đất của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên giảm 4.000m3/ngày.