, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 21/10/2021, 06:00

Bảo hiểm nông nghiệp và dự báo khả quan

THS TRẦN TRỌNG TRIẾT
Bảo hiểm nông nghiệp được xem là “lá chắn” bảo vệ người dân và doanh nghiệp khi gặp rủi ro trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế, “lá chắn” này lại chưa được người sản xuất nông nghiệp quan tâm.
Bão số 5 (tháng 9/2021) đã làm một số diện tích lúa ở Quảng Nam ngã đổ, ngập nước nảy mầm. Ảnh: Mỹ Lệ

Nông dân chưa mặn mà

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các ưu đãi về thuế, phí, lệ phí hoặc tiền thuê đất và thuê mặt nước như đã áp dụng từ trước, trong thời gian gần đây, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với hoạt động đầu tư vào nông nghiệp còn chú trọng đến việc hỗ trợ về bảo hiểm song song với tiếp cận tín dụng nhằm giúp nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất cũng như dễ dàng hơn trong tiếp cận nguồn vốn. 

Xét về thực chất, hỗ trợ bảo hiểm và hỗ trợ tín dụng là hai chính sách có mục tiêu khác nhau. Nếu như chính sách về tiếp cận tín dụng giúp các doanh nghiệp và cá nhân huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng để phục vụ hoạt động đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, thì chính sách về bảo hiểm lại hướng tới việc giúp các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp giảm bớt thiệt hại về tài chính trong trường hợp gặp phải những rủi ro không mong muốn trong quá trình đầu tư cũng như sản xuất - kinh doanh (thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn…) Mặt khác, việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm trong nông nghiệp còn có tác động lớn đến hoạt động cho vay đối với lĩnh vực này, bởi nếu tổn thất của người vay vốn được hạn chế thì nguy cơ mất vốn hoặc mất nguồn thu của tổ chức tín dụng cũng được giảm thiểu.

Mua bảo hiểm nông nghiệp giúp nhà nông giảm bớt rủi ro có thể xảy ra; đồng thời, khi có bảo hiểm nông nghiệp, nông dân, hợp tác xã cũng có cơ hội lớn hơn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Thuận lợi là vậy nhưng trên thực tế, việc triển khai hoạt động bảo hiểm nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. 

Theo đánh giá của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong giai đoạn 2014 - 2018, doanh thu lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp không lớn. Cả nước chỉ có khoảng 6 doanh nghiệp tham gia cung cấp các sản phẩm bảo hiểm lĩnh vực này với doanh số khoảng 210 tỷ đồng. 

Việc giới hạn đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm theo quy định (chỉ giới hạn trong 7 loại cây trồng (lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau), 4 loại vật nuôi (trâu, bò, lợn, gia cầm) và 3 loại thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra) cùng với việc giới hạn địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp trong 7 địa phương trồng lúa (Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp), 8 địa phương nuôi trâu, bò (Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương) và 5 địa phương nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng (Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau) là một trong nhiều nguyên nhân khiến số đông người sản xuất ở nhiều địa phương khác nhau và trong các lĩnh vực nông nghiệp khác nhau chưa mặn mà với việc mua bảo hiểm nông nghiệp. 

Tương lai sẽ rộng cửa hơn… 

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những bước tiến tích cực trong việc phát triển các chính sách về bảo hiểm nông nghiệp. Nhiều chính sách liên quan đã được ban hành, gần nhất có thể kể đến là Nghị định số 58 năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp và Quyết định số 22 năm 2019 của Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Với các quy định pháp lý cụ thể của Nghị định 58/2018 và Quyết định 22/2019 của Chính phủ, nhiều chuyên gia cho rằng khả năng doanh số bảo hiểm nông nghiệp trong vài năm tới sẽ cao hơn. 

Theo kế hoạch, trong năm nay, 20 địa phương trên địa bàn cả nước sẽ triển khai nối lại chương trình hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp theo Nghị định 58/2018 và Quyết định 22/2019 của Chính phủ đối với các loại nông sản chính, như: lúa gạo, chăn nuôi trâu bò, nuôi heo thịt và tôm thẻ chân trắng. Tại Đồng Tháp, mặc dù mới bắt đầu triển khai chương trình nhưng đã có khoảng 15 hợp tác xã tại các huyện Cao Lãnh, Tháp Mười, Lấp Vò được lựa chọn để tham gia bảo hiểm đối với hoạt động sản xuất lúa gạo. Tại phía Bắc, với mô hình hỗ trợ trực tiếp từ Công ty CP Bò sữa Mộc Châu, hoạt động tham gia bảo hiểm nông nghiệp của người dân và hợp tác xã chăn nuôi bò tại Sơn La đã khá mạch lạc với khoảng 1.000 hộ dân tham gia mua bảo hiểm. Tại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, hàng chục trang trại chăn nuôi heo tái đàn sau dịch tả heo châu Phi năm 2019 cũng đã bắt đầu quan tâm tham gia bảo hiểm nông nghiệp.

Theo đại diện Cục Giám sát quản lý bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong lần nối lại chính sách bảo hiểm này, để giảm bớt áp lực cho ngân sách, chính sách bảo hiểm nông nghiệp đã được thực hiện phù hợp với khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ và điều kiện của từng địa phương. Vì thế, khả năng đi vào thực tiễn sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn so với giai đoạn thí điểm. Ngoài ra, độ mở của chính sách bảo hiểm nông nghiệp theo các quy định mới tại Nghị định 58/2018 cũng khá thông thoáng, sẽ là điều kiện tích cực để thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia chương trình. Các doanh nghiệp nếu tận dụng tốt hệ thống bảo hiểm nông nghiệp đã được thí điểm thành công giai đoạn 2011 - 2013 sẽ có thể hạn chế được nhiều tồn tại, bất cập để kiểm soát chặt chẽ các hợp đồng bảo hiểm trong giai đoạn mới. 

Mua bảo hiểm nông nghiệp giúp nhà nông giảm bớt rủi ro có thể xảy ra.

Bà Lê Thị Nguyệt Thu, Phó Giám đốc Dự án phát triển hợp tác xã Việt Nam (VCED) - dự án do Canada tài trợ, cho rằng khi quản lý rủi ro đối với hợp tác xã, dự án VCED đưa ra 4 chiều hướng rủi ro là thiên tai, thời tiết, tài chính và thị trường. Do vậy, các gói bảo hiểm nông nghiệp cần được chia nhỏ thành các sản phẩm cụ thể, như: sản phẩm bình ổn thu nhập (giúp hợp tác xã mua để tránh được mùa mất giá); sản phẩm bảo hiểm mùa màng (để hạn chế thiệt hại của dịch bệnh, thời tiết cực đoan); sản phẩm bảo lãnh vốn vay (để tăng khả năng tiếp cận vốn)… Khi các doanh nghiệp thiết kế càng nhiều gói sản phẩm dành cho bảo hiểm nông nghiệp thì khả năng tiếp cận theo nhu cầu của các hợp tác xã sẽ ngày càng cao vì hiện nay, nhiều hợp tác xã đã kết nối vào hệ thống chuỗi giá trị của các doanh nghiệp tư nhân và các chuỗi cung ứng lớn, họ buộc phải đảm bảo các chỉ tiêu về tài chính, quản lý rủi ro, chất lượng và giá cả sản phẩm. 

Để chính sách hỗ trợ bảo hiểm có thể tạo ra những chuyển biến lớn hơn trong việc phát triển nông nghiệp, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng và mở rộng quy mô cho vay của các tổ chức tín dụng, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước nên mở rộng hơn nữa đối tượng và địa bàn được hỗ trợ bảo hiểm sao cho phù hợp với nguồn ngân sách của các địa phương cũng như khả năng bổ sung từ ngân sách trung ương cho các địa phương. Cùng với đó, nên sớm có kế hoạch kéo dài thời hạn thực hiện hỗ trợ bảo hiểm sau năm 2021 để tạo điều kiện thu hút người sản xuất nông nghiệp tham gia bảo hiểm. 

Tags

Bình luận


user-avt

Trâm Anh

10:10, 21/10/2021

Bài viết của tác giả phản ánh đúng tình hình bảo hiểm nông nghiệp ở VN. Nên đẩy mạnh lá chắn để giảm thiểu tổn thất cho nông dân. Chúc mừng TC NTV có bài viết hay..

Xem thêm bình luận
Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất