, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 15/05/2022, 12:10

Bảo tàng tập kết: Nơi lưu giữ ký ức của học sinh miền Nam

DIỄM MI
(phunuonline.com.vn)
Đề án sưu tầm tư liệu, kỷ vật cho Bảo tàng tập kết đang được khởi động nhanh chóng với mục đích lưu giữ lại một phần ký ức của học sinh miền Nam.
Phối cảnh tượng đài Con tàu tập kết
Phối cảnh tượng đài Con tàu tập kết và bên trong lòng công trình là Bảo tàng tập kết.

Bảo tàng tập kết là công trình nằm trong lòng tượng đài mang tên Tượng đài chuyến tàu tập kết, được xây dựng tại thành phố Sầm Sơn, Thanh Hoá, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023, đầu 2024.

Đây là công trình nằm trong khu du lịch văn hoá của thành phố Sầm Sơn, hứa hẹn là điểm đến mang giá trị văn hoá, lịch sử, nơi để người dân và du khách hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử quan trọng. Phần về các nội dung trưng bày trong bảo tàng sẽ do Ban liên lạc Học sinh miền Nam trung ương phụ trách. 

Trong quá khứ, Sầm Sơn, Thanh Hoá là điểm tập kết những chuyến tàu đầu tiên từ Nam ra Bắc giai đoạn 1954 - 1955 theo tinh thần Hiệp định Genève. Trên những chuyến tàu đó, một phần là các thế hệ học sinh miền Nam. Sau khi tập kết, họ bắt đầu làm quen với cuộc sống mới trong vô vàn khó khăn, trở ngại nhưng đều vượt qua vì nhờ có sự hỗ trợ, tình thương từ đồng bào.

Lứa học sinh miền Nam trên những chuyến tàu tập kết đó về sau, tham gia vào nhiều vai trò trong bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của dân tộc.

Đến nay, khi những lứa học sinh đầu tiên phần nhiều đã qua đời, hoặc tuổi cao sức yếu, Ban liên lạc Học sinh miền Nam trung ương mong muốn có được một địa điểm để lưu giữ ký ức của một thời kỳ quan trọng. Mong muốn này được hiện thực hoá khi đề án sưu tầm tư liệu, kỷ vật cho Bảo tàng tập kết đang khởi động.

Ông Trương Hoà Bình, nguyên Phó thủ tướng thường trực, đại diện Ban liên lạc Học sinh miền Nam trung ương cho biết, quá trình hình thành và những đóng góp của đội ngũ tập kết và học sinh miền Nam trên đất Bắc, là minh chứng sống động cho chủ trương đường lối đúng đắn của cách mạng Việt Nam trong việc thực hiện Hiệp định Genève.

“Trong thời kỳ đổi mới, nhiều anh chị học sinh miền Nam đã nỗ lực đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế và phúc lợi của nhân dân, được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới như các anh Lê Văn Kiểm, Huỳnh Văn Thòn, chị Dương Ngọc Triều. Hiện nay, các anh chị này đều là thành viên trong Ban Liên lạc Học sinh miền Nam trung ương”, ông Trương Hoà Bình chia sẻ.

Do đó, ông cho rằng xứng đáng có một bảo tàng để lưu giữ và lan tỏa các giá trị đặc biệt tới nhân dân khi đến Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Bảo tàng tập kết là nơi lưu giữ ký ức của hoạ sinh miền Nam trên những chuyến tàu
Bảo tàng tập kết là nơi lưu giữ ký ức của học sinh miền Nam trên những chuyến tàu

Để thực hiện được mong muốn này, Ban liên lạc Học sinh miền Nam trung ương đang tích cực vận động sự đóng góp từ người dân về tư liệu, kỷ vật liên quan đến sự kiện tập kết, về cuộc chuyển quân chiến lược toàn diện lớn trong lịch sử.

“Bảo tàng tập kết sẽ trưng bày một cách hệ thống những tài liệu, hình ảnh, kỷ vật được các cá nhân, tổ chức lưu giữ từ năm 1954 đến năm 1975 nhằm giúp người tham quan hiểu rõ và cảm nhận đầy đủ nhất về sự kiện. Những câu chuyện đằng sau cột mốc ấy rất nhiều, rất xúc động nhưng nếu chúng ta cứ chần chừ, sẽ không kịp để lưu giữ”, nhà báo Thế Thanh, thành viên ban phụ trách đề án chia sẻ.

Hiện Ban liên lạc Học sinh miền Nam trung ương đang kêu gọi cộng đồng đóng góp. Sau đó, tổ chức sẽ bố trí nhân sự đi các địa phương để vận động nhằm tăng sự đa dạng cho nội dung của bảo tàng về sau. Đề án đang tích cực khởi động, dự kiến hoàn thành vào dịp cả nước kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneve và những chuyến tàu tập kết đầu tiên từ Nam ra cập bến Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Được phát động vào năm 2013, dự án Con đường tơ lụa mới bao gồm khía cạnh nông nghiệp cho phép đẩy nhanh chiến lược an ninh lương thực của Trung Quốc.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất