, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 08/03/2023, 19:00

Bảo tồn và phát triển áo dài: Xây dựng tình yêu từ thế hệ trẻ

Việc giáo dục về giá trị, ý nghĩa của áo dài với người trẻ được xem là vấn đề quan trọng trong công tác bảo tồn và phát triển; bởi chỉ có hiểu mới có thể tạo tình yêu, thái độ tích cực để giữ gìn.

Áo dài cũng như âm nhạc dân tộc

Muốn phát triển thì nền, gốc phải vững. Việc bảo tồn, phát triển áo dài cũng không nằm ngoài quy luật trên. Thế hệ trẻ được xác định là đối tượng quan trọng sẽ góp phần quan trọng trong việc này.

Trong cuộc tọa đàm Nét đẹp áo dài Việt - Bảo tồn và phát triển mới diễn ra, nhà thiết kế (NTK) Đỗ Trịnh Hoài Nam nhấn mạnh ở hiện tại, giá trị của áo dài không chỉ dừng ở việc mặc, làm đẹp, không chỉ là câu chuyện về kỹ thuật, làng nghề mà còn mang sứ mệnh quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam. Anh cho biết, khi được nói chuyện với nhiều đại sứ nước ngoài thì thay cho “miếng trầu là đầu câu chuyện”, họ lại xem áo dài là đầu câu chuyện. Vì thế, việc bảo tồn, phát triển áo dài ngày càng bức thiết.

Nữ sinh tham gia sự kiện diễu hành áo dài vào sáng 5/3 tại trung tâm TPHCM - Ảnh: Tam Nguyên
Nữ sinh tham gia sự kiện diễu hành áo dài vào sáng 5/3 tại trung tâm TPHCM - Ảnh: Tam Nguyên

NSƯT Tuyết Mai (đại sứ Lễ hội Áo dài TP.HCM 2023) ví việc truyền tải giá trị, ý nghĩa của áo dài đến với người trẻ cũng giống như với âm nhạc dân tộc. Nhiều năm qua, các dự án mang âm nhạc dân tộc đến trường học được đầu tư, phát triển nhiều hơn. Riêng NSƯT Tuyết Mai cũng mở những lớp miễn phí để người trẻ có thể tiếp cận âm nhạc dân tộc dễ hơn. Theo chị, từ hiểu ý nghĩa mới có thể yêu, giữ gìn và tiếp tục phát triển được. Vì thế, chị đề xuất sẽ có những buổi nói chuyện của các NTK đến với học sinh các trường.

“Chúng ta không chỉ có bộ sưu tập giới thiệu trên sàn diễn mà nên đi vào những cái nhỏ hơn, nói về ý nghĩa của áo dài. Nếu nhiều người yêu thích hơn thì chúng ta có nhiều cơ hội bảo tồn áo dài hơn” - NSƯT Tuyết Mai chia sẻ. Đây là đề xuất đáng để suy xét. 

Việc quảng bá, giới thiệu áo dài đến bạn bè quốc tế là câu chuyện được nhiều người làm nghề, các chuyên gia văn hóa quan tâm. NTK Trung Đinh cho rằng trong công tác quảng bá, giới thiệu áo dài đến quốc tế, anh chỉ kỳ vọng làm được 3 việc: công nhận áo dài là của Việt Nam; thấy được giá trị thẩm mỹ, mỹ thuật của áo dài; tôn trọng áo dài Việt Nam.

Những năm qua, cũng có một số hoạt động đưa áo dài, giới thiệu giá trị, ý nghĩa của chúng đến với học sinh. Tuy nhiên, phần lớn đều xuất phát từ cá nhân, đơn vị độc lập. Bảo tàng Áo dài TP.HCM có các buổi thuyết trình, chia sẻ kiến thức cho sinh viên khi đến bảo tàng; cho các trường học mượn áo dài trong những sự kiện cần giới thiệu, quảng bá áo dài… NTK Việt Hùng cho in cẩm nang nói về giá trị, ý nghĩa áo dài, cách may, đo phù hợp với vóc dáng… Nhưng nhìn chung các hoạt động này vẫn chưa đủ nhiều, mạnh mẽ, có tính liên kết chặt chẽ để tạo được sự ảnh hưởng sâu rộng.

Nhìn nhận và tháo gỡ những điểm khó

Bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc Bảo tàng Áo dài - đồng ý tình yêu, sự giữ gìn phải bắt nguồn từ hiểu biết. Nhưng theo bà, để xây dựng tình yêu này với thế hệ trẻ, đặc biệt với học sinh, tương đối khó.

Hiện, áo dài không còn đồng hành với học sinh nhiều như thời trước, do nhiều tác động. Phần lớn, chỉ khi đến cấp III, học sinh mới mặc áo dài, thậm chí chỉ mặc trong dịp chào cờ đầu tuần. Vì thế, hình ảnh áo dài đôi khi xa lạ hoặc chỉ được ghi nhớ bởi các cụm từ: chật chội, nóng nực, vướng víu… Trong khi đó, ngày trước, khi vào lớp Sáu, nữ sinh đã được mặc áo dài. Song song đó, họ được dạy về cách ứng xử khi mặc áo dài. Từ đó, áo dài trở thành “người bạn” quen thuộc.

3.000 người tham gia diễu hành áo dài vào sáng 5/3 tại trung tâm TPHCM, trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài TPHCM 2023 - ẢNH: TAM NGUYÊN
3.000 người tham gia diễu hành áo dài vào sáng 5/3 tại trung tâm TP.HCM, trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài TP.HCM 2023 - Ảnh: Tam Nguyên

Ngoài ra, theo bà Ngọc Vân, trong quá trình truyền đạt thông điệp của áo dài đến mọi người, đặc biệt với người trẻ, cần chú trọng vào tính văn hóa (dễ ứng dụng, phù hợp nhiều người, ý nghĩa của tà áo…), thay vì chỉ nhấn mạnh cái đẹp hình thức, vô tình khiến công chúng có cái nhìn chưa đầy đủ, chính xác.

Thế hệ trẻ hiện tại năng động, luôn chú trọng đến sự tương tác thực tế. Vì thế, theo bà, việc truyền đạt thông điệp cũng phải “mềm mỏng”, bám sát theo thị hiếu của họ. Thay vì chỉ nói, trao kiến thức, nên có những hoạt động trải nghiệm thực tế. Đặc biệt, bất kỳ dự án nào khi vận hành cũng cần có nguồn lực về tài chính.

NTK Việt Hùng nhận định hiện vẫn thiếu sự liên kết giữa các bên: văn hóa - giáo dục để có thể đưa áo dài đến gần với học sinh, người trẻ. Muốn có những dự án dài hơi, chính thống, chắc chắn không thể chỉ một cá nhân, tổ chức có thể thực hiện. Theo anh, điều quan trọng không kém lúc này là phải định danh chính xác cho áo dài. Khi áo dài được công nhận là di sản, câu chuyện sẽ có sức nặng hơn nữa với cộng đồng.

NTK Trung Đinh cho rằng sinh viên thiết kế thời trang cũng là đối tượng cần được chú trọng trong thời gian tới, bởi họ là lực lượng vừa có thể giữ nghề, vừa có kiến thức để chuyển tải đến mọi người. Khi giảng dạy ở nhiều trường, anh cho biết chỉ khoảng 2% sinh viên ngành thiết kế thời trang chọn áo dài làm đồ án tốt nghiệp. Điều này khiến anh trăn trở rất nhiều thời gian qua.

Theo anh, ngay cả Lễ hội Áo dài TP.HCM dường như cũng chưa thực sự quan tâm đối tượng này. Vì thế, NTK Trung Đinh đề xuất trong các dịp lễ hội tới phải thu hút, tạo điều kiện cho nhóm đối tượng này cùng tham gia. Ngoài ra, theo anh, cần nhìn nhận lại hiện giới trẻ Việt Nam có thực sự đang yêu thích và mặc áo dài nhiều hay chưa. “Muốn người ta mặc áo dài, không thể ép buộc mà phải xuất phát từ tình yêu tự nhiên” - anh nói.

Riêng tại trung tâm giáo dục của NTK Trung Đinh, học viên đều phải mặc áo dài khi đến học và anh cũng luôn mặc áo dài khi đứng lớp. Việc tạo thói quen, có ý thức lan tỏa chúng cũng là điều hết sức quan trọng. Điều này, hiện ở nhiều trường chưa làm được. Theo anh, trước khi hướng đến những mục tiêu cao, xa hơn thì phải làm tốt công tác bảo tồn, quảng bá trong nước trước.

3.000 người tham gia diễu hành áo dài 

Sáng 5/3, khoảng 3.000 người đã tham gia diễu hành áo dài. Trong đó có đại diện lãnh đạo TP.HCM; các vị nguyên là lãnh đạo nhà nước, TP.HCM; lãnh đạo TP Thủ Đức và 21 quận, huyện; lãnh đạo và hội viên Hội LHPN TP.HCM; các đại sứ của lễ hội áo dài; các văn nghệ sĩ, diễn viên và người dân. Đoàn diễu hành đi qua các tuyến đường: Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn; với các điểm đến nổi tiếng của TP.HCM như: trụ sở UBND TP.HCM, Nhà hát TP.HCM… Sự kiện này được tổ chức thường niên trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài TPHCM nhằm tôn vinh vẻ đẹp của áo dài trong đời sống thường ngày, nhấn mạnh sự đa dạng của trang phục này.

Hoa hậu H’Hen Niê - một trong những đại sứ của Lễ hội Áo dài TP.HCM 2023 - chia sẻ: “Tôi thấy vui, hạnh phúc vì được nhìn thấy rất nhiều người phụ nữ xinh đẹp, tự tin trong tà áo dài. Tôi sẽ cố gắng làm mọi việc để có thể lan tỏa tình yêu áo dài đến mọi người, cũng là cách để hoàn thành tốt vai trò đại sứ”. 

Trong sự kiện này, Ban Tổ chức - Kiểm tra của Hội LHPN TP.HCM cũng vinh dự nhận được Huân chương Lao động hạng III. Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng Cờ thi đua dẫn đầu cụm thi đua 5 thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 cho Hội LHPN TP.HCM; trao bằng khen cho 5 tập thể đạt nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua và thực hiện nhiệm vụ công tác hội năm 2022. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật
Được quan tâm






Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất