, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 29/09/2022, 20:38

Báo Trung Quốc đánh giá hệ quả vụ rò rỉ gây hư hại đường ống khí đốt Nord Stream

MINH AN - Hoàn Cầu
Các nhà quan sát Trung Quốc cảnh báo vụ rò rỉ gây hư hại đường ống khí đốt Nord Stream của Nga có thể tạo thêm nhiều rủi ro đối với cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, làm gia tăng sự ngờ vực giữa EU và Nga.

Ảnh chụp từ trên cao cho thấy tình trạng rò rỉ khí đốt của hai đường ống Nord Stream 1 và 2.

Mặc dù vụ rò rỉ ở hai đường ống Nord Stream 1 và 2 trên biển Baltic chưa gây ra tác động ngay lập tức đến châu Âu, các nhà quan sát Trung Quốc nói một số quốc gia châu Âu như Đức đang sắp bước vào một mùa đông lạnh giá tiềm ẩn nhiều bất ổn, gây ra nhiều xáo trộn về giá năng lượng toàn cầu và làm trầm trọng thêm mâu thuẫn giữa phương Tây đối với Nga về khủng hoảng ở Ukraine, theo tờ Thời báo Hoàn Cầu.

Giám đốc chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), Josep Borrell ngày 28/9 cho biết, EU coi các rò rỉ đường ống Nord Stream 1 và 2 "không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên". Đó là kết quả của một hành động phá hoại có chủ ý, ông Borrell nói.

Trước đó, phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov nói Moscow không loại trừ khả năng có hành động phá hoại nhằm vào hai đường ống khí đốt, theo TASS. Ông Peskov nhấn mạnh rằng đây "chắc chắn là vấn đề liên quan đến an ninh năng lượng của toàn châu lục".

Shen Yi, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Phúc Đán ở Trung Quốc, nhận định trên tờ Hoàn Cầu, rằng "nếu Nga muốn cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu, cách đơn giản nhất là đóng van đường ống, thay vì làm nổ tung đường ống của chính họ".

"Sự toàn vẹn của đường ống khí đốt giúp Nga duy trì ưu thế trong việc kiểm soát khủng hoảng năng lượng ở châu Âu", ông Shen nói thêm. "Về cơ bản, Nga không có khả năng phá hoại đường ống Nord Stream ở biển Baltic".

Vùng biển Baltic ngày nay do NATO thống trị hoàn toàn vì khu vực này đóng vai trò chiến lược trong việc giám sát các hoạt động của Nga. "Moscow không dễ dàng có thể cho nổ đường ống Nord Stream ở đó và điều này cũng không đem lại lợi ích rõ ràng", ông Shen nói.

"Bên nào muốn gây tổn hại quan hệ hợp tác năng lượng Nga - EU nhất?", Ming Jinwei, một chuyên gia Trung Quốc nói trên tờ Hoàn Cầu, ám chỉ Mỹ.

3 điểm rò rỉ được ghi nhận trên tuyến đường ống Nord Stream, đoạn đi qua biển Baltic.

Mỹ có thể đạt được 3 mục tiêu: gây tổn hại đến năng lực xuất khẩu năng lượng của Nga, làm giảm nguồn lợi nhuận khổng lồ mà Nga thu được từ xuất khẩu năng lượng; hạn chế nguồn cung năng lượng cho châu Âu, buộc châu lục này phải mua thêm khí đốt và dầu mỏ từ Mỹ với giá cao và Mỹ có thể tiếp tục duy trì ảnh hưởng và sự kiểm soát đối với các nước châu Âu, ông Ming nói.

Trước mắt, châu Âu sẽ chưa cảm thấy những hệ quả do Nga đã tạm ngừng cấp khí đốt cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 và đường ống Nord Stream 2 vẫn chưa chính thức hoạt động.

Wang Xiaoquan, chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Nga tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói với tờ Hoàn Cầu rằng, vụ tấn công đường ống khí đốt dưới đáy biển không thể thực hiện được nếu không có bàn tay của các quốc gia cụ thể. Ông Wang đánh giá đây là một xu hướng rất nguy hiểm, khiến cuộc cạnh tranh của các cường quốc càng trở nên khó lường.

"Sự cố chắc chắn sẽ làm phức tạp hơn nữa tình hình ở châu Âu. Khó có thể tìm ra nguyên nhân thực sự của sự cố trong tương lai gần", ông Wang nói.

"Dù sự thật là như thế nào, các bên vẫn sẽ sử dụng sự cố này để thúc đẩy các mục tiêu chính trị", ông Wang nói thêm.

Một số chuyên gia nói sự cố sẽ tiếp tục đẩy giá năng lượng toàn cầu lên mức cao do những lo ngại về việc nguồn cung năng lượng của Nga suy yếu.

"Điều này sẽ giáng đòn mạnh vào các nước châu Âu như Đức Khi giá năng lượng tăng lên, nhiều doanh nghiệp Đức sẽ phải đối mặt với phá sản. Người dân Đức sẽ phải chi trả nhiều hơn cho chi phí sử dụng khí đốt trong mùa đông lạnh giá", ông Wang nhận định.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất