Jules Léon Dutreuil de Rhins, một nhà thám hiểm và nhà địa lý, một sĩ quan hải quân Pháp - thuyền trưởng chỉ huy tàu hơi nước Scorpion của hải quân triều Nguyễn, một trong năm chiếc tàu do Pháp trao tặng vua Tự Đức sau Hiệp ước Giáp Tuất (1874), đã viết về cuộc khảo sát địa lý tại miền Trung của mình đăng trên Tập san Hội Địa dư Paris năm 1878, và đến năm 1879, ông đã cho xuất bản cuốn Nhật ký hành trình về Vương quốc An Nam và người An Nam.

“Bao Vinh cao bợt hẳn bờ. Ghe mành lui tới, mẹ nhờ duyên con”
“Trước mặt là sông Hương và bến cảng, sau là khu dân cư của làng và đồng ruộng. Phố cổ Bao Vinh là điểm thứ hai của chuỗi cảng thị Thanh Hà - Bao Vinh, là giai đoạn phát triển cuối cùng của chuỗi cảng thị này. Phố cảng mới này có những yếu tố thuận lợi: cận thị, cận giang, cận lộ lại cận kinh và cận Thanh Hà. Bao Vinh hình thành, đón lấy cơ hội khi mà cảng thị Thanh Hà đã bị bồi lắng và mất vai trò của một giang cảng nước sâu.

Khác với Thanh Hà, chợ Dinh và các “Chinatown” của người Hoa ở Việt Nam, ở Bao Vinh không có cơ sở tín ngưỡng của Hoa thương. Phố Bao Vinh được giới hạn từ chùa làng phía Bắc đến đình làng phía Nam khoảng 300m. Hoa thương mua đất của các dòng họ và tư nhân để lập phố còn thực hiện tín ngưỡng thì đến Thanh Hà nơi có Chùa Bà, Chùa Ông, và sinh hoạt các bang hội thì về Chợ Dinh thực hiện.

Song song với việc giao thương buôn bán ngày càng phát triển là sự mọc lên của các ngôi nhà liền kề nhau. Người dân nơi đây dựng nhà để ở đồng thời phục vụ cho việc buôn bán như làm kho chứa hàng, nơi bán hàng, nơi phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi giải trí... cho lữ hành đường xa”. (Đỗ Thị Thanh Mai, Văn hóa - lịch sử Huế qua góc nhìn làng xã phụ cận).

Trong công trình khảo cứu “Bao Vinh, thương cảng của Huế”, R. Morineau cho biết: “Đến 1885 thì Bao Vinh đã mất hết vẻ đẹp rực rỡ của thời xưa. Tất cả các nhà ở đẹp mắt và các nhà kho rộng lớn tư hữu của những người Tàu và An Nam đều biến mất, tức là thời kỳ mà phần lớn Bao Vinh đã bị tàn phá. Cái vườn hoa thanh tú của gia đình nguyên Phụ chính triều đình An Nam, tức Đại thần Tường bây giờ chỉ còn lại các bức tường đổ nát…”.

Khi ráng chiều ngả chầm chậm về Tây, cái nắng như nguội đi trên mặt sông, Bao Vinh nhấp nhô ngói liệt, ngói hài… thấp thoáng vài ngôi nhà cổ mang dáng dấp từa tựa Hội An. Do những biến cố lịch sử, thiên nhiên và con người, cùng quá trình đô thị hóa chậm trễ trong bảo tồn chưa có “điểm dừng”; phố cổ Bao Vinh bên bờ sông Hương nằm phía bắc của Kinh thành Huế, từng là trung tâm giao lưu, trao đổi hàng hóa sầm uất bậc nhất tại Đàng Trong, là chợ cái quan trọng và đẹp nhất của vùng này, là những địa danh đã đi vào lịch sử Việt Nam và tiến trình phát triển đô thị thời phong kiến, dần mất đi tầm quan trọng cũng như nét đẹp vốn có của mình. Và cái danh xưng phố cổ chỉ còn lại trong ghi chép, khảo cứu của người xưa.
