, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 19/04/2021, 14:39

Bất lực với sâu đầu đen đang ăn trụi vườn dừa?

HÙNG ANH

Sâu lạ lan nhanh

Chúng tôi về ấp Giồng Tre (xã Phú Long, huyện Bình Đại) tìm nhà ông Bồ Quang Giúp (Năm Giúp, sinh năm 1943), người đầu tiên của tỉnh Bến Tre có 5.000m2 đất vườn trồng 120 gốc dừa bị sâu đầu đen ăn trụi. Ông Năm ngậm ngùi cho biết: “Vườn dừa của tui trồng từ năm 1986, cho đến nay mỗi năm thu nhập gần 50 triệu đồng. Hôm vườn dừa mới bị sâu tấn công, tui ước tính thiệt hại chỉ khoảng 70% nhưng hiện nay cả vườn xem như mất trắng, trụi lá, cây bắt đầu rụng trái, khó bề hồi phục”. Ông Năm Giúp kể, hôm cuối tháng 05/2020, ông phát hiện khoảng 10 cây dừa tự nhiên héo lá bất thường trong khi những cây khác vẫn xanh tốt. Nhưng mấy ngày sau, hiện tượng cây dừa héo lá lan ra khắp cả vườn, không rõ nguyên nhân. Tức mình, ông Năm Giúp kéo mấy tàu lá dừa bị héo xuống xem thế nào thì tá hỏa khi phát hiện hàng trăm con sâu hình thù kỳ lạ đang ẩn nấp trong các bẹ lá dừa, ăn sạch lá cây. “Nói thiệt, từ hồi cha sanh mẹ đẻ tới giờ tui chưa từng thấy con sâu ăn lá dừa nào kỳ lạ như vậy. Sau khi ăn sạch lá dừa, lũ “sâu lạ” bắt đầu ăn tới phần vỏ của những trái dừa non, dừa đang độ uống nước, khiến trái dừa sau đó bị hư và rụng xuống đất. Chỉ có trái dừa khô là đám “sâu lạ” không đụng tới”.

Vườn dừa bị sâu lạ ăn xơ xác.

Theo quan sát của ông Năm Giúp, con “sâu lạ” lúc còn non chỉ to bằng cây tăm tre xỉa răng, có màu trắng. Khi bắt đầu trưởng thành, con “sâu lạ” chuyển sang màu xám, có phần đầu màu đen. Lúc chuẩn bị hóa nhộng để nở thành bướm, con sâu chuyển sang màu nâu, to bằng thân 2 cây tăm xỉa răng. Khi hóa bướm, con bướm “sâu lạ” có màu trắng toàn thân, bay phát tán khắp nơi trong các vườn dừa, tiếp tục chu kỳ đẻ trứng, nở sâu phá hại cây, trái. “Tui đã thử chạm tay vào thân con “sâu lạ” và con bướm hóa thân của loài sâu này, nhưng vẫn bình thường, không bị ngứa ngáy như những loại sâu ăn lá dừa lâu nay thường gặp. Kinh hoàng nhất là chuyện tui thử bắt mấy con “sâu lạ” nhốt vào ly thủy tinh, bỏ đói, vậy mà 5 ngày sau con sâu vẫn không chết. Còn con bướm thì nhốt trong lọ thủy tinh, nó không chết mà vẫn đẻ trứng bình thường, khiến ai chứng kiến cũng đều lắc đầu, le lưỡi”. - Ông Năm Giúp kể.

Sau khi phát hiện “sâu lạ” hại dừa, ông Năm Giúp đã thuê người mua đủ thứ thuốc bảo vệ thực vật về phun xịt nhằm diệt sâu, cứu vườn cây. Nhưng phun thuốc 4 - 5 lần mà sâu và bướm vẫn trơ trơ không chết, nên ông hoảng quá, thông báo sự việc với chính quyền ấp. Sau đó ấp báo tin cho UBND xã Phú Long cử cán bộ xuống xem xét, cũng chẳng thể xác định đó là con sâu gì. Trước tốc độ tàn phá vườn dừa quá nhanh, UBND xã Phú Long thông báo sự việc cho Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, UBND huyện Bình Đại. Các cán bộ huyện không xác định được loài “sâu lạ” nên thông báo tình hình đến UBND tỉnh Bến Tre và ngành nông nghiệp của tỉnh. Đến lúc các cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh Bến Tre xuống hiện trường xem xét thì kết luận: Đây là loài sâu gây hại cây dừa lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. “Tới lúc này thì vườn dừa của tui đã gần như thiệt hại hoàn toàn. Mấy vườn dừa kề bên như vườn dừa 5.000m2 của bà Hai Tú, vườn dừa rộng hơn 1 ha của ông Phạm Văn Mười… cũng bị “sâu lạ” tấn công thiệt hại nặng. Hiện nay thì tui nghe tin “sâu lạ” đã xuất hiện ở nhiều nơi trong tỉnh”. - Ông Năm Giúp ngao ngán nói.

Xuất phát từ đâu ?

Theo Chi cục TT& BVTV tỉnh Bến Tre, sâu lạ hại dừa là loài sâu đầu đen rất nguy hiểm, có tên khoa học là Opisina arenosella Walker. Đây là lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, nhưng trước đó loài sâu này đã gây hại ở các quốc gia trồng nhiều dừa như Ấn Độ,
Sri Lanka, Thái Lan. Do sâu đầu đen lần đầu tiên xuất hiện ở Bến Tre nên chưa có loại thuốc đặc trị nào để tiêu diệt sâu, ấu trùng và bướm hóa thân từ sâu. Chi cục TT&BVTV tỉnh Bến Tre khuyến cáo, khi phát hiện dừa bị sâu lạ tấn công, tốt nhất là nhà vườn nên chặt bỏ lá, trái bị sâu ăn và đem tiêu hủy để tránh lây lan ra các vườn dừa trong khu vực. Tại cuộc họp ngày 11/03, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đã yêu cầu các địa phương và ngành nông nghiệp phải tăng cường tuyên truyền cho người dân nhận diện, biết tác hại của sâu đầu đen để có biện pháp phòng chống hữu hiệu. Các cơ quan hữu trách của tỉnh cần phối hợp với các Viện, trường, các nhà khoa học, tìm các chế phẩm sinh học tiêu diệt sâu đầu đen có hiệu quả. Các địa phương trong tỉnh cần tổ chức khoanh vùng phòng chống, diệt sâu.

Cận cảnh con sâu lạ đang phá hại vườn dừa ở xã Phú Long.

Theo ông Năm Giúp, nếu nói con “sâu lạ” này là sinh vật ngoại lai thì con bướm đẻ ra trứng con sâu lạ không thể nào bay từ Sri Lanka, Thái Lan, Ấn Độ đến xã Phú Long được. Ông cho rằng “sâu lạ” xuất hiện ở đây chỉ có thể từ con đường nhập lậu sâu làm thức ăn cho chim cảnh, cá cảnh. Người sử dụng sơ suất làm xổng con sâu ra ngoài môi trường tự nhiên, nên nó có cơ hội sinh sôi nảy nở, phát tán gây hại cho vườn dừa. Do vườn dừa khó có cơ hội hồi phục nên ông Năm Giúp và những nhà vườn bị sâu hại đang tính chuyện đốn bỏ, trồng lại vườn dừa mới. Nhưng, nếu ngành nông nghiệp không tìm ra được thuốc đặc trị để tiêu diệt tận gốc loài “sâu lạ” thì nhà nông có cải tạo, trồng mới vườn dừa cũng vô ích, bởi chẳng bao lâu vườn cây sẽ lại bị sâu lạ tấn công, gây hại. “Vườn dừa của tui thiệt hại chỉ là chuyện cá nhân. Nhưng nếu con “sâu lạ” này lan ra cả tỉnh Bến Tre thì 74.000 hecta dừa của tỉnh có nguy cơ bị xóa sổ. Đó là chưa kể đến việc con “sâu lạ” có thể lây lan tàn phá các vườn dừa ở Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long… nếu không có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn nó”. - Ông Năm Giúp bày tỏ.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất