, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 02/03/2022, 11:58

Bắt nhịp chuyển đối số, không chấp nhận "đi sau"

TRUNG QUÂN
(nongnghiep.vn)
Trong xu thế và đòi hỏi mới của công nghệ 4.0, khuyến nông Phú Thọ đã kịp thời bắt nhịp, không chấp nhận "đi sau" trong cuộc cách mạng chuyển đổi số.

Giải bài toán truy suất nguồn gốc nông sản

Theo ông Lê Toàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ, hiện nay, hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp được xem là giải pháp hữu hiệu trong giải quyết các vấn đề về quản lý chất lượng nông sản.

Việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến sẽ giúp các đơn vị sản xuất ghi chép, lưu trữ thông tin về quy trình sản xuất, tiêu chuẩn, chứng chỉ, chứng nhận… một cách công khai, minh bạch, hỗ trợ đắc lực cho cơ quan quản lý nắm bắt thông tin nhanh chóng, chính xác, liên tục. Từ đó, có thể tổng hợp, xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu lớn cho ngành nông nghiệp của tỉnh.

Việc xây dựng và đưa vào sử dụng ứng dụng 'Agritech - chuỗi nông nghiệp số' dành cho thiết bị di động, là bước đi đột phá của khuyến nông Phú Thọ. Ảnh: Trung Quân.
Việc xây dựng và đưa vào sử dụng ứng dụng “Agritech - chuỗi nông nghiệp số” dành cho thiết bị di động, là bước đi đột phá của khuyến nông Phú Thọ. Ảnh: Trung Quân.

Ngoài ra, đây cũng là điều kiện cần thiết trong việc kết nối tiêu thụ nông sản thông qua hình thức thương mại điện tử, phục vụ nội tiêu và hướng tới xuất khẩu...

Trên tinh thần đó, được sự đồng ý của UBND, Sở NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện mô hình “Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2021” với nội dung xây dựng, hoàn thiện, đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc nông sản dành cho thiết bị di động.

Ông Lê Toàn chia sẻ: Hệ thống phần mềm quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc nông sản được xây dựng từ năm 2018, hoạt động thông qua website http://nongsanantoanphutho.vn. Tuy nhiên, để thuận tiện trong sử dụng và đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của những nhiệm vụ mới, khuyến nông Phú Thọ đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và đưa vào sử dụng ứng dụng (app) “Agritech - chuỗi nông nghiệp số” dành cho thiết bị di động (người dùng có thể tải ứng dụng trên CH Play hoặc Appstore, tùy hệ điều hành của điện thoại).

Theo ông Toàn, app Agritech đã được tích hợp đầy đủ các tính năng nên có thể xem là "bước đi đột phá" mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng sử dụng như người sản xuất, người tiêu dùng, cơ quan kiểm dịch, cơ quan quản lý...

Cụ thể, mỗi trang trại, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất nông sản... được cấp một tài khoản trên ứng dụng (đã được thẩm định). Trên app chia theo các phân hệ chuyên ngành như: Trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp, chế biến… Người dùng căn cứ vào sản phẩm của đơn vị mình cập nhật liên tục dữ liệu (chi tiết hành động thực hiện, hình ảnh/video minh hoạ, dữ liệu về lô, thửa, nơi sản xuất, canh tác…) theo thời gian thực và không thể thay đổi. Hệ thống sẽ tự động xử lý trở thành “cuốn nhật ký điện tử” cho chủ tài khoản đó.

Cán bộ khuyến nông Phú Thọ hướng dẫn chủ trang trại cài đặt, sử dụng ứng dụng Agritech ngay tại vườn. Ảnh: Trung Quân.
Cán bộ khuyến nông Phú Thọ hướng dẫn chủ trang trại cài đặt, sử dụng ứng dụng Agritech ngay tại vườn. Ảnh: Trung Quân.

Mặt khác, với thông tin đã nhập, chủ tài khoản có thể đăng ký in tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm với cơ quan quản lý một cách thuận tiện, nhanh chóng. Ngoài ra, app được liên kết với các sàn thương mại điện tử như Viettel Post, Voso... nên mọi thông tin về sản phẩm sẽ tự động được các sàn thương mại cập nhật, thuận lợi cho các đối tác trong và ngoài nước theo dõi, liên hệ…

“Mục tiêu trong giai đoạn đầu sẽ thu hút được hầu hết các hộ sản xuất, kinh doanh chiếm tỷ trọng lớn trong tỉnh tham gia sử dụng app, tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng tỉnh quản lý hoạt động sản xuất cũng như chất lượng nông sản. Bên cạnh đó, đây là những thông tin để thu hút các siêu thị, doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu nông sản… kết nối tiêu thụ. Mục tiêu xa hơn là tiến tới tất cả các loại nông sản được bán ngoài chợ đều có thể truy suất được nguồn gốc xuất xứ", ông Lê Toàn cho hay.

Cũng theo ông Toàn, hiện tại app đã đi vào hoạt động bài bản. Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ đã cấp tài khoản, hỗ trợ cài đặt, hướng dẫn sử dụng trực tiếp cho 50 đơn vị, cấp 142.000 tem, 20.000 nhãn truy xuất nguồn gốc nông sản cho các đơn vị tham gia.

Ông Trần Ngọc Minh, Giám đốc HTX Dịch vụ Sản xuất và Kinh doanh bưởi đặc sản Bằng Luân, xã Bằng Luân (Đoan Hùng, Phú Thọ), đơn vị tham sử dụng app chia sẻ: Ban đầu sử dụng app trên điện thoại còn lúng túng, đôi lúc quên và nhập sai mục thông tin. Tuy nhiên, được sự tư vấn trực tiếp của cán bộ kỹ thuật ở khuyến nông Phú Thọ và giải đáp thắc mắc qua số hotline hoạt động 24/7, dần dần ông đã sử dụng thành thạo.

Năm 2021, Trung tâm khuyến nông Phú Thọ tiếp tục triển khai hiệu quả dự án khuyến nông Trung ương 'xây dựng mô hình thâm canh cây bưởi gắn với tiêu thụ sản phẩm tại tỉnh Phú Thọ'. Ảnh: Trung Quân.
Năm 2021, Trung tâm khuyến nông Phú Thọ tiếp tục triển khai hiệu quả dự án khuyến nông Trung ương "xây dựng mô hình thâm canh cây bưởi gắn với tiêu thụ sản phẩm tại tỉnh Phú Thọ". Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Minh, khi tham gia app, người dùng chỉ cần bỏ ra một ít thời gian để thao tác trên điện thoại nhưng lợi ích thu về thì lớn gấp nhiều lần.

“Mình sản xuất, kinh doanh bưởi đặc sản, từ ngày sử dụng app, công khai toàn bộ thông tin, địa chỉ, quá trình sản xuất... được cấp tem truy suất nguồn gốc, các siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản an toàn, bạn hàng khắp cả nước biết đến và liên hệ đặt hàng nhiều hơn, giá bán từ đó được nâng cao hơn”, ông Minh phấn khởi nói.

Đối với công tác kiểm dịch, app giúp cho công tác kiểm dịch của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Thọ rút ngắn được thời gian, chi phí, công sức... cho đội ngũ kiểm dịch viên cũng như chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh mà vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng quy định.

Cụ thể, Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Thọ tiến hành xuất mã, in tem theo danh sách mà kiểm dịch viên đăng ký. Kiểm dịch viên sẽ có mặt tại nơi xuất hàng, kiểm tra, nhập dữ liệu theo thời gian thực lên app, dán tem và rút dây niêm phong cửa thùng xe. Khi xe chở hàng đi qua các chốt kiểm dịch, người kiểm tra chỉ cần quét mã trên tem niêm phong sẽ kiểm tra được các thông tin về lô hàng như: Nguồn gốc xuất xứ, chủ lô hàng, nơi đi, nơi đến, mục đích sử dụng...

Ngoài ra, do dữ liệu được cập nhật và lưu trữ trên server nên công tác quản lý, giám sát, thống kê, trích xuất báo cáo thông tin kiểm dịch sẽ diễn ra nhanh chóng, chính xác hơn. Hiện tại, hai đơn vị đã phối hợp kích hoạt được 8.469 tem kiểm dịch các loại.

Triển khai hiệu quả dự án khuyến nông Trung ương

Theo ông Lê Toàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ, trong năm 2021, vượt lên mọi khó khăn do tình hình dịch Covid-19, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông Phú Thọ vẫn triển khai thành công dự án khuyến nông Trung uơng “Xây dựng mô hình thâm canh cây bưởi gắn với tiêu thụ sản phẩm tại Phú Thọ giai đoạn năm 2020 - 2022”.

Theo đó, năm 2021 là năm thứ 2 Phú Thọ triển khai dự án với 14 hộ tham gia, trên diện tích 9ha tại các xã Bằng Luân, Chi Đám, Chân Mộng (huyện Đoan Hùng), xã Đồng Trung (huyện Thanh Thủy), xã Phúc Khánh (huyện Yên Lập).

Các hộ tham gia dự án sẽ được hỗ trợ các loại phân bón (phân hữu cơ vi sinh, NPK, phân bón lá…), đậu tương, túi bao quả, thuốc BVTV và hướng dẫn kỹ thuật, phương pháp sử dụng các loại vật tư này trong thâm canh chăm sóc cây bưởi.

Khuyến nông Phú Thọ tổ chức các buổi tham quan, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bưởi tại vườn cho các hộ tham gia dự án khuyến nông Trung ương năm 2021. Ảnh: TTKN Phú Thọ.
Khuyến nông Phú Thọ tổ chức các buổi tham quan, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bưởi tại vườn cho các hộ tham gia dự án khuyến nông Trung ương năm 2021. Ảnh: TTKN Phú Thọ.

Qua thời gian triển khai, kết quả thu được cho thấy tại các mô hình, bưởi sinh trưởng phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, sản phẩm quả đạt chất lượng cao, năng suất bưởi đều cao hơn so với ngoài mô hình từ 15 - 17%. Trọng lượng quả bưởi trung bình trong mô hình đồng đều và tăng hơn so với ngoài mô hình từ 2,4 - 3,7%.

Hiệu quả kinh tế của mô hình so với đối chứng tăng từ 16,5 - 18,1%. Sau khi trừ chi phí, các điểm thực hiện mô hình cho lợi nhuận trung bình trên 173 triệu đồng/ha, đối với giống bưởi sửu đạt trên 800 triệu đồng/ha.

Anh Đặng Trung Kiên, khu 4 xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy có 1 ha trồng bưởi tham gia mô hình chia sẻ: Khi tham gia dự án, gia đình anh được hỗ trợ 70% chi phí phân hữu cơ, đỗ tương, chế phẩm vi sinh, thuốc BVTV… Nhờ đó, tổng chi phí đầu tư giảm được 30%/1 ha so với đối chứng, năng suất, chất lượng bưởi tăng lên nên giá bán cũng tăng theo.

“Trước đây, bưởi chỉ bán được giá 15.000 đồng/quả, nhưng khi canh tác theo phương pháp mới mẫu mã, độ ngọt, mùi thơm tự nhiên của bưởi tăng lên, nhờ đó giá bán cũng tăng lên 20.000 đồng/quả mà luôn cháy hàng” anh Kiên vui vẻ chia sẻ.

Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ, sau 2 năm triển khai, tất cả các hộ tham gia dự án đều bày tỏ mong muốn mở rộng diện tích áp dụng biện pháp tiên tiến thâm canh cây bưởi gắn với tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, nhận thấy hiệu quả, nhiều hộ trồng bưởi lân cận đã chủ động tìm đến các mô hình thăm quan, học hỏi kỹ thuật. Dự báo, khả năng nhân rộng của dựa án sẽ rất cao trong thời gian tới. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất