, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 27/06/2022, 10:10

'Báu vật' làng biển

DƯƠNG QUANG
(sggp.org.vn)
Hình ảnh rừng cây phi lao phòng hộ dọc ven biển miền Trung là khá phổ biến. Thế nhưng, rừng phi lao phòng hộ hàng trăm năm tuổi, phần thân cổ thụ phải mấy người ôm mới xuể như ở ven biển xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) là rất hiếm gặp. Người dân nơi đây luôn xem rừng cây này như “báu vật”, là biểu tượng, tài sản, niềm tự hào chung của cả làng.
Các em nhỏ dưới tán rừng phi lao cổ thụ ở xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Lá chắn xanh

Giữa tháng 6-2022, chúng tôi về Kỳ Nam - xã ven biển - trong cái nắng rát bỏng. Ông Nguyễn Đình Thoại (73 tuổi, Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng thôn Minh Đức, xã Kỳ Nam) dẫn chúng tôi đến “mục sở thị” khu rừng phòng hộ ven biển. Ở nơi đây, cái nắng bỏng rát dường như được xua tan bởi màu xanh mướt của rừng phi lao cổ thụ với gió biển thổi rì rào mát lộng. Tiếng chim ca ríu rít hòa quyện với tiếng sóng vỗ tạo nên bản hòa ca giữa quang cảnh thơ mộng, yên bình. “Có được rừng phi lao cổ thụ này chính là nhờ công lao của nhiều thế hệ người dân xã Kỳ Nam ra sức gìn giữ, bảo vệ. Dọc ven biển miền Trung hiếm có rừng phi lao nào được như vậy”, ông Thoại hào sảng giới thiệu với chúng tôi.

Rừng phi lao phòng hộ ven biển xã Kỳ Nam bắt đầu từ Mũi Đọc cửa sông Xích Mộ, nằm dưới chân dãy Hoành Sơn (thôn Minh Đức) đến Mũi Đao gần quốc lộ 1 (thôn Quý Huệ) với chiều dài gần 3km, rộng khoảng 100m. Trong rừng có hàng ngàn cây cổ thụ sừng sững, cao 20-35m, tán rộng, rất nhiều cây nguyên sinh có đường kính thân phải 2-3 người ôm mới xuể. Gốc cây gân guốc, lớp vỏ sần sùi và chi chít ụ nổi lồi lõm. Nhiều cây vẫn còn mang đầy những dấu tích “vết thương” do sự tàn phá của các đợt thiên tai bão tố.

Theo ông Thoại, hiện nay trong thôn không còn ai biết chính xác rừng phi lao này được trồng từ bao giờ. Thế hệ như ông khi sinh ra đã thấy rừng cây phát triển xanh tốt, sừng sững ở đó. Ngoài tác dụng ngăn sạt lở đất, cát bay, chống biến đổi khí hậu, rừng còn che chắn sóng, gió bão bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân thôn Minh Đức nói riêng và xã Kỳ Nam nói chung. “Từ trước, chúng tôi được nghe cha ông kể lại rằng, rừng phi lao này đã tồn tại ít nhất là 200 năm. Trong những năm chiến tranh ác liệt, rừng bao bọc, che chở cho dân quân địa phương, bộ đội đóng quân chiến đấu bảo vệ bờ biển Kỳ Nam. Sau hòa bình lập lại, nhờ có rừng cây này che chắn, bảo vệ vững chãi trước tác động của bão tố, gió chướng nên cuộc sống, sản xuất của người dân trong vùng được ổn định và phát triển. Rừng cũng làm “lá chắn xanh” tạo cảnh quan môi trường sinh thái, thu hút người dân đến nghỉ ngơi, ngắm cảnh, chụp ảnh lưu niệm và là nơi các đàn chim tự nhiên bay về trú ngụ, sinh sôi nảy nở”, ông Thoại chia sẻ.

Bảo vệ rừng cho tương lai

Theo ông Thoại, điều kiện thời tiết ở Kỳ Nam rất khắc nghiệt. Đất nơi đây khô cằn sỏi đá, nhiễm mặn, bão tố ngày một mạnh hơn. Nếu không có rừng phi lao cổ thụ này bao bọc thì 80 hộ dân với 245 nhân khẩu trong thôn sẽ rất khó sinh sống, sản xuất - kinh doanh. Ngày trước, rừng rậm rạp gấp nhiều lần so với bây giờ nhưng trải qua các đợt bão lớn tàn phá vào năm 1987, 2010... làm nhiều cây không trụ vững mà bật gốc, đổ ngã. “Bao đời nay, không chỉ người dân ở thôn Minh Đức mà các thôn khác trong xã đều quý trọng, xem rừng như “báu vật”, là tài sản vô giá, là biểu tượng, niềm tự hào. Chúng tôi luôn nhắc nhở, giáo dục các thế hệ con cháu chung tay gìn giữ, bảo vệ, phát triển rừng của tương lai quê hương”, ông Thoại cho hay.

Xã Kỳ Nam nằm dưới chân dãy Hoành Sơn hùng vĩ, phía Đông giáp biển. Đây là địa phương ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh, cách trung tâm TP Hà Tĩnh trên 80km. Hiện toàn xã có tổng diện tích đất tự nhiên là hơn 18km2, dân số gần 3.000 nhân khẩu. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm nghề biển.

Vừa đi hái lá vằng trên dãy Hoành Sơn trở về qua khu rừng, bà Bùi Thị Vách (79 tuổi, ngụ thôn Minh Đức) chia sẻ: “Rừng phi lao đã gắn bó như máu thịt với các thế hệ người dân xã Kỳ Nam. Nhờ có rừng mà ruộng vườn sản xuất, nhà cửa không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự tàn phá của sóng biển hay gió bão. Vì vậy, chúng tôi luôn ra sức gìn giữ, bảo vệ, không chặt phá”.

Năm nay ở tuổi 93 tuổi, sức khỏe yếu, sự minh mẫn giảm hơn so với trước nhưng khi hỏi về rừng phi lao thì ông Mai Lương Dụ (ngụ thôn Minh Đức) rất hào hứng. Ông Dụ cho hay, cuộc đời ông đã gắn bó với khu rừng này. Ngày trước trong làng có quy ước bảo vệ rừng rất nghiêm ngặt, bất cứ người nào dù là già hay trẻ nếu phát hiện đi vào rừng chặt phá, làm tổn hại đến cây rừng đều bị dân làng đem ra xử phạt rất nặng nên không ai dám vi phạm. Mỗi lần gió bão càn quét qua, nhiều cây bị đổ ngã, sau bão trong thôn nhà dân cũng bị thiệt hại nhưng nhiều người dân chưa vội khắc phục mà mang theo các vật dụng chạy thẳng ra khu rừng cùng nhau chống đỡ, dựng lại từng cây đổ rồi mới trở về nhà khắc phục thiệt hại nhà mình. “Ý thức quý rừng, gìn giữ và bảo vệ rừng như máu thịt luôn được các thế hệ người dân trong làng tiếp nối nhau. Ngày nay, khi đời sống càng được nâng cao thì người dân nơi đây lại càng quý rừng hơn”, ông Dụ chia sẻ với niềm tự hào về rừng cây.

Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam, cho biết, rừng phi lao phòng hộ ven biển của xã này có diện tích trên 25ha với khoảng 40.000-50.000 cây, trong đó chủ yếu là cây nguyên sinh cổ thụ. Để gìn giữ, bảo vệ, phát triển rừng, chính quyền địa phương đã giao lại cho người dân thôn Minh Đức quản lý, chăm sóc và hàng năm người dân trong thôn đều tổ chức trồng thêm cây phi lao nhằm bổ sung, thay thế những cây bị gió bão làm gãy đổ. Trong đó, riêng giai đoạn từ năm 2012-2015 có trên 3.000 cây phi lao được trồng mới. Nhờ vậy, rừng cây luôn phát triển xanh tốt, rậm rạp.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, sắp tới có một số dự án về triển khai đầu tư gần khu vực rừng phi lao phòng hộ, nhưng phía nhà đầu tư cam kết sẽ giữ lại rừng để tạo môi trường sinh thái, khai thác phát triển du lịch. Quan điểm của địa phương là luôn ưu tiên giữ rừng, bởi đây là vốn quý của tự nhiên cũng như là bảo vệ cuộc sống của người dân.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất