, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 22/10/2021, 08:00

Bể nước mưa nhà ngoại

TRỊNH VIẾT HIỆP
Hơn chục năm trở về trước, người dân quê chủ yếu dùng nước ao, nước sông để tắm giặt, rửa ráy và nước mưa để nấu nướng, ăn uống hàng ngày. Vì lẽ đó mà gia đình nào cũng phải chuẩn bị đồ chứa để trữ nước mưa đủ dùng từ mùa mưa năm trước đến mùa mưa năm sau cho cả gia đình.

Quê ngoại tôi thời ấy chỉ những gia đình giàu có mới xài nước giếng khơi, bởi đào giếng tốn rất nhiều tiền. Ngoài các vật dụng dùng chứa nước mưa thông thường như chum, vại, thùng, chậu, nhà nào thời ấy cũng ráng xây thêm một chiếc bể to để có thể chứa được nhiều nước mưa nhất.

Nhà ngoại tôi không thuộc diện khá giả, nên việc có được cái giếng khơi luôn là niềm ao ước, nhưng đổi lại, nhà ngoại lại có bể chứa nước mưa “khủng” nhất làng khi nó có thể chứa được vài trăm gánh nước. Bà ngoại tôi kể rằng khi bà về làm dâu đã thấy cái bể hiện diện trước sân nhà, rêu xanh phủ kín.

Cha mẹ tôi làm việc nơi thành phố, gửi tôi sống với ông bà ngoại và bể chứa nước mưa nhà ngoại trở thành ấn tượng khó quên của tuổi thơ bởi ngày nào tôi cũng vài ba lượt ra bể để múc nước và chứng kiến những lần súc rửa bể chứa rất… đáng sợ!

Bể chứa nước mưa nhà ngoại nửa nằm dưới lòng đất, nửa nhô lên trên. Bể sâu tới mức người lớn mỗi lần lội xuống tổng vệ sinh có thể đứng thẳng lưng trong lòng bể mà không sợ đụng đầu vào nóc bể. Năm nào trước mùa mưa, khi bể đã cạn gần hết nước là việc vệ sinh bể lại diễn ra. Những năm còn nhỏ xíu, tôi chỉ đứng nhìn cậu hoặc ông ngoại làm, lớn hơn một chút, tôi xuống phụ cậu và ngoại chà rửa bể. Mỗi lần xuống bể, ông ngoại phải bắc thang và di chuyển thật cẩn thận vì bể không chỉ sâu mà còn trơn trượt do thành và đáy bể mọc đầy rêu. Bước sang tháng 5 hoặc tháng 6, mùa mưa tới, chờ những trận mưa đầu mùa rửa thật sạch bụi bặm trên mái nhà, trong máng xối, ngoại mới mở nắp bể để bắt đầu trữ nước mưa cho cả nhà. Chỉ sau vài trận mưa rào thật lớn, mỗi trận kéo dài chừng vài giờ đồng hồ, là cả chiếc bể sâu to rộng đã đầy nước. Ngoài những lúc cần múc nước để sử dụng, nắp bể chứa luôn được đóng kín để tránh bụi bẩn và côn trùng, ếch nhái… rơi vào.

Tôi còn nhớ trong làng lúc ấy nhà nào cũng dùng thân tre hoặc thân cau đục rỗng để làm máng dẫn nước từ mái nhà vào bể chứa, chỉ riêng nhà ngoại tôi máng xối được làm bằng ống nhựa. Ngoại nói máng xối bằng nhựa sạch sẽ, dễ chà rửa, lại thọ hơn dùng tre.

Không biết có phải vì nấu từ nước mưa mà cơm nhà ngoại luôn ngọt và ngon hơn bất cứ loại cơm nào tôi đã ăn? Và hương trà pha từ nước mưa đun sôi trên bếp củi cũng luôn thơm, đượm màu và ngọt hậu hơn trà pha bằng những nguồn nước khác? Tôi không dám chắc, chỉ nhớ hồi ấy, mỗi lần nhà pha trà mời khách, người nào uống cũng tấm tắc khen ngon và trước khi ra về, bao giờ cũng xin ngoại tôi một chai nước mưa múc từ bể để mang về dành pha trà uống. Bà ngoại tôi, mỗi lần ngả tương, đều dùng nước mưa để ngâm ủ mốc. Bà nói dùng nước giếng khơi tương sẽ giảm đi vị ngon ngọt. Nhà nào trong làng không may hết nước mưa, kiểu gì họ cũng sang nhà ngoại hoặc hàng xóm xin nước mưa về ngả tương để đảm bảo tương được ngon.

Ngày tôi lên thành phố vào đại học, nghe tin cậu mợ tôi phá bỏ bể nước mưa với lý do nhà đã có nước máy, để cái bể chỉ làm chật đất, tôi buồn không tả xiết! Những năm sau này, mỗi lần về quê thăm ngoại, nhìn mảnh vườn không còn chiếc bể chứa nước mưa là tôi lại cảm giác mất mát điều gì đó thật quý giá…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất