, //, :: GTM+7

Bến Tre đối phó bài bản với nước mặn xâm nhập

NHẬT TRƯỜNG
(vov.vn)
Theo thông tin từ các cơ quan chuyên môn, hiện nay xâm nhập mặn đang gia tăng trên toàn khu vực, trong đó có tỉnh Bến Tre. Chính quyền và nhân dân địa phương đã khẩn trương thực hiện các giải pháp ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ".

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, hiện nay, tình hình mặn xâm nhập trên các sông chính qua địa bàn tỉnh đang tăng ở mức trung bình so với cùng kỳ năm 2021. Độ mặn 4‰ đã xâm nhập cách các cửa sông từ hơn 30 – 50km. Nước mặn sẽ còn xâm nhập sâu hơn so với cùng kỳ năm ngoái trên sông Cửa Đại và Cổ Chiên. Mức độ rủi ro do thiên tai xâm nhập mặn tăng lên cấp độ 2.

Vườn dừa Bến Tre đang đứng trước nguy cơ giảm năng suất do hạn mặn xâm nhập.

Để phòng chống hạn mặn ổn định đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân, doanh nghiệp, chính quyền và ngành chức năng trong tỉnh thường xuyên theo dõi độ mặn trên sông, kiểm tra các công trình phòng chống xâm nhập mặn, nhất là hệ thống cống đập; có kế hoạch vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi. Đặc biệt đẩy nhanh tiến độ thi công nạo vét, khai thông dòng chảy, sửa chữa các công trình thủy lợi, ngăn mặn, đào ao để trữ ngọt, nhằm đảm bảo nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Gia đình anh Huỳnh Trần Nhất Phi cũng như nhiều nông dân khác ở huyện Chợ Lách không lo ngại lắm khi nước mặn tấn công do đã chủ động nguồn nước ngọt. Anh Phi cho biết, mùa khô này gia đình đang sản xuất hơn 2ha cây giống tại xã Hòa Nghĩa và Thị trấn Chợ Lách (huyện Chợ Lách). Nhờ đào ao, khoan giếng, xây hồ chứa nước từ mấy năm qua, nên dự trữ được hơn 1.000m3 nước ngọt, nếu hạn mặn kéo dài cũng đảm bảo đủ nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt gia đình.

“Năm nay, nhà tôi đã chuẩn bị sẵn các nền tảng, nếu có mặn tới thì chỉ việc lấy nước ngọt ra dùng. Hồ nước ngọt, giếng khoan, ao trữ nước ngọt đã có nước nên không sợ thiếu”, anh Huỳnh Trần Nhất Phi cho hay.

Thật vậy, công tác phòng chống hạn mặn ở xứ dừa đã và đang tăng tốc, cách làm cũng bài bản hơn; nhà nào cũng có lu hồ, bể thậm chí đào ao chứa nước ngọt. Chính quyền và ngành chức năng đẩy nhanh việc thực hiện các giải pháp công trình.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, đến nay đã cơ bản hoàn thành việc sửa chữa cửa các cống và hệ thống các tuyến kênh trục và nội đồng đã được nạo vét thông thoáng, khai thông dòng chảy; tiến hành duy tu, sửa chữa 59 công trình, gia cố các vị trí sạt lở, đảm bảo ngăn triều cường và ngăn mặn; các công trình còn lại đang trong giai đoạn thực hiện.

Việc vận hành các công trình thủy lợi có khả năng lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép để tăng cường tích trữ nước vào hệ thống kênh, mương nội đồng, hồ chứa. Các nhà máy nước khu vực nông thôn thường xuyên tổ chức đo độ mặn tại nguồn nước thô và độ mặn sau xử lý của các nhà máy nước để có kế hoạch trữ nước, vận hành nhà máy phù hợp. Các đơn vị đã đẩy nhanh tiến độ thi công công trình kết nối mạng lưới cấp nước của các nhà máy nước. Việc cấp nước đô thị vào khu công nghiệp An Hiệp- Giao Long (huyện Châu Thành) cũng được đặt ra với các kịch bản cụ thể. Các nhà máy nước thường xuyên thực hiện quan trắc độ mặn hằng ngày, chủ động cấp bổ sung nước ngọt cho người dân tại một số địa điểm tập trung khi hạn mặn vào cao điểm.

Bến Tre khẩn trương thi công các công trình thủy lợi chống hạn mặn

Ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện nạo vét các tuyến kênh thủy lợi và hoàn thiện các cống đập theo kế hoạch. Trong đó, có các công trình có quy mô lớn phục vụ trữ nước cho cả khu vực như: đập tạm Thành Triệu, cống Giồng Luông (huyện Châu Thành); cống Sa Kê (huyện Mỏ Cày Nam), cống sông Mã (thành phố Bến Tre). Cánh đồng hơn 12.000 ha ở huyện Ba Tri và Giồng Trôm đến nay đã khống chế được nước mặn do hệ thống cống đập đã được xây dựng hoàn thành.

Tại huyện Chợ Lách cũng xây dựng hoàn chỉnh 10 cống đập ngăn mặn, trữ ngọt; trong đó có 07 cống đập từ nguồn vốn Nhà nước và nhân dân cùng làm, 03 cống đập từ ngân sách huyện đầu tư. Ngoài ra, huyện còn có phương án đấp 5 đập dã chiến khi nước mặn tấn công. Đồng thời, người dân đã đào hơn 1.100 ao trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất mùa khô.

Ông Đỗ Minh Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Triệu, huyện Châu Thành cho biết, nhờ hệ thống cống đập ngăn mặn do tỉnh, huyện đầu tư nên mùa khô năm nay có khả năng địa phương không bị thiệt hại như các năm trước.

“Hiện nay xã cũng tập trung thông báo cho người dân về độ mặn để người dân tự gia cố đê, trữ nước ngọt. Huyện, tỉnh đã chăm lo trước bằng việc xây các đập tạm, hằng ngày nếu chỉ số nước mặn lên thì chúng tôi chặn đập lại sẽ rất hiệu quả", ông Bảo chia sẻ.

Đối với huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, sản xuất không bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn vì vụ mùa đã thu hoạch xong. Tuy nhiên nước sinh hoạt mùa khô có nguy cơ khan hiếm. Ông Võ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại cho biết, hiện nay huyện đã chủ động phương án cấp nước ngọt cho dân, không để xảy ra tình trạng sốt giá.

"Trước mắt UBND huyện đã làm việc với các nhà máy nước trên địa bàn, phải cung cấp đủ nước cho người dân sinh hoạt trong những tháng hạn mặn. Chủ động các nguồn nước, trường hợp nước xâm nhập sâu, kéo dài phải có phương án đưa nước ngọt từ nơi khác về hoặc chạy máy RO. Giá cả thì xin UBND tỉnh cho ý kiến. Người dân hiện nay mua các túi trữ nước, có chứa nước ngọt trong mương vườn, canh coi hệ thống đê để xả ra lấy vô nước ngọt cho người dân”, ông Quân thông tin.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, ngoài công tác tuyên truyền, vận động người dân trữ nước ngọt thì việc tổ chức thi công các cống đập ngăn mặn đã được triển khai khẩn cấp, nhất là các cống liên vùng để phục vụ cung cấp nước cho cả khu vực. Nếu tình hình hạn mặn diễn ra như năm ngoái thì Bến Tre không thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất.

Đập dã chiến ứng phó khi nước mặn xâm nhập

Ông Trần Ngọc Tam cho biết thêm: “Bến Tre rất chủ động trong việc phòng chống hạn mặn, đặc biệt là cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Chúng tôi đã gấp rút làm các cống ngăn mặn, ngay trong mùa dịch bệnh chúng tôi cũng chủ động cho các công trình dự án này được triển khai để phục vụ cho mùa hạn mặn này. Chúng tôi đã hoàn thành được một số cống có thể đảm bảo, thí dụ như nguyên cánh đồng Ba Tri và một phần huyện Giồng Trôm không bị xâm nhập mặn do chúng tôi đã làm cống Trung Nhuận, Xẻo Rắn, cống Cây Da, cống Lắng Xe, nước mặn không xâm nhập vào được".

Với những giải pháp, biện pháp chủ động đó, tin rằng tỉnh Bến Tre sẽ giảm bớt khó khăn và thiệt hại do xâm nhập mặn, từng bước ổn định sinh hoạt, đời sống, người dân xứ dừa để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất