, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 30/06/2022, 08:50

Bến Tre phát triển kinh tế biển

PHAN HUY
(sggp.org.vn)
Với đường bờ biển dài 65km, vùng đặc quyền kinh tế gần 20.000km², tỉnh Bến Tre có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển.

Thuận lợi nuôi tôm

Hiện nay, tình hình nuôi thủy sản của tỉnh Bến Tre đang khá thuận lợi, trong đó giá tôm nguyên liệu ở mức khá cao. Trên toàn địa bàn tỉnh, diện tích nuôi tôm biển đạt 34.700ha; tổng sản lượng nuôi đã thu hoạch ước đạt 190.472 tấn, đạt gần 995% so với cùng kỳ. Đặc biệt, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (CNC) đang phát triển tốt, sản lượng cao, giá ổn định. Hiện tổng diện tích nuôi tôm ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 2.000ha, năng suất bình quân 60-70 tấn/ha, sản lượng đạt 20.620 tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết, để gia tăng giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản, tỉnh Bến Tre có kế hoạch từ nay đến năm 2025 phát triển 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng CNC. Hướng đi này có nhiều doanh nghiệp quan tâm tham gia. Trong đó, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam liên kết sản xuất ở vùng nuôi tôm công nghệ cao tại 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Tỉnh cũng đã xác định 3 vùng nuôi tôm công nghệ cao tập trung tại 3 huyện trên với tổng quy mô 450ha.

Tại huyện Ba Tri, địa phương này nằm ở cuối dải cù lao Bảo, có diện tích tự nhiên 354,8km², dân số hơn 200.000 người và là một trong 3 huyện biển của tỉnh, cùng với Thạnh Phú, Bình Đại. Ba Tri có 1 thị trấn và 22 xã, trong đó có 4 xã ven biển là Bảo Thuận, Bảo Thạnh, An Thủy, Tân Thủy với tổng chiều dài bờ biển gần 13km. Vì vậy, huyện cũng xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn.

Ông Phạm Thanh Nhã (nông dân nuôi tôm ứng dụng CNC, ngụ xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri) cho biết, kích cỡ tôm thu được từ nuôi CNC trung bình từ 20-25 con/kg, trong khi nuôi truyền thống chỉ đạt 45-50 con/kg. Tôm có kích cỡ lớn sẽ có giá cao hơn tôm nhỏ khoảng 80.000 đồng/kg. Vì thế, việc nuôi tôm theo hướng CNC không chỉ mang lại hiệu quả về sản lượng, mà còn có hiệu quả về giá bán. Hiện mỗi vụ sau khi trừ chi phí, ông thu lãi mấy tỷ đồng. Một ưu điểm nữa của nuôi tôm ứng dụng CNC là tỷ lệ rủi ro tôm chết cũng ít hơn so với nuôi thông thường.

Ông Trần Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã An Thủy, cho biết, xã có trên 300ha nuôi tôm rải rác, truyền thống. Từ hiệu quả nuôi tôm ứng dụng CNC mang lại, xã phấn đấu đến năm 2025 đạt 100ha nuôi tôm ứng dụng CNC. Theo Bí thư Huyện ủy Ba Tri Võ Văn Phê, tổng giá trị sản xuất thủy sản của huyện đạt 17.615 tỷ đồng, tốc độ tăng 13%. Trong đó, nuôi trồng chiếm gần 30%, khai thác chiếm 70%. Huyện cũng đang từng bước đầu tư đồng bộ, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế khu vực biển.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ nhấn mạnh, năm 2022, tỉnh sẽ triển khai mạnh đề án 4.000ha nuôi tôm biển ứng dụng CNC. Trong đó, ban hành quyết định phân vùng nuôi để các tổ chức tín dụng tiếp cận, hỗ trợ vốn ưu đãi cho các hộ/công ty nuôi tôm ứng dụng CNC. Ngoài ra, tỉnh sẽ xây dựng chương trình phát triển nghề khai thác thủy sản phù hợp với tình hình mới, nâng cao hoạt động dịch vụ hậu cần trên biển. Cùng với đó, tạo điều kiện tối đa phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế từ 8%-8,5%.

Thế mạnh năng lượng tái tạo

Theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Bến Tre về phát triển tỉnh về hướng Đông giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Bến Tre sẽ chú trọng đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng ven biển, kết nối giao thông thông suốt với các huyện trong tỉnh và với các tỉnh trong khu vực, giúp phát huy tiềm năng kinh tế biển. Trong đó, phát triển các dự án điện gió cũng là một trong số các mục tiêu mà nghị quyết đề ra.

Bến Tre phát triển kinh tế biển ảnh 1
Các dự án điện gió trên địa bản tỉnh Bến Tre

Trên địa bàn huyện Ba Tri, Bí thư Huyện ủy Ba Tri Võ Văn Phê cho hay, trong 5 năm tới, huyện tập trung xây dựng các công trình gắn với lộ trình xây dựng xã nông thôn mới và đô thị, như: mời gọi đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Ba Tri, xây dựng hệ thống điện gió, điện năng lượng mặt trời…

Ông Nguyễn Văn Bé Sáu, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bến Tre, cho biết, dự án điện gió có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Nếu phát triển 1.500MW điện gió, sản lượng điện phát ra trung bình có thể đạt trên 4 tỷ kWh/năm, doanh thu khoảng 10.000 tỷ đồng/năm, mức thu ngân sách trên 1.000 tỷ đồng/năm. Đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho người dân, phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng khác, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy vậy, việc phát triển điện gió gặp một số khó khăn. Bộ Công thương đã phê duyệt quy hoạch 19 dự án với tổng công suất 1.007,7MW. Trong 9/19 dự án đang triển khai, có 5/9 dự án kịp công nhận vận hành thương mại trước ngày 31-10-2021, còn lại vẫn đang tiếp tục triển khai.

Trong khi đó, còn đến 10/19 dự án đang thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan, chưa tiến hành thi công ngoài thực địa do chờ Chính phủ ban hành cơ chế giá điện. Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15-1-2019 của Bộ Công thương về phát triển các dự án điện gió cũng chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về khu dân cư nên người dân khu vực các dự án trên bờ có phát sinh khiếu nại, dẫn tới chậm tiến độ dự án. Vì vậy, UBND tỉnh Bến Tre đã kiến nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế giá điện mới để các nhà đầu tư có quyết định sớm triển khai các dự án điện gió còn lại, cũng như có hướng dẫn rõ ràng về khu dân cư để giải quyết khiếu nại phát sinh đối với các dự án điện gió trên bờ.

“Tỉnh Bến Tre sẽ chủ động hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư, nhất là về thủ tục, quy hoạch, đất đai, giải phóng mặt bằng… để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư ngoài ngân sách, đặc biệt là các dự án phát triển đô thị, điện gió đã có chủ trương đầu tư và dự án của nhà đầu tư chuẩn bị ký kết biên bản ghi nhớ với tỉnh”, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ nhấn mạnh.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

“Từ giờ trở đi, sẽ ngày càng có nhiều người lên trọng điểm Cà Roòng – ATP” - là ngôn ngữ của những người tự vác lên mình sứ mệnh mở đường, giữa Trường Sơn.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất